Viện Ứng dụng công nghệ bước đầu thành công sau khi chuyển đổi sang mô hình tự chủ

28/Thg5/2007 15:03:44

Đây là một trong những đơn vị đầu tiên được thí điểm áp dụng mô hình này khá thành công từ việc tự xác định nhiệm vụ KH&CN và biện pháp tổ chức thực hiện; tự quyết định việc tham gia đấu thầu thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước giao và đặt hàng, cũng như tự quyết định biện pháp tổ chức thực hiện.

TSKH. Phan Xuân Dũng, Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ cho biết: từ khi thí điểm áp dụng mô hình này, ngoài việc thực hiện tốt các nhiệm vụ đột xuất triển khai, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật về khử trùng, tiêu độc và xử lý môi trường trong phòng, chống dịch cúm gia cầm và các nhiệm vụ KH&CN khác theo Nghị định thư đã ký kết với nước ngoài, Viện đã chủ động hơn trong việc nghiên cứu các đề tài phục vụ sản xuất và đời sống.

Điển hình là các đề tài nghiên cứu sản xuất thiết bị trợ giúp phòng chống SARS, hoàn thiện công nghệ và sản xuất được 4 thiết bị laser Nd:YAG và hệ thống làm lạnh cung cấp cho các bệnh viện: Quân đội 108, Bệnh viện ITO Sài Gòn… Đặc biệt, 2 sản phẩm: ống chân giả bằng composite (số 5673) và thiết bị laser đo mức thủy tinh nóng chảy trong lò (số 6109) của Viện đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền sáng chế và được sản xuất nhanh chóng thành hàng hóa. Từ các kết quả nghiên cứu này, sản phẩm được ứng dụng tại Trung tâm chấn thương chỉnh hình Ba Vì (Hà Tây) và Trung tâm chỉnh hình ngoại tuyến Hoa Kỳ.


Hơn nữa, nhờ chủ động trong thực hiện nhiệm vụ KH&CN, thương mại hóa sản phẩm, đã góp phần giúp cho Viện chủ động hơn về kinh phí trong việc sắp xếp lương cho cán bộ, viên chức và hợp đồng lao động. Bên cạnh những thuận lợi kể trên, trong quá trình chuyển đổi sang mô hình tự chủ Viện Ứng dụng công nghệ cũng gặp không ít những khó khăn, nhất là việc sắp xếp lại lao động, giải quyết chế độ cho lực lượng lao động dôi dư.


Hơn nữa, việc nghiên cứu, triển khai trong Viện không chỉ đơn thuần là nghiên cứu ứng dụng, mà còn bao gồm cả nghiên cứu công nghệ nền, nghiên cứu chiến lược và thử nghiệm chính sách của quốc gia cũng như chuyển giao các công nghệ đặc biệt. Do đó, đơn vị vẫn rất cần sự hỗ trợ kinh phí dù chỉ một phần cho việc chi thường xuyên, nhiệm vụ nghiên cứu, thử nghiệm chính sách của quốc gia để tránh những rủi ro có thể xảy ra. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ của các Viện thường là các chuyên gia đầu ngành về một số lĩnh vực, nếu không sử dụng hợp lý sẽ có hiện tượng "Chảy máu chất xám" tại chỗ, gây lãng phí lớn. 

(Theo TTTX, 5/2007)