Nhiều ngành hàng rục rịch tăng theo giá xăng

16/Thg8/2006 16:10:23

 

Bất cứ ngành hàng nào cũng có thể giải thích lý do tăng giá của mình bằng nguyên nhân giá xăng dầu lên. (Ảnh: Việt Tuấn)

 

Liệu xăng tăng giá có kéo theo giá của các ngành hàng khác? Bởi từ đi lại, ăn uống cho đến xây dựng, cung ứng dịch vụ..., bất cứ ngành hàng nào cũng có thể giải thích lý do tăng giá của mình bằng nguyên nhân giá xăng dầu lên.

Vào tháng 4/2006, khi chưa tăng giá xăng dầu thì nhiều xe taxi tại Tp.HCM đã tăng thêm 500 đồng/km, giá xe buýt cũng tăng theo nhiều mức khác nhau thay vì mức giá đồng hạng 2.000 đồng/lượt.

Với lần tăng này, tuy nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn đang phải im lặng mà "thắt lưng buộc bụng", bởi theo quy định ngành kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh, các doanh nghiệp muốn tăng giá vé thì phải tiến hành hiệp thương giữa các đơn vị vận tải và phải có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, nhưng chắc chắn các doanh nghiệp vận tải sẽ có một cuộc gặp gỡ chung để giải quyết việc tăng giá cước xe khách liên tỉnh.

Riêng với cánh taxi thì cho đến thời điểm hiện nay, tài xế taxi sẽ chính là người đầu tiên chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc tăng giá xăng dầu. Với mức bình quân mỗi xe taxi hàng ngày tiêu thụ 12 lít đến 14 lít xăng (loại 4 chỗ) và khoảng 20 lít (loại xe 7 chỗ), mỗi tài xế sẽ phải tốn thêm từ 12.000 đồng đến 20.000 đồng/ngày cho chi phí xăng dầu.

Trong khi đó, thị trường thực phẩm bán lẻ vẫn chưa có gì biến động lớn, nhưng theo những người có kinh nghiệm, giá hàng hoá sẽ được điều chỉnh chỉ trong nay mai, trong đó nhóm hàng tăng mạnh nhất sẽ là thủy hải sản, thực phẩm và hàng tiêu dùng.

Các tiểu thương ngành hàng nhôm, nhựa đồ dùng gia đình ở chợ Bình Tây, Q6, Tp.HCM cũng đang tính toán về khả năng điều chỉnh giá hàng hoá. Sức buôn bán ở chợ còn chậm cho nên nhiều tiểu thương vẫn ráng kìm giá và đợi đến đầu tháng 9/2006 thì mới quyết định.

Tuy nhiên hiện đã có một nhóm hàng gần như tăng theo giá xăng tức thì, đó là vật liệu xây dựng. Không chỉ vậy, giá vật tư, giá nhân công cũng đua nhau đẩy lên. ở những công trình nhỏ, thì chủ đầu tư đành chịu trận; còn ở các dự án cầu đường lớn, thì gánh nặng lỗ đè lên vai của nhà thầu.

Một số chủ thầu xây dựng Q12 cho biết: tại một số công trình nhà ở như Củ Chi, Hốc Môn đang xây dựng dở dang, bỗng nhiên thợ đòi tăng giá công lên để bù lỗ xăng đi lại. Họ giải thích giá xăng lên thì với mức tiền công như hiện nay nếu đổ xăng đi lại và ăn trưa thì một tuần không còn dư tiền đem về cho vợ con.

Nếu không tăng tiền công để bù lỗ họ sẽ tự ý nghỉ việc. "Chúng  tôi đã phải tăng thêm tiền công thợ chính từ 70.000 đồng lên 75.000 đồng/ngày và thợ phụ cũng phải tăng từ mức 50.000 đồng lên 55.000 đồng/ngày.

Chủ thầu bảo xăng lên, đá cát xây dựng lên theo cho nên giá bê tông tươi mua từ  xe bồn cũng tăng thêm 10%, và chủ thầu còn dọa nay mai giá bê tông sẽ  còn tăng nữa", bà Nguyễn Thị Mến ở An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, người đang  đổ tấm sàn tầng 2 than vãn.Với các công trình lớn, theo ông Ngô Văn Vinh, Trưởng ban điều hành công trình  xây dựng cầu Thủ Thiêm, thì: "Với giá xăng dầu mới, mỗi ngày công trình bị thiệt hại thêm 5 triệu đồng do phải chi thêm tiền dầu cho 16 thiết bị cơ giới, trong khi đó từ đầu năm đến nay công trình đã bị thiệt hại hơn 5 tỷ đồng cũng vì xăng dầu tăng giá liên tục.

Sắt thép qua các lần tăng giá từ  đầu năm đến nay cũng đã thêm 10% mà nhiều doanh nghiệp đã ngắc ngoải, nay  dầu DO lại tăng từ 7.500 đồng lên 8.550 đồng/lít cộng cả thuế VAT thì như vậy  là hơn 11% rồi còn gì".