Sản xuất cá tra, ba sa sạch - mục tiêu hàng đầu của Việt Nam

14/Thg6/2006 05:47:00

Điểm nổi bật trong phát triển thuỷ sản ĐBSCL những năm gần đây là tốc độ phát triển rất nhanh của cá tra, ba sa, đạt sản lượng 400 ngàn tấn, chiếm 40% sản lượng của ĐBSCL, với kim ngạch xuất khẩu 300 triệu USD, chiếm 11% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thuỷ sản năm 2005.

Thị trường xuất khẩu cá tra, ba sa vẫn tiếp tục mở rộng. Đầu năm 2006, sản phẩm cá tra, ba sa tăng vọt ở thị trường châu Âu, một thị trường được xem là khó tính nhất trên thế giới. Đây quả là tín hiệu vui cho ngành thuỷ sản Việt Nam sau khi đã chuẩn bị tương đối tốt các vấn đề về quản lý chất lượng từ ao nuôi đến bàn ăn. Tuy nhiên, ngành nuôi cá tra, ba sa của đồng bằng vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức do các sự kiện tranh chấp thương mại, rào cản kỹ thuật về dư lượng kháng sinh.

Ông Ngô Phước Hậu, Tổng giám đốc công ty Agifish An Giang cho biết: “Trong thời gian qua, mặc dù sản phẩm cá tra, ba sa Việt Nam phát triển vào thị trường châu Âu rất nhanh nhưng cũng có những báo hiệu về vấn đề chất lượng mà ngành thuỷ sản phải hết sức thận trọng, vì đã có một số lô hàng bị trả về do kém phẩm chất”.

Khi gia nhập WTO thì những vấn đề kiểm soát chất lượng của ngành thuỷ sản phải được quan tâm hàng đầu và việc áp dụng các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, để đáp ứng yêu cầu của thị trường là mục tiêu mà tất cả các nhà sản xuất, chế biến thực phẩm phải quan tâm và hướng tới. Đó là, kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất cá tra, ba sa, từ con giống, qui hoạch vùng nuôi an toàn đến chế biến và đặc biệt là xây dựng thương hiệu quốc gia cho cá tra, ba sa Việt Nam.

Xây dựng tiêu chuẩn HACCP chung của Việt Nam

Tại hội thảo, các nhà khoa học, các nhà chuyên môn, người tiêu thụ đặt ra vấn đề: làm thế nào để sản xuất ra con cá sạch, không có dư lượng thuốc kháng sinh, không có hoá chất độc hại và đảm bảo tính bền vững của môi trường nuôi?

Hiện nay, thị trường thế giới đang đặt ra các tiêu chuẩn rất cao cho con cá tra, ba sa Việt Nam. Nếu muốn vượt qua các rào cản do các nước phương Tây đặt ra thì phải đạt được sự chứng nhận về an toàn chất lượng sản phẩm (HACCP). Nếu làm tốt khâu kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ tốt môi trường thì hoạt động kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm của Việt Nam sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Hiện đã có những văn bản cũng được gọi là tiêu chuẩn, nhưng những tiêu chuẩn được công nhận cấp quốc tế hay cấp quốc gia là những tiêu chuẩn, những điều kiện bắt buộc các nước xuất khẩu phải tuân thủ. Bên cạnh đó có những tiêu chuẩn do những nhà nhập khẩu đặt ra. Châu Âu và các nước trên thế giới yêu cầu các nhà chế biến thuỷ sản và các nhà nhập khẩu thuỷ sản nói riêng và thực phẩm nói chung, áp dụng nguyên lý kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm là “dựa trên nguyên tắc nhận diện mối nguy và kiểm soát những mối nguy đó”. Nếu doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu này thì xem như đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng thư ký VASEP cho biết: “Hiện nay, VASEP đã và đang làm việc với hai tổ chức đại diện cho yêu cầu về chất lượng ở Mỹ và EU, đó là ngoài tiêu chuẩn yêu cầu nhà nước tiêu chuẩn ATC của Mỹ và EUREP - GAP của châu Âu. Đây là các hệ thống tiêu chuẩn mà VASEP muốn tiếp cận nhằm đơn giản hoá số lượng tiêu chuẩn để xây dựng tiêu chuẩn chung của Việt Nam cho cá Pangasius. Đó là chỉ xây dựng một tiêu chuẩn nhưng đáp ứng được các yêu cầu của Mỹ và châu Âu”.

