Tập đoàn giống ngô lai mới của Việt Nam

13/Thg6/2006 21:32:46

Vào thời điểm này, Phú Châu đã thu hoạch gần như xong diện tích ngô lai LVN 15 trên đồng đất của mình. Chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Sáu, thôn Phú Xuyên, xã Phú Châu. Ngô vừa thu về còn xếp kín, vàng rực trong sân. Vụ xuân 2006 này chị Sáu trồng 3 sào ngô lai LVN15, thu được trên 6 tạ bắp. Chị nhận xét: Giống ngô mới này sản lượng cao hơn hẳn, bắp to dài, lá bao che kín bắp, hạt rất múp đầu, hầu như không có sâu bệnh, đặc biệt cây chống đổ rất tốt. Khác với gia đình chị Sáu, ông Phạm Văn Quang cũng ở thôn Phú Xuyên lại chưa bao giờ làm cây ngô. Từ trước đến nay, 3 sào ruộng của mình, ngoài cây lúa ông Quang chỉ trồng đỗ. 3 sào đỗ hết vụ cũng thu được khoảng 1,2 triệu đồng. Khổ cái, nhà ông chăn nuôi nhiều bò nên rất cần cái ăn cho chúng. Mặt khác, đồng đất nhà ông Quang thuộc vùng đất bãi của xã Phú Châu, nằm sát con đê bối sông Hồng nhưng hàng năm hạn tới 9-10 tháng, thay đổi loại cây trồng gì cũng rất khó khăn, ông Quang đã để tâm nghiên cứu khá lâu nhưng chưa tìm ra cây thích hợp. Vụ xuân vừa rồi, HTX Phú Châu khuyến cáo trồng loại ngô lai chịu hạn LVN 15, ông Quang hưởng ứng ngay. Nghĩ là làm. Gặp ông Quang ngoài đồng khi đang thu hoạch ngô, ông khoe với chúng tôi: Lá cây ngô này xanh mướt cho tới tận lúc thu hoạch, đấy, cứ nhìn thì biết. Nó chống đổ tuyệt vời, trận bão vừa rồi gió to vậy, mọi cây trồng mấy ruộng bên đổ rạp cả mà "anh" lai 15 này vẫn cứ trơ trơ, ra thăm ruộng sau trận bão quả thực tôi cũng không tin vào mắt mình nữa. Tính ra, thu hoạch 3 sào ngô này cũng nhỉnh hơn cây đỗ một chút còn được cái có thêm thức ăn chăn nuôi và làm cũng không vất vả gì.

Phú Châu là xã thuần nông của huyện Ba Vì. Cả xã diện tích đất bãi rất lớn, có thôn chiếm tới 80%. Trước đây, Phú Châu đã đưa nhiều loại ngô vào trồng như lai 4,17,12,14... Sau khi làm thử nghiệm trên diện tích nhỏ giống ngô lai LVN 15 thấy có hiệu quả, vụ xuân 2006, HTX Phú Châu quyết định đưa giống ngô này ra trồng trên hơn 30 ha. Ông Nguyễn Văn Nhượng- Chủ nhiệm HTX Phú Châu khẳng định: Đây là giống ngô tốt nhất từ trước đến nay đã từng làm trên vùng đất này. Vụ sắp tới chúng tôi mong muốn nhà cung cấp sẽ cung ứng đủ giống để chúng tôi mở rộng diện tích trồng giống ngô lai LVN 15.

Giống cực ngắn ngày LVN 885

Năm nay Viện Nghiên cứu Ngô còn "tung" ra một số giống ngô lai khác là LVN885 với ưu điểm như TGST cực ngắn, vụ xuân chỉ từ 100 – 105 ngày, NS cao, thâm canh tốt đạt 8 – 10 tấn/ha. Vụ xuân 2006, Cty Cổ phần Giống cây trồng Thanh Hoá nhận xây dựng mô hình trình diễn giống tại 6 huyện đồng bằng, miền núi trong tỉnh.

