Nâng tỷ lệ chất xám nhân lực ngành dầu khí

22/Thg8/2006 16:16:22

So với các ngành khác, nhân lực của ngành dầu khí có hàm lượng chất xám rất cao.

Với xu hướng chuyển ngành dầu khí thành một tập đoàn, ông đánh giá thế nào về chất lượng và nhu cầu nhân lực của ngành trong thời gian tới?

Tổng công ty dầu khí đã có chiến lược phát triển tới năm 2015 và tầm nhìn tới năm 2025. Việc chuẩn bị nhân lực cho ngành là một vấn đề hết sức cấp bách, bởi trong bất kỳ nền kinh tế nào tăng trưởng kinh tế cũng phụ thuộc vào 2 yếu tố cơ bản là nguồn vốn và nguồn lực. Mà nguồn vốn thì có hạn, còn nguồn lực thì vô hạn, bởi tiềm năng con người là vô hạn.

Dựa trên cơ sở chiến lược của ngành, chúng tôi đã tính toán là nhu cầu nhân lực của ngành năm 2015 vào khoảng hơn 30.000 người, hiện tại đã có 20.000 người; như vậy từ nay tới năm 2015, ngành cần khoảng 10.000 người.

Trong số đang làm việc, cán bộ có trình độ trên đại học chiếm hơn 2%, có trình độ đại học và cao đẳng chiếm hơn 41%, công nhân kỹ thuật chiếm 48% và các trình độ khác chiếm 8,54%. So với các ngành khác, nhân lực của ngành dầu khí có hàm lượng chất xám rất cao.

Tuy nhiên, với xu hướng chuyên nghiệp hoá, cần phải nâng hàm lượng chát xám đối với đội ngũ lao động mới. Theo đó, tỷ lệ lao động trình độ đại học và cao đẳng trong thời gian tới sẽ chiếm tới 51%.

Vậy khả năng đáp ứng nhân lực của ngành được xác định như thế nào trong khi hiện cả nước chỉ có một trường đào tạo nhân lực dầu khí duy nhất?

Hiện nhân lực của ngành dầu khí là đủ. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phải nâng hàm lượng chất xám nguồn nhân lực. Điều này đồng nghĩa với việc phải nâng cao chất lượng đào tạo. Thực tế, với đội ngũ hiện có, ngành dầu khí đã tiếp nhận nhiều cán bộ của các ngành khác và sinh viên tốt nghiệp của các trường đạị học trong cả nước. Về trình độ lý thuyết, sinh viên ra trường của các trường đại học Việt Nam là tốt.

Nhưng đáng lưu tâm là để làm việc được ngay thì sinh viên rất khó khăn vì họ rất thiếu kỹ năng thực tế. Nguyên nhân bởi các trường đại học thiếu phương tiện và thiết bị thực hành. Vì thế để có thể làm được việc, sinh viên ra trường thường phải được đào tạo thêm 1 - 1,5 năm tại trường đào tạo nhân lực dầu khí.

Chúng tôi được tổng công ty giao nhiệm vụ xây dựng quy hoạch đến năm 2015 và 2025. Trước mắt chúng tôi xác định chiến lược phát triển với mục tiêu xây dựng một trường đào tạo chính quy đa cấp và liên thông, từ cấp thấp đến cấp cao.

Đồng thời, xây dựng đề án phát triển trường lên cao đẳng và sau đó sẽ xây dựng thành trường đại học dầu khí. Nguồn nhân lực dầu khí mặc dù đa dạng nhưng vẫn có đặc điểm riêng nên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một công việc khó khăn.

Đặc thù của ngành là mang tính quốc tế cao, trong đó tất cả hoạt động không thể làm một mình và phụ thuộc rất nhiều vào các quốc gia và tập đoàn dầu khí khác, đặc biệt về lĩnh vực công nghệ. Đối với Việt Nam, mặc dù ngành dầu khí đã phát triển 30 năm nhưng thực ra nếu so với thế giới thì rất ngắn.

Chính vì thế nguồn nhân lực của ngành trong những năm qua mặc dù đã có những tiến bộ - nhất là việc thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng ở trường chúng tôi, cán bộ dầu khí đã làm chủ được công nghệ-nhưng nhân lực chất lượng cao của ngành vẫn rất thiếu.

Nhà trường có kế hoạch cụ thể như thế nào để nâng cao năng lực đào tạo?

Hiện nhà trường đào tạo công nhân kỹ thuật chuyên ngành đồng thời bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ và kỹ sư. Hiện chúng tôi đang tổ chức mô hình đào tạo nâng cao trình độ và đào tạo đồng bộ cho dự án của ngành. Thực tế, từ năm 2000 trở lại đây, nhân lực cho các dự án lớn của ngành dầu khí đều được giao cho trường đào tạo đồng bộ từ công nhân cho tới kỹ sư.

Ví dụ, khi bắt đầu triển khai dự án, chúng tôi tham gia quá trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành và đào tạo nhóm đồng bộ, khi xong chuyển giao đội ngũ đó cho nhà máy. Đây là loại hình đào tạo mới và có lẽ trường là đơn vị tiên phong làm việc này. Hiện ở phía Bắc cũng có một số trường thực hiện mô hình đào tạo đồng bô. Tuy nhiên,họ không đào tạo được môt nhóm nhân lực cho một nhà máy cụ thể.

Thời gian vừa qua, chúng tôi cũng quan tâm tới vấn đề đào tạo lại và đào tạo thường xuyên cho đội ngũ đang làm việc trong ngành, trong đó có cả đội ngũ giáo viên,cán bộ giảng dạy của trường. Chúng tôi thực hiện hàng loạt giải pháp đồng bộ: đầu tư thiết bị giảng dạy, nâng cấp đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường lên bậc cao bằng cách gửi đi đào tạo dài hạn ở các nước như Mỹ, Australia... Ở đó, họ được đào tạo chuyên ngành nên quy tụ được kiến thức vá tiếp cận với công việc hiệu quả.

Đặc biệt là chúng tôi tổ chức dịch vụ đào tạo.Công việc này đòi hỏi chất lượng đào tạo khắt khe và mang đầy đủ tính thị trường. Hiện trường đã đào tạo cho các nhà thầu nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Chỉ tính lợi nhuận thu về, năm 2005 chúng tôi đã nộp ngân sách khoảng 5 tỷ đồng. Thông qua dịch vụ này, chất lượng giáo viên cũng được nâng lên vì sự đòi hỏi khắt khe về chuyên môn và trình độ.

Trước khi có một khoá đào tạo, nhà thầu sẽ đến kiểm tra trình độ chuyên môn của giáo viên, chương trình giảng dạy, cơ sở vật chất và thiết bị có đáp ứng được hay không. Và cứ sau mỗi năm họ thành lập đoàn kiểm tra công tác đào tạo xem có sự thay đổi hay không.