Cho đến nay, chưa có một nước nào yêu cầu các nhà nuôi trồng phải áp dụng bất cứ tiêu chuẩn nào, nhưng manh nha có những qui định. Ví như FAO đã có một số yêu cầu về an toàn thực phẩm, châu Âu đã xây dựng EUREP, Việt Nam cũng phải chọn cho mình tiêu chuẩn. Cần nhận diện mối nguy trong quá trình nuôi trồng chính là: dịch bệnh và môi trường, nếu không làm tốt hai vấn đề này chúng ta không có khái niệm nuôi trồng bền vững. Khi kiểm soát được dịch bệnh và môi trường thì nguyên liệu nuôi trồng sẽ an toàn. Đây là hướng mà rất nhiều tổ chức nuôi trồng trên thế giới lựa chọn và Việt Nam cũng đang học hỏi các kinh nghiệm này.

Cảnh báo về vấn đề môi trường

Ông Philippe Serene, công ty Aquaculture Certification Council.Inc. cho rằng: “Chúng ta có nhiều yêu cầu về an toàn thực phẩm khác nhau và chúng ta cần phải đưa ra tiêu chuẩn đáp ứng được các yêu cầu này, hiện chúng tôi đang làm việc để đồng nhất các tiêu chuẩn này lại.

Hôm nay, chúng ta nói nhiều về các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn sản phẩm và thực phẩm nhưng chúng ta không đề cập đến yếu tố môi trường hay trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội. Đây chính là yếu tố cơ bản mà trong tương lai khách hàng sẽ đòi hỏi chúng ta phải đáp ứng.

Cho nên ngay từ bây giờ, chúng ta phải quan tâm đến trách nhiệm cộng đồng xã hội và môi trường chung quanh. Nếu chúng ta không hành động ngay sẽ phát sinh những trường hợp xấu. Mọi người nói Thái Lan rất tiến bộ, nhưng theo tôi, Thái Lan không tiến bộ, vì chính họ đang huỷ diệt môi trường của họ. Việt Nam có thể học bài học đắt giá này từ Thái Lan. Vì vậy khi xây dựng ngành chúng ta phải quan tâm đến yếu tố môi trường ngay từ bây giờ khi còn chưa muộn”.

Theo ông Hậu, trước đây chúng ta có quan niệm chỉ quản lý chất lượng ở các nhà máy chế biến, nhưng thời gian gần đây chương trình quản lý chất lượng không dừng ở công đoạn trung gian chế biến nữa mà được quyết định ngày từ ở khâu con giống. Lâu nay người nuôi cũng như nhà chế biến chưa quan tâm đúng mức đến tác hại của môi trưòng do chúng ta gây ra, hệ quả do tác hại của môi trường chính các ngư dân và nhà chế biến sẽ là những người gánh chịu hậu quả trước hết.

Qua hội thảo cho thấy, để ngành công nghiệp nuôi cá tra, ba sa ĐBSCL hội nhập kinh tế thế giới không có sự chọn lựa nào khác, ngoài việc phải áp dụng các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường.

Trong thời gian qua, việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế khác nhau: Naturland, SQF, GAP... cho sản phẩm cá tra, ba sa ở ĐBSCL bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu của thị trường thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến khác nhau về các tiêu chuẩn. Nhưng các tiêu chuẩn quốc tế đang được áp dụng đều có điểm cơ bản là dựa trên nền tảng HACCP và ISO.

Do có sự đồng thuận giữa các tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam đang áp dụng, trong thời gian tới, Bộ thuỷ sản sẽ sớm ban hành tiêu chuẩn chung đáp ứng yêu cầu các thị trường, trên cơ sở chủ trì tìm sự đồng thuận liên thông và thừa nhận lẫn nhau giữa các tiêu chuẩn quốc tế này. Khi đã định hướng rồi thì vấn đề là không phải thực hiện tiêu chuẩn nào mà phải thực hành trên thực tế tiêu chuẩn quốc tế có bên thứ ba chứng nhận mà thị trường cần.