Qua theo dõi sản xuất thử ở xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa cho thấy, giống ngô này có thời gian sinh trưởng ngắn hơn so với các giống ngô khác cùng trà đang được trồng phổ biến trên địa bàn từ 5 - 10 ngày. Giai đoạn đầu cây sinh trưởng phát triển bình thường, từ 6 - 7 lá cây phát triển khoẻ; trỗ cờ phun râu chín tập trung, bộ lá xanh cho đến khi thu hoạch, chống chịu sâu bệnh khá, năng suất tương đương và cao hơn các giống ngô khác cùng trà; màu sắc và chất lượng hạt không thua kém các giống ngô nhập ngoại. Ông Trịnh Công Tráng, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Lộc cho biết, qua sản xuất thử ở đất bãi Vĩnh Yên giống ngô LVN 885 vụ xuân cho năng suất tới 3,5 tạ/sào Trung bộ, không thua kém giống ngô LVN 10, LVN 919; đặc biệt chỉ 105 ngày là cho thu hoạch. Ngô LVN 885 phù hợp với vụ đông và vụ xuân trên chân đất 2 lúa, đất bãi cũng như đất đồi thấp. Được biết Sở NN - PTNT Thanh Hoá đang xem xét công nhận bổ sung giống ngô chín sớm LVN 885 vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh. Ông Mai Xuân Triệu, Viện trưởng Viện nghiên cứu Ngô cho hay, giống ngô lai đơn LVN 885 đã được trồng thử và khẳng định tính ưu việt ở nhiều vùng sinh thái trong nước, đặc biệt ở miền Bắc và Tây Nguyên. Viện đang xúc tiến làm thủ tục công nhận giống quốc gia, nhằm từng bước thay thế các bộ giống cũ.

Giống trung ngày LVN 98

LVN 98 là giống ngô lai đơn năng suất cao do Viện Nghiên cứu Ngô lai tạo. Giống gồm những đặc điểm như thời gian sinh trưởng trung bình muộn (sớm hơn LVN 10 từ 5-7 ngày), dạng hạt màu đá vàng cam, tỷ lệ cây hai bắp khoảng 60%, năng suất lý thuyết 9-13 tấn, thích ứng với nhiều vùng sinh thái. Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Lưu-tác giả của LVN 98 thì giống đã được trồng tương đối nhiều ở Hoà Bình, Hà Tây, Bắc Giang, Sơn La... Từ vụ xuân năm 2002, LVN 98 đã được đưa vào sản xuất ở HTX Phú Thái (Hồng Thái, Phú Xuyên, Hà Tây) với diện tích 200 mẫu và dần phát triển, đỉnh cao là vụ xuân năm 2006 Phú Thái trồng tới 290 mẫu (trồng từ 1-5/2/2006). Qui trình kỹ thuật trồng: Mật độ hàng cách hàng 70cm, cây cách cây 30cm; lượng phân bón trên 1ha gồm phân chuồng: 10 tấn, phân lân 550kg, urê 300kg, kali 140kg. Cách thức bón và chăm sóc: Bón lót toàn bộ lượng phân chuồng và phân lân+1/3 lượng phân urê; bón thúc lần 1 khi cây ra 3-5 lá (1/3 lượng urê+1/2 lượng phân ka li); bón thúc lần 2 khi ngô ra 7-9 lá với lượng phân còn lại.

Theo anh Phạm Văn Phẩm - Phó Chủ nhiệm HTX Phú Thái - một trong những người trực tiếp chỉ đạo nhân dân trồng ngô thì LVN 98 là giống sinh trưởng khoẻ, rễ chân kiềng rộng chống đổ tốt, bộ lá sum suê xanh bền cho đến khi thu hoạch, độ đồng đều cao, lá bi kín đầu bắp và có tỷ lệ 2 bắp hữu hiệu tương đối cao. Sơ bộ gặt thống kê cho thấy thời gian sinh trưởng của LVN 98 của vụ ngô xuân này từ 115-120 ngày; chiều cao cây 2,1m, chiều cao đóng bắp 95-110cm; độ dài bắp 18-20cm, số hàng hạt/bắp từ 14-16 hàng, tỷ lệ 2 bắp từ 25-35%, năng suất dự kiến đạt 225 kg/sào, tức 60 tạ/ha. Mô hình hiệu quả nhất trên đất bãi ở Phú Thái là bà con trồng ngô xuân+đậu xanh+ngô đông. Cụ thể như sau: Ngô xuân vừa căng bắp (trước khi thu hoạch 15 ngày) bà con đã gieo đậu xanh trên luống. Khi gieo đậu thì bẻ cờ, bớt lá cho cây đậu phát triển. Khi thu ngô xong, chăm sóc mạnh cho đậu lớn. Khi thu hoạch đậu lại trồng một vụ ngô đông. Công thức quay vòng đất kiểu ở Phú Thái đó cho thu nhập trung bình khoảng 2 triệu/sào nên nhờ đó mà tổng thu toàn xã năm 2005 đạt 38 tỷ đồng với bình quân đầu người đạt 5,25 triệu/năm mặc dù diện tích đất không rộng.