Sắp ra mắt Quỹ đầu tư mua bán doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam

15/Thg8/2006 13:18:36

 

Website www.muabandoanhnghiep.com.vn cua IDJ.

 

Trong số vốn đăng ký này, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị quốc tế (IDJ) góp 51 tỷ đồng, chiếm 51%, phần còn lại 49% sẽ huy động từ công chúng. Theo ông Trần Trọng Hiếu, Giám đốc đầu tư IDJ, rất nhiều người sẽ có cơ hội trở thành cổ đông sáng lập của quỹ này. IDJ dự định huy động với 49 suất đầu tư với mỗi suất huy động 1 tỷ đồng.

Một nhà đầu tư có thể đăng ký nhiều suất. Sau khi thành lập, quỹ sẽ liên kết với một quỹ đầu tư của Hồng Kông và một quỹ của Mỹ để nâng mức đầu tư lên khoảng 1.000 tỷ đồng.

Quỹ đầu tư mua bán doanh nghiệp của IDJ sẽ hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư mua lại các doanh nghiệp, sau đó tái cơ cấu để doanh nghiệp hoạt động có lãi, để tiếp tục kinh doanh hoặc sẽ đưa lên sàn để bán lại cho các nhà đầu tư. Quỹ này cũng đầu tư vào những dự án có nhiều tiềm năng khác, mua trái phiếu Chính phủ và đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Dự kiến quỹ sẽ đi vào hoạt động sớm sau khi huy động đủ số cổ đông và hoàn tất thủ tục thành lập. IDJ sẽ nhận đăng ký cổ đông sáng lập của quỹ bắt đầu từ ngày 15/8/2006, tại văn phòng của IDJ ở Hà Nội và Tp.HCM.

Lĩnh vực mua bán doanh nghiệp là một lĩnh vực mới tại Việt Nam. Công ty IDJ là đơn vị khai phá thị trường này tại Việt Nam. Ông Trần Trọng Hiếu cho biết, sau khi website www.muabandoanhnghiep.com.vn được thành lập đã có hơn 200 doanh nghiệp niêm yết bán trên sàn giao dịch này, trong đó nhiều doanh nghiệp đã mua bán thành công.

Thực tế cho thấy, có nhiều doanh nghiệp bán doanh nghiệp của mình đã chấp nhận bán giá thấp hơn giá trị thực tế rất nhiều vì sức ép của khó khăn tài chính. Họ giống như “cỗ xe” đang ở lưng chừng dốc và hết đà để đi lên, nếu không kịp thời giải quyết thì có thể tụt xuống chân dốc với tốc độ khủng khiếp và có thể gây nguy hại cho doanh nghiệp. Với cơ hội này nhà đầu tư nào vào đúng lúc sẽ có thể thu  lợi lớn.

Lĩnh vực mua bán doanh nghiệp đã nổi lên ở các nước tư bản cách đây vài chục năm. Rất nhiều tỷ phú nổi tiếng trên thế giới phất lên nhờ lĩnh vực hoạt động này. Một trong những nhân vật hàng đầu phải kể đến là tỷ phú người Mỹ Wilbur Ross. Trong ngành sản xuất thép, Wilbur Ross đạt được tiếng tăm khá lừng lẫy khi “phù phép” biến 3 công ty tư nhân bị phá sản thành một tập đoàn thép hàng đầu của Mỹ. Không ít người đã so sánh Wibur Ross với tỷ phú Andrew Carnegie, ông “vua sắt thép” huyền thoại trong lịch sử nước Mỹ.

Tiếp theo Wilbur Ross là Mirko Kovats, tỷ phú người Áo. Chỉ có trong vòng chưa đến 10 năm, Mirko Kovats đã xây dựng nên cả một tổ hợp công nghiệp khổng lồ bao gồm rất nhiều công ty thuộc các ngành rất khác nhau. Tổ hợp kinh doanh của Mirko Kovats hiện gồm hai tập đoàn công nghiệp chính là tập đoàn A-Tec Industrie và tập đoàn đầu tư công nghiệp mang tên Victoria. Tất cả các doanh nghiệp này đều được mua lại. Có những doanh nghiệp sau khi mua lại tái cơ cấu sau đó lại đem bán với lãi suất đáng kinh ngạc.

Vấn đề mua bán doanh nghiệp không những mang lại cơ hội cho nhiều nhà đầu tư, có lợi cho bên muốn chuyển nhượng doanh nghiệp mà còn có ý nghĩa xã hội rất lớn, đó là khi một doanh nghiệp nào đó đang gặp khó khăn mà nếu được chuyển giao thành công thì sẽ giữ được việc làm cho người lao động.

Có nhiều ý kiến cho rằng khi vào WTO nguy cơ nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị thôn tính nhưng thực tế tại Công ty IDJ từ khi thành lập sàn giao dịch mua bán doanh nghiệp đã có rất nhiều công ty nước ngoài được rao bán, mà bên mua lại là đối tác Việt Nam.

Sáp nhập và mua lại

Sáp nhập và mua lại được biết đến là một loại hình đầu tư. Vậy đây là đầu tư trực tiếp hay gián tiếp, và tại sao?
Sáp nhập và mua lại (M&A) là một hiện tượng đã có từ lâu trong nền kinh tế thị trường. Gần đây, với sự liên quan của nhiều công ty, tập đoàn lớn, các phương tiện thông tin đại chúng bắt đầu đưa tin nhiều về những sự kiện này.

M&A được coi là loại hình đầu tư trực tiếp, mặc dù thoạt nhìn chúng có vẻ giống với đầu tư gián tiếp hơn. ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước đang phát triển khác, nói đến đầu tư trực tiếp (nước ngoài) là người ta nghĩ đến việc nhà đầu tư đem tiền của đến để xây nên một cơ sở kinh doanh mới như nhà máy, khách sạn... Đây mới chỉ là một trong các loại hình của đầu tư trực tiếp và được gọi là đầu tư mới hoặc đầu tư từ đầu. M&A chính là loại hình còn lại của đầu tư trực tiếp, khi nhà đầu tư đem tiền đến mua lại, hoặc sáp nhập với cơ sở kinh doanh đã có sẵn. Nhiều vụ M&A còn có giá trị lớn hơn đầu tư mới gấp nhiều lần.

Đặc điểm chung của đầu tư trực tiếp là nhà đầu tư muốn chủ động tham gia trực tiếp vào quá trình kinh doanh, sinh lợi của doanh nghiệp mà họ đầu tư. Trong khi đó, ở đầu tư gián tiếp (mua bán chứng khoán), nhà đầu tư chỉ mang tính thụ động, trông chờ chia lãi cổ tức hoặc ăn lãi từ những biến động trên thị trường mà không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp.

Do có thể dẫn đến triệt tiêu cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nên M&A cũng là đối tượng điều chỉnh của những quy định về cạnh tranh và chống độc quyền.