Mùa thu vàng hay tương lai ngành công nghiệp Bia Nga đang ánh lên rực rỡ

25/Thg7/2006 17:04:49

Có lẽ thời kỳ suy thoái kinh tế và lộn xộn về chính trị của nước Nga đã qua rồi. Sau khi phá giá đồng rúp năm 1998, nền kinh tế Nga đã có những bước tăng trưởng đáng kể. Tuy vậy, sự tăng trưởng kinh tế ở Nga cũng còn rất nhiều khó khăn. Nga không chỉ trông cậy vào xuất khẩu "vàng đe" mà còn phải thay đổi rất nhiều trong công nghệ, thiết bị của nhiều ngành công nghiệp và cung cách làm ăn. Nhà khoa học Mỹ Giôxeps Steclit-người vừa được trao giải Nobel kinh tế năm 2001 nhận định về nền kinh tế Nga: một nền kinh tế hứa hẹn rất nhiều triển vọng nhưng đang phải đối mặt với những thách thức mới, đặc biệt là sau thảm hoạ ở Mỹ ngày 11/9 vừa qua, khiến cho toàn bộ thị trường tài chính thế giới đang bị chao đảo.
Theo số liệu của Uỷ ban thống kê Nhà nước Nga, trong chín tháng đầu năm nay, tổng sản lượng công nghiệp Nga đã tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2000. Những con số ấy cũng thật đáng mừng, song vẫn chưa phải là phản ánh đúng tiềm năng công nghiệp của đất nước này. Ngành công nghiệp bia của Nga trong thập kỷ vừa qua sau những năm tháng loạng choạng khi thay đổi cơ chế kinh tế cũng dần ổn định trở lại. Nói chung, ngành này vẫn dựa vào các nhà máy cũ, thiết bị cũ, công nghệ xưa với những thời gian lên men quá dài 30,40 ngày thậm chí 100 ngày.
Sản lượng và chất lượng bia Nga hiện nay không thể đánh giá là cao, so với Châu Âu, vẫn là ngành công nghiệp lạc hậu. Chỉ số bia cho một đầu người trong một năm ở Nga hiện nay là 30 lít, trong khi đó phổ biến ở Châu Âu là 80 lít, một số nước như Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan, Đức còn tới 120-160 lít. Nhưng theo dự đoán, ngành công nghiệp Bia ở Nga sẽ tăng trưởng 20-30% năm. Theo số liệu của cán bộ nông nghiệp Nga, trong 6 tháng đầu năm nay ở Nga có 290 nhà máy bia đã sản xuất được 2.640 triệu lít bia, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Có người đã nói: ở Klodike (Mỹ) người ta phất lên nhờ vàng, còn ở Nga ngày nay người ta đang làm giàu nhờ bia. Trong khoảng 10 năm gần đây có hàng tá các nhà máy bia Phương Tây được thành lập ở Nga. Trong đó có một Công ty Bia Nam Phi (SAB) nổi lên thành một đối thủ mạnh nhất ở Nga.
SAB mua lại nhà máy bia cũ ở Kalug ở phía đông và cũng không cách Moskva bao xa, năm 1998. Công ty này đã đầu tư gần 100 triệu USD để cải tiến công nghệ và thiết bị cũ của nhà máy, đến nay có ba dây chuyền hoạt động và sản lượng đã đạt được khoảng 200-250 triệu lít/năm - chiếm tới 10% thị phần ở Moskva, và 5% trong cả nước.
Kaluga quê hương của ông tổ ngành khoa học vũ trụ Konstatin Tsionkovski. Ngày nay Tsionkovski vẫn ngước mắt nhìn vào vũ trụ xa xăm, người dân Kaluga uống bia "thùng tônô vàng" như suối chảy, ngoài ra còn các loại bia với nhãn Holsten, Staropramen và Miller.
Qua thăm dò thị trường người dân Nga không thích loại bia nặng độ, mà thích loại vừa phải với mùi vị và sự tinh tế giống bia Tiệp. SAB đã liên kết với công ty Prazsskie Pivovảy (Tiệp) để sản xuất ra bia Staopramen nổi tiếng ở ngay Kalug. Nhà máy bia Kaluga của SAB có 450 cán bộ và công nhân, lương tháng bình quân 100 USD/người (cao gấp 3 lần so với các ngành khác trong khu vực) và đóng thuế cao nhất vùng.
Ngày nay, lớp trẻ ở Nga thích uống bia có chất lượng cao, trong đó có bia ngoại (bia sản xuất ở nước ngoài) nhưng giá đắt. Với các hương liệu ngoại, sản xuất ở trong nước có chất lượng không kém, giá rẻ dần dần chiếm lĩnh được thị trường. Hiện nay, một chai bia nhập ngoại có giá 30-40 rúp, còn chai bia sản xuất trong nước giá chỉ có 18-22 rúp. Chính vì lẽ đó nhiều "bợm nhậu" chuyển từ Vodka sang bia. Có nhiều quán bia lượng tiêu thụ như suối và xung quanh với một con cá Vôp-la chỉ mỗi người một miếng nhỏ xíu cũng đủ cho các "bơm" vui "tít cung thang".
Một đại diện của công ty SAB đã từng phát biểu: "Việc kiểm soát tốt chất lượng bia đã khiến cho bia giành được ưu thế trước Vodka, Vodka là quá khứ, tương lai sẽ thuộc về bia"

Một đất nước mênh mông như thế, tương lai nếu là như vậy thì sản xuất bia bao nhiêu cho vừa? Ngành rượu bia Việt Nam đã tới thời kỳ đầu tư ra nước ngoài chưa, nếu chín rồi thì mở "đột phá khẩu" vào Nga có nên chăng

Lưng Đức Phẩm
Viện Công nghệ sinh học - Trung tâm KHTN&CNQG
(Sưu tầm theo báo thế giới)