Tỉ lệ nghèo giảm, nhưng...

25/Thg5/2006 08:57:28

Cần hỗ trợ hơn nữa người nghèo về các mặt để tăng thu nhập nhằm thoát nghèo

Song, tỷ lệ nghèo ở Việt Nam vẫn còn cao và chênh lệch giàu, nghèo đang gia tăng.

Chênh lệch giàu - nghèo ngày càng tăng

Theo chuẩn nghèo của Ngân hàng Thế giới cũng như theo chuẩn nghèo mới của Việt Nam, tính chung cả nước hiện cứ 5 người dân thì có 1 người nghèo; ở các vùng Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên cứ 3 người dân thì có 1 người nghèo; riêng ở Tây Bắc Bộ, cứ 2 người dân có 1 người nghèo.

Đáng lưu ý, khi mở rộng chuẩn nghèo, thì tỷ lệ hộ nghèo đã tăng khá nhanh, từ 6,9% lên 23,2%, tức gấp 3,4 lần. Điều đó cho thấy, ngoài bộ phận dân cư nghèo, còn có một bộ phận dân cư khác thu nhập không cao hơn nhiều so với những hộ nghèo. Đây là những hộ dễ bị tổn thương, sẵn sàng gia nhập vào nhóm các hộ nghèo một khi gặp khó khăn trong sản xuất và đời sống.

Xét theo ý nghĩa đó, thì kết quả xoá đói giảm nghèo vẫn chưa thật vững chắc, nguy cơ tái nghèo còn khá cao.

Mặc dù trong những năm qua, thu nhập của tất cả các nhóm dân cư đều tăng, nhưng do thu nhập của nhóm thu nhập cao nhất (nhóm giàu) tăng cao hơn của nhóm thu nhập thấp nhất (nhóm nghèo) cả về tốc độ tăng, cả về mức tăng tuyệt đối, nên chênh lệch thu nhập giữa nhóm giàu và nhóm nghèo ngày càng có xu hướng doãng ra.

Nếu năm 1990 khoảng cách giàu-nghèo mới là 4,1 lần thì 1993 tăng lên 6,2 lần, năm 1995 là 7 lần, năm 1999 là 7,6 lần, năm 2002 là 8,1 lần, năm 2004 là 8,3 lần.

Giàu: khuyến khích, nghèo: hỗ trợ

Từ chênh lệch trên có thể rút ra một số nhận xét đáng lưu ý.

Thứ nhất, chênh lệch giàu nghèo ở nước ta tăng lên là tất yếu, do sự chuyển đổi cơ chế từ kế hoạch tập trung quan liêu và chế độ bao cấp bình quân hiện vật sang cơ chế thị trường. Cơ chế thị trường đã loại bỏ dần tính bình quân bao cấp, khuyến khích làm giàu bằng việc phát huy các nguồn lực về vốn, trình độ học vấn, chuyên môn, sức lao động, kinh nghiệm làm ăn...

Chênh lệch tăng tương đối nhanh trong thời gian qua (bình quân mỗi năm tăng thêm gần 0,4 lần) và có xu hướng còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới. Cần có chính sách khuyến khích người giàu làm giàu chính đáng hơn nữa, đồng thời hỗ trợ hơn nữa người nghèo về các mặt để tăng thu nhập nhằm thoát nghèo. Mặt khác cần có chính sách, phong trào vận động để người giàu đóng góp về thuế thu nhập, làm từ thiện...

Hệ số chênh lệch giàu - nghèo tuy còn thấp hơn nhiều nước, nhưng nếu xét từ xuất phát điểm của một nước vừa mới chuyển đổi từ cơ chế hiện vật mang tính chất bình quân sang cơ chế thị trường như Việt Nam thì không thể không đáng quan tâm, nhất là đối với nền kinh tế mà nước ta lựa chọn là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nước Mỹ sau hơn 200 năm phát triển tư bản chủ nghĩa, chênh lệch giàu - nghèo cũng chỉ ở mức hơn 9 lần, trong khi ở ta mới chuyển sang cơ chế thị trường được 20 năm mà chênh lệch đã cao như vậy thì không thể không quan tâm.

Bỏ tâm lý "ghét giàu, khinh nghèo"

Trong hệ số chênh lệch giàu - nghèo của nước ta còn chứa đựng những yếu tố bất hợp lý ở cả 2 đầu: đầu giàu và đầu nghèo.

Ở “đầu giàu”, trong tổng số hộ giàu có không ít hộ và người có những khoản thu nhập bất chính (như do buôn lậu, gian lận thương mại trốn thuế, tham nhũng, cạnh tranh không lành mạnh như ăn cắp bản quyền, kinh doanh kiểu chụp giật...), hoặc những khoản thu nhập không chính đáng do kẽ hở của chính sách được hưởng từ nhà đất, từ bao cấp... mà có.

Ở “đầu giàu” cũng còn tình trạng một số người chưa thật yên tâm hoặc chưa được khuyến khích để làm giàu chính đáng bằng vốn, bằng sức lao động, bằng trình độ, kinh nghiệm; hoặc đã xuất hiện tư tưởng thoả mãn theo kiểu giàu xổi, hoặc do thu nhập bất chính nên dồn cho tiêu xài, nuông chiều con cái, mà chưa dồn đầu tư trực tiếp cho sản xuất kinh doanh để tiền đẻ ra tiền nhiều hơn nữa.

Ở “đầu nghèo”, trong tổng số hộ nghèo, có không ít hộ nghèo vì lý do khách quan (thiếu vốn, thiếu lao động, thiếu việc làm, ốm đau, tai nạn); mà còn do những nguyên nhân chủ quan, thậm chí đáng phê phán, như lười làm, chi tiêu lãng phí, vung tay quá trán, đua đòi, bóc ngắn cắn dài (vượt quá thu nhập tạo ra)..., thậm chí sa vào các tệ nạn rượu chè, cờ bạc, nghiện hút.

Về mặt tâm lý, việc đối xử không nên “vơ đũa cả nắm”, không nên có tâm lý “người giàu thì ghét, người nghèo thì khinh”. Người giàu chính đáng, người giàu do trình độ… còn phải được tôn vinh, phải học tập. Người nghèo do nguyên nhân khách quan cần được chia sẻ, hỗ trợ, đùm bọc.