Tự động hóa: Mỗi năm cần 10 tỷ USD

12/Thg6/2008 13:39:39

Ông Đỗ Hữu Hào, Thứ trưởng Bộ Công thương kiêm Chủ tịch Hội Tự động hóa VN đã khẳng định như vậy khi trao đổi với VTC News về sự phát triển của ngành TĐH.

- TĐH là một trong những ngành Khoa học CNC, nhưng nhiều người cho rằng nó chưa phát triển đúng tầm. Xin ông cho biết quan điểm của ông ?

Ông Đỗ Hữu Hào, Thứ trưởng     Bộ Công thương kiêm Chủ tịch Hội Tự động hóa VN. (Ảnh: A.Lê)
- Đúng là ngành TĐH chưa phát triển đúng tầm, chưa đáp ứng yêu cầu. Hiện nay chúng ta vẫn phải xuất khẩu nguyên liệu thô và nhập khẩu các nguyên liệu về gia công.

TĐH có vai trò quan trọng vì nó là sự tích hợp của các bộ môn khoa học rất phát triển. Trong đó phải kể đến cơ khí, cơ điện tử, robot, công nghệ điều khiển, công nghệ thông tin,…

Chính vì là ngành tích hợp rất nhiều công nghệ cao nên chỉ khi nào chúng ta nhận thức và đẩy mạnh TĐH phát triển đến đúng tầm thì chúng ta mới có nền tảng cơ bản để đẩy mạnh quá trình nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa. VN sẽ từng bước không phải sản xuất nguyên liệu thô hay gia công cho nước ngoài. Mà ngược lại, chúng ta trở thành nhà chế tạo, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm.

Có nhiều người cho rằng ngành TĐH VN còn lạc hậu nhưng theo tôi nhận định như vậy là không đúng. So với sự phát triển chung của thế giới, ngành TĐH VN tuy chưa ở mức phát triển cao nhưng cũng đã đạt được những thành quả nhất định.

- Được biết đây là một ngành rất mới ở VN, TĐH đang gặp khó khăn trong giai đoạn này, thưa Thứ trưởng?

- Có 2 khó khăn cần kể đến.

Khó khăn lớn nhất là hiện nay chưa có sự gắn bó chặt chẽ giữa các nhà khoa học và các DN. Chúng tôi đã đưa một số nhà khoa học đến các DN sản xuất để nghiên cứu, giúp DN đẩy mạnh quá trình TĐH toàn bộ hay từng công đoạn của quá trình sản xuất.

Vấn đề nguồn lực cũng hết sức cấp bách. Một thời gian dài, ngành TĐH chưa được đầu tư đúng nên chúng ta thiếu lực lượng trầm trọng. Thời gian này, chúng tôi đang đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực tại trường ĐH Bách khoa HN, các viện nghiên cứu,… để chúng ta có chuyên gia giỏi trong lĩnh vực TĐH. Có như vậy, chúng ta mới có thể áp dụng sáng tạo công nghệ chuyển giao từ nước ngoài vào VN. Và dần dần, hơn thế nữa, VN cần có công nghệ của riêng mình.

Hệ thống Robot hàn tự động. Ảnh: Anh Lê.

- Ông nói như vậy nghĩa là nguồn nhân lực hiện nay chưa đủ cả về số lượng và chất lượng, theo yêu cầu của ngành, thưa ông?

- Hiện nay, nhân lực TĐH chưa theo kịp được với nhu cầu và hướng phát triển của ngành.

Đối với sự thiếu và yếu của nhân lực TĐH, chúng ta chỉ có cách khắc phục bằng cách tự đào tạo. Với các nhà máy chuyên giao công nghệ, các nhà thầu trọn gói sẽ có chương trình đào tạo nhân lực để tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Các cán bộ sẽ được đào tạo đồng bộ theo công nghệ của nước ngoài.

Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là cách làm trước mắt, không thể dựa dẫm vào nước ngoài được. Về lâu dài, các trường trong nước có khoa riêng để đào tạo sao cho đáp ứng nhu cầu cả về lượng và chất.

- Thứ trưởng nhận định thế nào về thị trường của ngành TĐH ?

- Hiện, không có hạn chế về thị trườg. Về vấn đề cơ khí và tự động hóa, hàng năm chúng ta cần khoảng 10 tỉ USD. Trong số đó, chỉ cần làm đựoc 50% là đã tạo được thị trường khoảng 5 tỉ USD. Thị trường này đã là rất lớn rồi.

- Để ngành TĐH  thực sự phát triển, luôn cần sự gắn kết giữa nghiên cứu và chuyên giao công nghệ. Nhưng dường như việc nghiên cứu chưa phát huy được thế mạnh, thưa ông?

- Nghiên cứu trong nước bước đầu là rất tốt.

Các viện như điện tử tin học và TĐH đã nghiên cứu và chế tạo thành công Robot trong khai thác than hay Viện nghiên cứu cơ khí của Bộ Công thương cũng là một trong những đơn vị rất mạnh về TĐH và đặc biệt là tích họp các chương trình điều khiển trong các nhà máy xi măng, nhiệt điện, thủy điện,…

Hiện nay, chúng ta đang có chiến lược tới năm 2010 sẽ đưa TĐH vào đời sống và sản xuất, để nó thực sự trở thành lực lượng sản xuất. Mục tiêu quan trọng nhất để TĐH được áp dụng không những trong các DN lớn mà cả các DN vừa và nhỏ. Chính vì vậy, hoạt động nghiên cứu sẽ còn phải đẩy mạnh hơn nữa thì mới đáp ứng được và tiến tới là có được công nghệ của riêng VN.

Có tăng năng lực thì mới tăng được khả năng cạnh tranh. Chỉ bằng cách như vậy, chúng ta mới thành công được.

Xin cảm ơn ông!

Theo VTC