Vào WTO: Việt Nam cắt giảm 30% thuế nhập khẩu

22/Thg8/2006 16:14:07

 

Ngành cắt giảm thuế nhiều nhất là dệt may: 63%.

Xin bà cho biết những nội dung chính về việc cắt giảm thuế nhập khẩu khi Việt Nam đàm phán gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế?

Yêu cầu bao trùm khi gia nhập WTO và tham gia các khu vực mậu dịch tự do (FTA) là Việt Nam tiến hành từng bước mở cửa thị trường hàng hóa trong nước, thông qua các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu. Bên cạnh đó, Việt Nam phải tuân thủ các nguyên tắc thương mại quốc tế về không phân biệt đối xử, rõ ràng, minh bạch đối với các biện pháp chính sách trong nước.

Việc bảo hộ cho sản xuất trong nước chỉ được thực hiện thông qua thuế nhập khẩu và rất hạn chế duy trì các biện pháp bảo hộ phi thuế quan.

Đến nay chúng ta đã kết thúc đàm phán song phương về mở cửa thị trường với toàn bộ 26 nước thành viên có yêu cầu đàm phán thuế. Tổng hợp chung, các kết quả đàm phán cho toàn bộ biểu thuế nhập khẩu gồm 10.600 dòng thuế, và Việt Nam đã cam kết cắt giảm khoảng 30% mức thuế nhập khẩu hiện hành và sẽ thực hiện chủ yếu trong vòng năm năm kể từ khi gia nhập WTO.

Những ngành có cắt giảm thuế nhiều nhất là dệt may: 63%, cá và sản phẩm cá: 38%, gỗ giấy: 33%, máy móc thiết bị điện, điện tử: 24%.

Bên cạnh đó, khi tham gia các FTA như CEPT/AFTA, FTA giữa ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, thì đến năm 2015 chúng ta sẽ phải tự do hóa thuế quan, giảm thuế nhập khẩu xuống 0% với các đối tác này.

Tuy nhiên sẽ có linh hoạt về thời gian hoặc về mức độ cắt giảm cho một số nhóm hàng nhạy cảm đối với nền kinh tế.

Vậy vấn đề chính sách trợ cấp sản xuất trong nước sẽ được giải quyết ra sao và chúng ta cam kết như thế nào khi gia nhập WTO?

Quy định của WTO về trợ cấp chủ yếu tập trung vào việc phân biệt giữa các hình thức trợ cấp “được phép” và “không được phép”. Trợ cấp được phép là các trợ cấp áp dụng chung nhằm hỗ trợ nghiên cứu phát triển, hỗ trợ vùng khó khăn, bảo vệ môi trường. Trợ cấp bị cấm chủ yếu là trợ cấp có liên quan đến thành tích xuất khẩu hoặc thay thế hàng nhập khẩu, sẽ phải loại bỏ hoàn toàn ngay khi gia nhập.

Ngoài hai hình thức trên, chúng ta vẫn được phép duy trì một số loại trợ cấp cho sản xuất trong nước (loại đèn vàng). Tuy nhiên, nếu sau này có những sản phẩm hưởng trợ cấp loại “đèn vàng” khi xuất khẩu mà gây thiệt hại cho ngành sản xuất tương ứng của nước nhập khẩu thì nước đó có thể tiến hành một số biện pháp đối kháng theo cơ chế của WTO.

Về trợ cấp trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta cam kết bỏ toàn bộ trợ cấp xuất khẩu hàng nông sản ngay khi gia nhập WTO, các khoản hỗ trợ trong nước được phép duy trì trong phạm vi 10% giá trị sản lượng như mức cam kết của các nước đang phát triển khác trong WTO.

Về trợ cấp công nghiệp, chúng ta cam kết xóa bỏ ngay từ thời điểm gia nhập các khoản trợ cấp xuất khẩu và trợ cấp thay thế hàng nhập khẩu được chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước. Các khoản trợ cấp bị cấm dưới hình thức ưu đãi đầu tư cho xuất khẩu sẽ phải bãi bỏ sau 5 năm gia nhập (đối với các dự án đã đi vào hoạt động).

Tuy nhiên, các ưu đãi này không được áp dụng với các dự án mới thành lập sau khi gia nhập và tất cả các dự án thuộc ngành dệt may.

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị yêu cầu Bộ Tài chính công bố công khai nội dung, và lộ trình cắt giảm thuế theo các cam kết quốc tế, tiến trình công việc này được thực hiện ra sao?

Hiện nay Bản tổng hợp cam kết về thuế đang được Ban Thư ký WTO gửi luân chuyển cho tất cả các nước thành viên đã đàm phán về thuế với Việt Nam để họ đối chiếu với thoả thuận mà họ đã ký với ta.

Ngày 15/9/2006 mới là thời hạn cuối cùng để các nước trả lời cho Ban Thư ký WTO về kết quả rà soát. Nghĩa là, trước 15/9 ta chưa thể công bố chi tiết về lộ trình cắt giảm của từng dòng thuế.

Tuy nhiên, chúng tôi dự kiến sẽ sớm cung cấp thông tin tổng hợp về lộ trình giảm thuế WTO của các nhóm mặt hàng chính.

Chúng ta vẫn trong thời gian rà soát các kết quả đàm phán song phương, song Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị trong Bộ khẩn trương nghiên cứu, phân tích các tác động của việc gia nhập WTO, để kịp thời đề xuất các giải pháp vi mô và vĩ mô giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng và điều chỉnh phương án kinh doanh trong bối cảnh Việt Nam thực hiện cam kết hội nhập kinh tế - tài chính quốc tế và khu vực.