Sẽ đánh giá tổ chức tín dụng qua phí bảo hiểm

22/Thg8/2006 16:19:31

"Kết quả đánh giá sẽ không được công bố rộng rãi".

Ông Bùi Khắc Sơn, Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, cho biết đó là một trong những nội dung của nghị định mới của Chính phủ mà đơn vị này đang triển khai.

Thưa ông, theo nghị định mới, những đối tượng nào phải tham gia bảo hiểm tiền gửi?

Bảo hiểm tiền gửi là hình thức bắt buộc. Nghị định mới của Chính phủ quy định: các tổ chức tín dụng và tổ chức không phải là tổ chức tín dụng được phép thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, có nhận tiền gửi của các tổ chức, cá nhân thì phải tham gia loại hình bảo hiểm này.

Loại tiền gửi được bảo hiểm là tiền đồng Việt Nam, của người gửi tiền là cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, trừ những trường hợp: là tiền gửi của người gửi tiền là cổ đông sở hữu trên 10% vốn điều lệ hoặc nắm giữ trên 10% vốn cổ phần có quyền bỏ phiếu của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đó; là tiền gửi của người gửi tiền là thành viên của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, tổng và phó tổng giám đốc (giám đốc, phó giám đốc) của tổ chức tham gia bảo hiểm; là tiền gửi dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người gửi tiền; là tiền mua các giấy tờ có giá, trừ một số giấy tờ có giá theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Những quy định mới cũng đã nâng hạn mức chi trả tối đa đối với một người gửi tiền là 50 triệu đồng. Trường hợp rủi ro xẩy ra mà DIV không đủ khả năng chi trả thì sao?

Theo quy định mới, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi bao gồm cả gốc lẫn lãi của một người gửi tiền tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 50 triệu đồng.

Trong trường hợp vốn hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi tạm thời không đủ để hỗ trợ các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi gặp khó khăn về khả năng chi trả hoặc để chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền tại tổ chức tham gia bảo hiểm bị buộc giải thể do không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn hoặc bị phá sản, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thể huy động vốn theo các hình thức vay hoặc tiếp nhận vốn hỗ trợ đặc biệt của Chính phủ; phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật hoặc vay của tổ chức tín dụng hoặc của tổ chức khác có bảo lãnh của Chính phủ.

Để tăng cường năng lực tài chính của mình, được biết DIV đã có kiến nghị tăng vốn và mở rộng bảo hiểm sang tiền gửi ngoại tệ. Chính phủ đã có ý kiến gì về kiến nghị này chưa, thưa ông?

Vốn của DIV có 1.000 tỷ đồng do Chính phủ cấp và khoảng 1.000 tỷ đồng từ nguồn thu phí bảo hiểm. Đây là những con số còn nhỏ so với quy mô và sự phát triển của các tổ chức tín dụng hiện nay. Sắp tới DIV sẽ có một cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước để thống nhất trình những kiến nghị trên lên Chính phủ. Số vốn 5.000 tỷ đồng của DIV hiện vẫn là nhu cầu để đáp ứng mức an toàn cơ bản trong bối cảnh hiện nay.

Còn việc mở rộng bảo hiểm sang tiền gửi ngoại tệ thì vẫn chưa thể nói trước, hiện chúng tôi vẫn đang tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới.

Trở lại với nghị định mà DIV đang triển khai, có nội dung đề cập đến cơ chế đánh giá, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp để định mức thu phí tham gia bảo hiểm tiền gửi. Ông có thể nói rõ hơn về cơ chế này?

Trong nghị định, Chính phủ quy định DIV sẽ áp dụng mức phí trên cơ sở phân biệt loại hình doanh nghiệp và trên cơ sở đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp hay mức độ rủi ro. Để theo cơ sở thứ hai thì các cơ quan giám sát phải xây dựng được hệ thống văn bản. Đầu tiên là phải tuyên bố khi nào áp dụng để các tổ chức tín dụng có thời gian chuẩn bị. Sau đó là ban hành những tiêu chuẩn để xem xét, đánh giá và mặc nhiên là phải gần với các tiêu chuẩn quốc tế.

Kết quả của quá trình trên là cơ sở để áp dụng mức phí bảo hiểm, rủi ro nhiều thì phí cao, rủi ro thấp thì mức phí thấp. Kết quả này khá nhạy cảm, có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp đó trên thị trường vốn nên sẽ chỉ có bên đánh giá và tổng giám đốc, phó tổng giám đốc các đơn vị biết, không công bố ra ngoài. Bởi nếu cao thì không sao, còn nếu kết quả đánh giá thấp thì khi công bố sẽ có ảnh hưởng đến niềm tin trên thị trường.

Thông thường, kể từ khi tuyên bố áp dụng hình thức đánh giá này thì sau hai năm mới triển khai được. Và để làm được phải có sự phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, chứ bản thân DIV thì không thể một mình triển khai. Theo tôi, thời gian có thể triển khai việc đánh giá này có lẽ phải đến năm 2009, 2010. Hiện chúng tôi đang nghiên cứu và dự kiến đầu năm tới sẽ trình Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kế hoạch cụ thể.

Xin cảm ơn ông.