Vào WTO: “Sống chung” với thực phẩm ngoại

21/Thg8/2006 14:11:53

 

Sản phẩm thịt bò xuất xứ từ bang South Dakota (Mỹ).

Từ thịt bò Mỹ...

Cách nay bảy năm, Công ty TNHH Golden Garden đã bắt đầu nhập khẩu thịt bò Mỹ về bán ở Tp.HCM. Hiện công ty đã xây dựng được ba cửa hàng phân phối thực phẩm sạch, trong đó có thịt bò Mỹ, mang tên VeGGys: một cửa hàng ở Tp.HCM, một cửa hàng ở Hà Nội và một ở Phnôm Pênh (Campuchia).

Trước đây, Golden Garden chủ yếu phân phối thịt bò Mỹ cho các khách sạn, nhà hàng lớn và những người nước ngoài đang làm việc tại thành phố. Còn gần đây, nhiều người dân bình thường cũng thường xuyên mua thịt bò của công ty. 

Thịt bò Mỹ được Golden Garden nhập về bằng máy bay mỗi tháng vài lần, mỗi lần từ 1-2 tấn với hai loại chính là thịt bò đông lạnh và thịt bò tươi, được đóng gói, hút chân không và làm lạnh, có chứng nhận kiểm dịch động vật của Mỹ và giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo bà Nguyễn Huệ, Giám đốc điều hành của Golden Garden, hầu hết người mua thịt bò Mỹ đều lựa chọn loại thịt tươi làm lạnh với giá phổ biến từ 300.000-400.000 đồng/kg, khá đắt nếu so với thịt bò Việt Nam loại tốt nhất cũng chỉ khoảng 100.000 đồng/kg. 

Hiện nay, ngoài Golden Garden còn có khoảng 5-6 công ty nhập khẩu thịt bò Mỹ cung cấp cho thị trường Tp.HCM. Theo thống kê sơ bộ của Bộ Thương mại, năm ngoái Việt Nam nhập khẩu thịt bò từ Mỹ đạt 1 triệu đô la Mỹ, cao gần gấp đôi so với năm 2003.

Tuy nhiên, theo một số nhận xét, với việc Việt Nam gia nhập WTO thì nhập khẩu thịt bò Mỹ sẽ tăng thêm bởi mức thuế nhập khẩu sẽ giảm từ 20% hiện nay xuống còn 15% trong năm đầu và giảm xuống còn 8% trong vòng bốn năm tiếp theo; sản phẩm thịt bò đã lọc xương được giảm thuế từ 20% xuống còn 14% trong vòng năm năm. 

Theo ông Văn Đức Mười, Phó giám đốc Công ty Vissan, thịt bò Mỹ giá cao nên chủ yếu sẽ chọn phân khúc thị trường cao cấp chứ không cạnh tranh trực tiếp với thịt bò của Việt Nam. Tuy nhiên, ông Mười cũng nói thêm rằng hiện nay ngành chăn nuôi Việt Nam mỗi năm chỉ cung cấp cho thị trường khoảng 100.000 tấn thịt bò, chưa đủ đáp ứng nhu cầu, nên thịt bò nhập khẩu từ Mỹ hay Úc sẽ có thêm cơ hội. 

... đến thịt heo Canada

Cuối tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên ông Jacques Pomerleau, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thịt heo quốc tế của Canada, đến Tp.HCM để khảo sát thị trường thịt heo Việt Nam. Ông J. Pomerleau đã ghé thăm hàng loạt nhà máy chế biến súc sản, thực phẩm từ thịt heo và cho biết nhu cầu sử dụng thịt của các nhà máy đang tăng lên và đây là tín hiệu tốt cho thịt heo Canada thâm nhập thị trường Việt Nam. 

Không phải ngẫu nhiên mà ông Pomerleau đến Việt Nam vào thời điểm này. Vài tháng trước, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Canada đã có thỏa thuận về kiểm dịch động vật như một bước dọn đường cho việc giao thương các sản phẩm thịt, động vật của hai nước. Điều này có nghĩa thịt heo của Canada khi xuất vào Việt Nam sẽ được các cơ quan kiểm dịch của Việt Nam chứng nhận kiểm dịch từ nơi xuất phát là Canada và ngược lại.

Hơn nữa, theo ông, trước đây Chính phủ Việt Nam đánh thuế nhập khẩu thịt heo từ Canada đến 30% nhưng kể từ ngày 1-6 vừa qua, mức thuế trên đã giảm xuống còn 20%. “Thông tin Việt Nam ký xong thỏa thuận với Mỹ và sắp gia nhập WTO làm chúng tôi phấn khởi hơn vì khi đó Việt Nam sẽ tiếp tục cắt giảm thuế nhập khẩu thịt heo xuống nữa”, ông Pomerleau nói. 

Canada là quốc gia xuất khẩu thịt heo lớn trên thế giới, năm ngoái chiếm thị phần 20%. Theo ông Pomerleau, thịt heo nước này đã thâm nhập các thị trường châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Philippines, Trung Quốc... nên sẽ có nhiều thuận lợi khi thâm nhập thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, trước mắt, các nhà xuất khẩu thịt heo Canada sẽ cung cấp thịt heo cho các nhà máy chế biến thực phẩm đóng hộp chứ không phân phối lẻ, có nghĩa không cạnh tranh trực tiếp với thịt heo của Việt Nam trên thị trường nội địa.