Trồng cây ở vườn nhà để giảm nghèo

25/Thg5/2006 23:10:55

Tuy nhiên, việc này có thể khắc phục được bằng cách trồng cây trong vườn nhà giúp nông dân có thêm giải pháp thu nhập và thực phẩm, đồng thời cũng giúp khôi phục lại đất đai đã bị suy thoái.

Cây trong vườn nhà có thể giúp cho những nông dân nghèo bị thiếu ăn vì cung cấp cho họ quả, lá, hạt và gia vị là những thành phần quan trọng trong khẩu phần ăn hàng ngày. Cây cũng cung cấp sản phẩm gỗ và thức ăn cho gia súc, và là nguồn tạo thêm thu nhập.

FAO đã và đang giúp Việt Nam xây dựng và thực thi các dự án nông lâm kết hợp giúp nông dân lựa chọn, trồng và quản lý cây ăn quả trong vườn nhà. Tại tỉnh Quảng Nam, một dự án nông lâm kết hợp định hướng thị trường đã được triển khai với mục đích đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp thông qua các hoạt động như xây dựng năng lực, khuyến nông và trình diễn. Dự án sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho việc phát triển vườn nhà và các hệ thống nông lâm kết hợp để nông dân có thể hưởng lợi do bán nông sản của mình.

Phát triển bền vững nguồn lợi thuỷ sản

Thuỷ sản là một ngành kinh tế rất quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam do có đóng góp to lớn vào việc đạt được an ninh lương thực, giảm nghèo, tạo sinh kế bền vững và việc làm ở nông thôn. Việt Nam có khoảng 3.300 km bờ biển và hơn 1 triệu mét vuông mặt nước biển có thể đánh bắt hải sản làm kinh tế. Tổng sản lượng đánh bắt cho phép và bền vững hàng năm ước tính là 1.5 triệu tấn.

Tuy nhiên, ngư dân ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì và cải thiện tình hình mưu sinh của mình nhờ hoạt động đánh bắt ven bờ và xa bờ. Một số nguồn lợi thủy sản ven bờ nói riêng đã bị khai thác quá mức. Chương trình Luật nghề cá của FAO có mục đích là xây dựng nhận thức trong các nhà hoạch định chính sách quốc gia và những người sử dụng nguồn lợi, xúc tiến việc chuyển đổi nghề cá thông thường thành nghề cá có trách nhiệm. Việc quản lý tốt các hoạt động đánh bắt ven bờ và tàu thuyền đánh bắt xa bờ, tăng cường sự tham gia của cộng đồng, và lồng ghép đánh bắt với quản lý vùng ven biển được xem là những yếu tố cần thiết, cần đưa vào chiến lược quốc gia.

Để làm ví dụ ban đầu cho việc phát triển công tác quản lý vùng ven biển, năm 2005 FAO đã triển khai một dự án quản lý đầm phá tổng hợp ở Thừa Thiên Huế nhằm giúp tỉnh thực hiện chiến lược quản lý vùng ven biển tổng hợp đối với hệ thống đầm phá Tam Giang. Hầu hết người dân sinh sống ở đây đều phụ thuộc rất nhiều vào các hoạt động đầm phá như nuôi trồng thuỷ sản, đánh bắt, giao thông vận tải và du lịch. Tuy nhiên, tất cả những hoạt động này đã tạo ra sức ép rất lớn lên nguồn lợi và môi trường. Việc làm ao thả cá không có quản lý và neo cố định dụng cụ đánh bắt cản trở hoạt động giao thông vận tải. Đất nông nghiệp kề cận bị nhiễm mặn. Dự án sẽ trợ giúp cho những người dân nghèo sinh sống phụ thuộc vào hệ thống phá Tam Giang. Mục đích của dự án là cải thiện sinh kế nhờ tăng cường sự tham gia của người dân, đẩy mạnh việc quản lý bền vững nguồn lợi dựa trên tình trạng hiện nay của hệ thống sinh thái và sinh kế của người dân sinh sống xung quanh phá.

