Một số giải pháp cho xoá đói giảm nghèo ở Lâm Đồng

21/Thg6/2006 09:00:39

Ngày 13.5.1993, Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ra Nghị quyết số 07 đề ra nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo trên phạm vi toàn tỉnh; từ đó các cấp, các ngành đã tiến hành điều tra xác định hộ đói nghèo, phân tích nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp tác động hỗ trợ các hộ đói nghèo, vươn lên xây dựng cuộc sống gia đình. 

Qua 5 năm Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy đi vào cuộc sống, số hộ đói nghèo của tỉnh từ 31.495 hộ năm 1993, chiếm 20,64% tổng số hộ dân toàn tỉnh, giảm xuống còn 21.900 hộ, chiếm 12,73% tổng hộ dân. Kết quả đó đã nói lên sự cố gắng lớn của Đảng bộ và nhân dân Lâm Đồng trong việc nâng cao mức sống các hộ nghèo. Song song với việc khuyến khích và tạo điều kiện làm giàu chính đáng thì việc nâng cao mức sống các hộ nghèo đã góp phần ngăn chặn sự phân hóa 2 đầu làm cho khoảng cách giàu nghèo hẹp lại để mọi người trong xã hội đều có cơ hội tham gia xây dựng cuộc sống, xây dựng quê hương. 

Mục tiêu của những năm cuối của thế kỷ 20 ở Lâm Đồng là: 

- Giảm số hộ đói nghèo từ 12,73% năm 1998 xuống còn 8,3% năm 2000 tương ứng với 15.000 hộ trên tổng số 180.000 hộ dân. 

- Giảm nhanh tỷ lệ hộ đói nghèo của 27 xã điểm xuống dưới 16,4% vào năm 2000, trong đó 6 xã dân tộc anh hùng xuống dưới 22,6% năm 2000, không còn xã trên 30% hộ đói nghèo. Như vậy, trong các năm 1998-2000, 27 xã điểm giảm ít nhất 3.400 hộ. 

Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, chúng ta cần tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, lồng ghép các nguồn vốn một cách nhuần nhuyễn như sau: 

1. Các địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác điều tra khảo sát, lập danh sách nắm chắc từng hộ nghèo đói, xác định rõ nguyên nhân đói nghèo. Đây là một biện pháp quan trọng đầu tiên bởi nếu không nắm đúng hộ nghèo đói và không chỉ rõ nguyên nhân của nó thì việc hô hào xóa đói giảm nghèo cũng chỉ là khẩu hiệu chung chung, nói nhiều mà kết quả lại không đạt được bao nhiêu. Qua điều tra khảo sát, từng địa phương tiến hành cấp sổ đói nghèo để làm căn cứ hỗ trợ vốn, miễn giảm học phí, viện phí… Hằng năm Ban xóa đói giảm nghèo từng xã, huyện đánh giá lại khả năng vượt đói nghèo của từng hộ gia đình để thu sổ hoặc duy trì sổ hoặc cấp sổ mới. Làm được như vậy, những nỗ lực của nhà nước và của cộng đồng xã hội cho công tác xóa đói giảm nghèo mới có thể được thực hiện đúng địa chỉ, hiệu quả sẽ rõ ràng, việc đánh giá hàng năm mới thực sự chính xác và đảm bảo công bằng hơn. 

2. Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục cũng là một biện pháp lớn và hết sức quan trọng mà trước hết là tuyên truyền vận động cho các hộ đói nghèo phải biết tự lực vươn lên, có một quyết tâm lớn vượt qua số phận nghèo đói của mình, phải nhận thức được rằng không ai có thể cứu được mình nếu như mình không tự cứu; sự hỗ trợ của nhà nước và của cả cộng đồng cũng sẽ không có hiệu quả nếu như chính bản thân và gia đình mình không chịu khó làm ăn, không biết chắt chiu lo toan cuộc sống của chính mình và phải thấm thía một điều là đói nghèo không phải là điều đáng vinh dự, cầm sổ đói nghèo trong tay không có gì đáng tự hào mà phải cố gắng trả nhanh sổ đói nghèo mới là việc làm tốt, có ý nghĩa trong cuộc sống và thực sự đáng tự hào. Bởi vì, gia đình mình vượt qua đói nghèo chính là đã góp phần làm cho đất nước giàu mạnh. Nếu như qua một năm, hai năm đã được sự giúp đỡ của nhà nước, của cộng đồng và không có một tai họa khách quan nào mà vẫn không trả được sổ đói nghèo thì cũng nên xem lại sự hỗ trợ của chúng ta và xem lại sự nỗ lực của hộ đói nghèo đó. Bên cạnh đó, cần phải tuyên truyền vận động trong mọi tầng lớp dân cư về việc xóa đói giảm nghèo làm cho công tác xóa đói giảm nghèo trở thành một phong trào quần chúng với tinh thần "lá lành đùm lá rách", giúp nhau về vật chất và cả kinh nghiệm làm ăn, kinh nghiệm tổ chức cuộc sống, xây dựng tình làng nghĩa xóm, lấy đó làm tiêu chuẩn để đánh giá việc xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư. 

