Lãi suất tăng: Đau đầu cả người dân và doanh nghiệp

15/Thg8/2006 13:04:36

 
Người dân ưu tư trước khi đặt bút ký hợp đồng.

Chưa vay đã ngán!

Theo dự định, cuối năm nay anh Tiến (ngụ ở Q.Bình Thạnh, TPHCM) sẽ vay tiền mua nhà để sang năm cưới vợ. Thế nhưng anh Tiến cho biết chắc phải hoãn kế hoạch mua nhà lại vì LS cho vay của NH hiện nay khá cao.

Đầu năm ngoái, khi anh Tiến tìm hiểu thủ tục vay ở NH, LS vay khoảng 1%/tháng, nay LS đã tăng lên 1,1 - 1,2%/tháng. Với số tiền dự định vay NH là 300 triệu đồng, số tiền lãi phải trả của anh Tiến tăng thêm từ 300.000 - 600.000 đồng/tháng.

Vợ tương lai anh Tiến cho biết: "Trừ đi các khoản chi tiêu cho gia đình, nếu tính tiết kiệm thì mỗi tháng tụi em trả cho ngân hàng khoảng 5 - 6 triệu đồng. Nhưng khi cưới nhau về, tụi em còn phải lo nhiều thứ nữa, đó là chưa nói đến giá cả hàng hóa đang ngày càng tăng".

Người sắp vay thì vậy, người đang vay NH thì đành chịu trận khi NH điều chỉnh tăng LS cho vay. Chị Trương Thu Thủy (ngụ ở Q.Bình Thạnh) cho biết đầu năm 2005 chị vay NH khoảng 200 triệu đồng để sửa nhà với LS 1,2%/tháng.

Vừa qua, NH đã điều chỉnh tăng LS cho vay thêm 0,1%/tháng. Dù LS cho vay tính trên dư nợ giảm dần nhưng do LS tăng nên số tiền lãi phải trả tính trên dư nợ còn lại hiện nay gần bằng với số tiền lãi ban đầu.

Đối với các tiểu thương ở chợ, NH thường cho vay với LS cao hơn các khách hàng khác. Các tiểu thương ở 80 chợ trên địa bàn TPHCM hiện nay trả LS cho vay từ 1,5 - 2%/tháng.

Giám đốc một chi nhánh NH cổ phần giải thích: sở dĩ LS cho các tiểu thương vay cao hơn các đối tượng khác là do phần tài sản thế chấp của họ là quyền sử dụng sạp, mỗi ngày ngân hàng đều phải cử nhân viên đi thu tiền vay tại sạp dẫn đến chi phí đầu tư cao hơn các đối tượng vay khác.

Hệ quả của cuộc đua huy động vốn

Hiện LS cho vay ngắn hạn của các NH từ 10 - 13,8%/năm; cho vay trung và dài hạn từ 10,8 - 15,4%/năm. LS cho vay tăng cao là hệ quả của cuộc chạy đua cạnh tranh huy động vốn quyết liệt giữa các NH vừa qua.

So với đầu năm, LS huy động tiền đồng của các NH trên địa bàn TP.HCM tăng từ 0,24 - 0,84%/năm (tùy theo từng kỳ hạn), dao động từ 8 - 9,72%/năm. Riêng LS huy động USD có tốc độ tăng nhanh hơn, mức tăng 0,45 - 0,7%/năm, dao động từ 4 - 4,8%/năm. Không chỉ tăng LS, các NH còn cạnh tranh huy động vốn bằng các hình thức phát hành kỳ phiếu, khuyến mãi...

Theo NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, tốc độ huy động vốn của các NH tăng hơn 22% so với đầu năm, còn cho vay tăng chậm hơn, chỉ 13,68%. Vì sao các NH không thiếu vốn nhưng vẫn chạy đua huy động vốn?

Ông Lý Xuân Hải - Tổng giám đốc ACB cho biết có nhiều tác động dẫn đến việc LS tăng. Đó là, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng LS liên tục khiến LS USD của các NH trong nước tăng, lạm phát tăng, các NH khác cũng đã tăng LS, xuất hiện xu hướng chuyển từ gửi tiền đồng sang ngoại tệ...

Ông Nguyễn Quốc Hương - Phó tổng giám đốc Eximbank - thì cho biết: "Eximbank tăng LS huy động là do từ nay đến cuối năm Eximbank cần khoảng 1.000 tỉ đồng cho các doanh nghiệp (DN) vay".

Tuy nhiên, phó tổng giám đốc một NH TMCP khẳng định các NH không hề thiếu vốn. Ông cũng gọi cuộc đua huy động vốn hiện nay là "các NH đang phá giá nhau. Nhiều NH tăng LS khiến các NH khác cũng phải tăng LS để giữ khách, nếu không khách hàng sẽ rút tiền đi gửi NH khác, chứ thực ra việc tăng LS huy động không hoàn toàn do nhu cầu vay vốn tăng".

Ông Trần Ngọc Minh, Giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TPHCM, cho biết: "Vừa qua, NH Nhà nước cũng đã có nhắc nhở các NH cân nhắc trước khi quyết định tăng LS huy động vốn nhằm tránh tác động tăng LS cho vay, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và người dân".