Rau an toàn nhờ Phòng trừ Dịch hại Tổng hợp

Phòng trừ Dịch hại Tổng hợp (IPM) là một cách tiếp cận có hệ thống kết hợp kỹ thuật phòng chống, phương pháp kiểm soát dịch hại không dùng hoá chất với việc sử dụng thông minh thuốc bảo vệ thực vật. Đó không phải là việc huỷ bỏ hoàn toàn thuốc bảo vệ thực vật, mà là một cách tiếp cận khác ưu tiên cho những sản phẩm nông nghiệp gây hại ít nhất đến sức khoẻ con người và môi trường. Chương trình liên quốc gia Tăng cường IPM ở châu á của FAO cộng tác chặt chẽ với Viện Bảo vệ Cây trồng của Na Uy (NCPI) trong khuôn khổ dự án IPM trên cây rau ở Việt Nam.

Dự án đưa ra mô hình chỉ thị nguy cơ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như là một công cụ giúp nông dân và cán bộ khuyến nông lựa chọn những chiến lược kiểm soát dịch hại gây ảnh hưởng ít nhất đến môi trường. Việc tập huấn về IPM cho nông dân trồng rau ở Việt Nam tại các lớp học đầu bờ đem lại kết quả là giảm được đáng kể tác động lên môi trường. Hoạt động này cũng giúp nông dân có thêm hiểu biết mới về những phương pháp cải tiến dùng ít hoá chất độc hại hơn và có thể ứng dụng vào việc trồng rau của họ.

Trong giai đoạn hiện nay của dự án, việc sử dụng mô hình chỉ thị nguy cơ là nhân tố chủ yếu giúp giảm bớt ảnh hưởng đến môi trường của thuốc bảo vệ thực vật và nguy cơ đối với sức khoẻ con người. Sẽ thu thập số liệu mới về ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật và tiếp tục theo dõi mức độ kháng thuốc của vật hại. Mục tiêu là tập huấn cho nông dân về cách sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật, cách lựa chọn những hoá chất và phương pháp ứng dụng thích hợp nhất, và cách sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn có lợi cho sức khoẻ nhất.

Nghề nông và những việc làm khác

Nhiều cộng đồng nông thôn hiện đang bị hạn chế về việc làm và thu nhập trong nông nghiệp, vì thế có đến hàng ngàn người dân đã rời nông thôn ra thành thị. Muốn kiềm chế khuynh hướng này phải có tầm nhìn vượt ra khỏi phạm vi nghề nông thông thường và tìm kiếm những giải pháp việc làm khác ở nông thôn.

Trung tâm đầu tư là một bộ phận thuộc Vụ Hợp tác Kỹ thuật của FAO. Trung tâm xúc tiến đầu tư ngày càng nhiều vào nông nghiệp và phát triển nông thôn bằng cách giúp nhận định và xây dựng các chính sách phát triển bền vững, các chương trình và dự án đầu tư vào nông, lâm, ngư nghiệp. Mục đích là đa dạng hoá cách mưu sinh ở nông thôn và giúp các cộng đồng nông thôn tăng nhanh thu nhập nhờ chế biến tại chỗ nông sản và cải thiện tình hình việc làm phi nông nghiệp.

Như vậy Trung tâm Đầu tư chuẩn bị các dự án và chương trình đầu tư để tìm tài trợ từ các tổ chức đa phương, như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Phi, Ngân hàng Phát triển châu á hay tài trợ song phương khác. Bản thân Trung tâm không phải là một nguồn tài trợ, nhưng vẫn có thể trợ giúp dưới hình thức tư vấn về đầu tư cho các doanh nghiệp nông thôn, bố trí chuyên gia trong nội bộ tổ chức giúp xây dựng giải pháp và làm việc với các cơ quan tài chính quốc tế khác.