Một dự án bị treo gần 20 năm

16/Thg8/2006 15:59:19

 

Hệ thống cảng trên sông Sài Gòn chiếm khoảng 40% lượng hàng hóa qua cảng của cả nước.

Chiều ngày 14/8, Ban kinh tế và Ngân sách Hội đồng Nhân dân Tp.HCM đã nghe báo cáo tiến độ thực hiện Dự án Cảng Bến Nghé do Tổng Công ty cơ khí Giao Thông Vận tải Sài Gòn (SAMCO) làm chủ đầu tư.

Đây là dự án đạt kỷ lục về thời gian bị treo, gây lãng phí lớn về tài nguyên đất đai, tiền bạc của Nhà nước và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhiều hộ dân. Bởi lẽ, từ lúc triển khai đền bù giải tỏa lần đầu năm 1987 đến nay vẫn chưa có hộ dân nào trong số hơn 400 hộ dân được di dời.

Từ 22/5/2006 đến tận ngày 14/8, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án phải bắt đầu lại công tác hiệp thương với các hộ dân, đến nay mới hoàn tất hồ sơ bồi thường 275 hộ trong số hơn 400 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án. Tuy nhiên chỉ có bốn hộ đồng ý ký vào bản hiệp thương đền bù giải tỏa và tái định cư.

Nhiều hộ dân trong khu vực dự án cho biết, do dự án bị treo quá lâu nên chính quyền không đầu tư cải tạo hạ tầng. Mặt khác do nhà ở nằm trong quy hoạch mở rộng Cảng Bến Nghé nên người dân không được xây mới, cải tạo nhà khi hạ tầng khu dân cư ngày càng xuống cấp thành những ngôi nhà nhếch nhác, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Tệ hơn, trong thời gian dự án bị treo, những hộ dân ở Khu phố 5, phường Tân Thuận Đông (khu vực nằm trong diện bị giải tỏa của dự án Cảng Bến Nghé) còn không được gắn đồng hồ nước, phải mua nước với giá cao.

Tổng diện tích Cảng Bến Nghé hiện tại là 23 ha, trong đó có 18 ha kho bãi, có bốn cầu tàu với tổng chiều dài bến tàu 816 m, bảy bến phao có thể tiếp nhận tàu cập bến trọng tới đến 36.000 DWT.

Tốc độ phát triển hàng hóa thông qua Cảng Bến Nghé trong năm năm qua tăng khá nhanh, khoảng 20%/năm. Thị trường của Cảng Bến Nghé chủ yếu là các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm Tp.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước.

Năm 2005, sản lượng hàng thông qua Cảng Bến Nghé đạt 3.383.818 tấn, tăng gần 214.000 tấn so năm 2004 chủ yếu là hàng container với số lượng 163.810 TEU (tăng gần 65.000 TEU). Cùng đó tổng doanh thu 91,957 tỷ đồng, tổng lợi nhuận 11,378 tỷ đồng, nộp ngân sách 8,168 tỷ đồng.

Hiện tổng số cán bộ công nhân viên trong danh sách của Cảng lên tới 3.000 người, trong đó tổng số lao động tại Cảng chỉ có 140 người.

Ngày 15/8/1991, Thường trực UBND Tp.HCM có ý kiến chỉ đạo về đầu tư xây dựng Cảng Bến Nghé giai đoạn ba nhưng mãi đến cuối năm 1998, Kiến trúc sư trưởng Tp. HCM mới có văn bản thỏa thuận phương án quy hoạch tổng thể mặt bằng mở rộng đợt ba. Và ngày 12/12/1998, Sở Kế hoạch Đầu tư mới ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư mở rộng với tổng mức đầu tư 9,803 tỷ đồng, trong đó tiền đền bù giải tỏa bốn tỷ đồng với 130 hộ dân bị ảnh hưởng, chi phí xây lắp 5,228 tỷ đồng.

Ngày 20/9/2000, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định cho thuê đất để đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Bến Nghé. Tuy nhiên, gần sáu năm trôi qua, dự án vẫn án binh bất động. Đầu năm 2006, kinh phí thực hiện dự án được tính toán lại với những con số gây sốc cho nhiều nhà đầu tư.

Theo đó, quy mô dự án mở rộng Cảng Bến Nghé giai đoạn ba gồm: xây dụng tường rào, cổng cảng, san nền mở rộng, làm đường nhánh vào Cảng tại phường Tân Thuận Đông Quận 7, Tp.HCM nhằm nâng năng lực luân chuyển hàng hóa thông qua cảng từ 3 triệu tấn/năm hiện nay lên 4 triệu tấn/năm vào năm 2010.

Tổng mức đầu tư dự án tăng vọt lên 205,377 tỷ đồng, gấp khoảng 20 lần năm 1998, trong đó chi phí đền bù giải tỏa lên tới 170,169 tỷ đồng, gấp 42,5 lần năm 1998, và chi phí xây lắp 29,151 tỷ đồng, gấp 5,6 lần năm 1998.

Số hộ dân bị ảnh hưởng của dự án từ 130 hộ tăng vọt lên khoảng 400 hộ. Tuy nhiên, Công ty TNHH Một thành viên Cảng Bến Nghé khẳng định, việc đầu tư mở rộng Cảng là hợp lý để khai thác hết tiềm năng công nghiệp của khu vực, đặc biệt là thế mạnh về dịch vụ cảng biển và đến năm 2020 mới xem xét việc di dời Cảng Bến Nghé ra khỏi nội ô Tp.HCM.

Theo đề nghị của chủ đầu tư, SAMCO và Cảng Bến Nghé, trước mắt UBND Tp.HCM chấp thuận tạm ứng ngân sách thành phố để chi trả theo phương án bồi thường hỗ trợ được UBND Quận 7 phê duyệt hôm 20/3/2006 và 7/7/2006. Ngoài ra, thành phố đã chấp thuận cho Cảng mượn ngân sách 170 tỷ đồng (không phải trả lãi) để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và hoàn trả vốn cho ngân sách trong thời gian 10 năm.

Trước mắt trong tháng 7 và 8/2006, thành phố tạm ứng 20 tỷ đồng để bồi thường, tái định cư cho các hộ dân. Tuy vậy, khó khăn lớn nhất hiện nay của dự án vẫn là chuyện hiệp thương với dân về tiền đền bù, hỗ trợ di dời và tái định cư.

Theo đánh giá của Cảng Bến Nghé, hệ thống cảng trên sông Sài Gòn chiếm khoảng 40% lượng hàng hóa qua cảng của cả nước. Trong đó hơn 90% tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng Tp.HCM, tập trung ở bốn cảng chính là Tân Cảng, Cảng Sài Gòn, Cảng Bến Nghé và Cảng VICT. Riêng Cảng Bến Nghé chiếm khoảng 20%.