Công tác tuyên truyền được thực hiện thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng trách nhiệm lớn nhất và hiệu quả cao nhất vẫn là bằng hoạt động tích cực của Mặt trận và các đoàn thể, có nghĩa là thông qua phong trào quần chúng; chúng ta tiến hành xã hội hóa công tác xóa đói giảm nghèo càng rộng, càng mạnh thì kết quả sẽ càng cao. 

3. Qua điều tra để cấp sổ thực hiện chính sách hộ đói nghèo vào cuối năm 1997, tỉnh ta đã xác định được những nguyên nhân trực tiếp của các hộ đói nghèo như sau: 

- Thiếu vốn sản xuất: 53,41% 

- Thiếu đất sản xuất: 17,76% 

- Thiếu kinh nghiệm tổ chức sản xuất và tổ chức cuộc sống: 11,45% 

- Đông con: 12,41% 

- Bệnh tật và nguyên nhân khác: 4,96%. 

Từ những nguyên nhân nêu trên, Ban điều hành xóa đói giảm nghèo của tỉnh, huyện và cơ sở tập trung điều hành các ngành, các cấp tạo nguồn lực và phối hợp tốt các nguồn lực hỗ trợ cho vùng nghèo, xã nghèo và hộ đói nghèo như sau: 

- Đối với vùng nghèo, xã nghèo, ưu tiên đầu tư 6 cơ sở hạ tầng tạo điều kiện vật chất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế và phục vụ an sinh xã hội. Đó là: đường giao thông, trường học, trạm xá, nước sinh họat, điện cho sản xuất và chợ nông thôn. 6 công trình trên được thực hiện theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhà nước sẽ hỗ trợ vật tư, thiết bị, điều tra khảo sát, quy hoạch và một phần kinh phí tùy theo vùng; nhân dân đóng góp công và một phần kinh phí. Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ này là: ngành kế hoạch đầu tư, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, ban dân tộc miền núi, ngành giáo dục, ngành y tế …Các ngành đã có hướng dẫn cụ thể cách tiến hành lập, quản lý và điều hành các dự án, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các ngành nêu trên để tiến hành hoàn chỉnh 6 công trình cơ sở hạ tầng ở từng xã nghèo, đảm bảo công trình có chất lượng và hiệu quả sử dụng cao. Đối với các hộ nghèo nếu có phương án sản xuất khả thi thì được đầu tư vốn vay ưu đãi từ các nguồn: vốn xóa đói giảm nghèo thuộc Ngân hàng phục vụ người nghèo; vốn 120 thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội; vốn từ chương trình 327, nay thuộc chương trình 5 triệu ha rừng; vốn đầu tư các xã điểm; vốn hỗ trợ đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn; vốn huy động giúp đỡ nhau từ cộng đồng dân cư do các đoàn thể chủ trì… Tổng nguồn vốn đầu tư cho các vùng nghèo, xã nghèo và các hộ nghèo trong toàn tỉnh được dự kiến trên 100 tỷ đồng mỗi năm. 

Ngoài ra, các hộ nghèo còn được miễn giảm viện phí do ngành y tế chủ trì, miễn giảm học phí cho con em đi học do ngành giáo dục chủ trì, miễn phí từ dịch vụ pháp lý do ngành tư pháp chủ trì và được các đoàn thể cũng như ngành nông nghiệp giúp đỡ hướng dẫn kinh nghiệm tổ chức sản xuất, kinh nghiệm tổ chức cuộc sống, khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao kỹ thuật và tùy theo điều kiện từng địa phương và của từng hộ đói nghèo; chính quyền địa phương sẽ xét cấp đất sản xuất, cấp mặt bằng và cấp giấy phép làm dịch vụ, kinh doanh… 

Tóm lại, tuy tỉnh ta còn nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, với tinh thần trách nhiệm cao của các ngành, các cấp và được nhân dân đồng tình ủng hộ, mọi ngành, mọi người xem việc xóa đói giảm nghèo như một đạo lý trong cuộc sống, đến nay, nguồn lực cho xóa đói giảm nghèo đã được hình thành khá cơ bản; vấn đề còn lại là nỗ lực vượt lên để chiến thắng nghèo đói của các gia đình nghèo và sự chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả của các cấp ủy, chính quyền và các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Với tinh thần "Chiến thắng đói nghèo là yêu nước", chúng ta hy vọng bước sang thế kỷ 21, phần lớn nhân dân Lâm Đồng sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

 

NGUYỄN TRỌNG HOÀNG

Sở lao động, thương binh và xã hội Lâm Đồng 

Nguồn: Thông tin KH&CN Lâm Đồng, 2/1999