Lệ thuộc đến bao giờ?

18/Thg3/2013 13:15:39

bàn-thí-nghiệm5

Trong đó, đã đầu tư 17 phòng thí nghiệm trọng điểm với kinh phí ban đầu từ 50 đến 70 tỷ đồng và nhiều phòng thí nghiệm lớn tại các trường đại học-cao đẳng (ĐH-CĐ), các viện nghiên cứu, các trung tâm lớn trực thuộc các bộ, ngành trung ương. Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế, không khó để thấy những khoản đầu tư đó vẫn chưa thấm vào đâu so với nhu cầu các đơn vị đào tạo, nghiên cứu hiện nay.

Bằng chứng là năm 2010, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố kết quả khảo sát tình trạng cơ sở vật chất của các trường ĐH-CĐ công lập trên toàn quốc. Kết quả, trong số 5.572 phòng thí nghiệm được khảo sát, chỉ có 22,5% phòng thí nghiệm có thiết bị tốt, 19% phòng thí nghiệm có công nghệ hiện đại, chủ yếu của các trường ĐH đầu ngành. Nhiều phòng thí nghiệm, xưởng thực hành của các trường ĐH-CĐ hiện nay mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của sinh viên.

Từ đó, đã có nhiều quan điểm cho rằng tình trạng khó khăn chung hiện nay là do Nhà nước phân chia kinh phí còn cào bằng, dàn trải. Cấp kinh phí theo cơ chế xin cho, quen mặt… Một cán bộ làm khoa học lâu năm tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM chỉ ra, phòng thí nghiệm cấp khoa thì cào bằng mức trung bình chừng trên dưới 100 triệu đồng/năm. Phòng thí nghiệm trọng điểm cao hơn thì 200-300 triệu đồng/năm. Với nguồn kinh phí đó, khó mà đầu tư mua sắm các trang thiết bị có độ ổn định chứ chưa tính đến máy móc chính xác cao. Thiết nghĩ, trước mắt dù mỗi phòng thí nghiệm có những đặc thù hoạt động riêng, nhưng chí ít cũng phải có những tiêu chí cụ thể đánh giá mức độ hiệu quả hoạt động theo từng năm. Từ đó, lấy căn cứ để xét ưu tiên kinh phí hỗ trợ vào năm sau.

Nhưng theo TS Huỳnh Quyền, Giám đốc Trung tâm Lọc hóa dầu, về lâu dài, các phòng thí nghiệm phải tự thân vận động. Giải pháp đáng kể nhất vẫn là ưu tiên tăng cường nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước. Bao gồm vốn vay không hoàn lại, quỹ của các tổ chức phi chính phủ hay đến từ các doanh nghiệp… Để dẫn chứng điều này, TS Quyền cho biết, chỉ trong hai năm 2009-2010, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã nhận được nguồn tài trợ gần 1,7 triệu USD, trong đó có những dự án lớn như dự án phòng thí nghiệm điện trị giá khoảng 20 tỷ đồng do Tập đoàn GE tài trợ. Hay như phòng thí nghiệm tự động hóa được trang bị hệ thống mạng công nghiệp hiện đại. Tất cả thiết bị này của Hãng Rockwell Automation (Mỹ) tài trợ với tổng giá trị 355.603USD.

Rõ ràng, để giải quyết tình trạng thiếu và yếu của các phòng thí nghiệm trong trường ĐH-CĐ công lập hiện nay, không thể trông chờ vào một giải pháp cố định nào. Nhà nước chỉ nên đầu tư những phòng thí nghiệm thật sự cần thiết. Trên cơ sở đó mà khuyến khích dùng chung. Còn lại, chính nhà trường phải chủ động kết nối, tìm nguồn hỗ trợ từ bên ngoài. Tránh lệ thuộc hoàn toàn vào “bầu sữa Nhà nước” như hiện nay.

Theo Hiendaihoa.com