Khi nông dân “chen chân” vào siêu thị

16/Thg6/2006 10:21:26

Quy mô của các siêu thị này cũng chưa phải là lớn, trình độ quản lý, công nghệ, phương thức kinh doanh chưa theo được chuẩn mực quốc tế. Hàng bán lẻ qua siêu thị mới chiếm 10% so với 40% qua hệ thống chợ và khoảng 44% qua các cửa hàng truyền thống.

Nhà nông bán nông sản cho siêu thị

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, để cung cấp được hàng cho siêu thị vẫn cứ là một niềm mơ ước của người nông dân, bởi họ không thể đáp ứng được các yêu cầu ngặt nghèo về an toàn thực phẩm và khối lượng cung cấp do các siêu thị đặt ra.

Sự phát triển của những chuỗi phân phối giá trị gia tăng mới này (trong đó có siêu thị) đi liền với những hoạt động làm tăng thêm giá trị cho ngành phân phối thực phẩm.

Đặc điểm chính của các hãng phân phối bán buôn và bán lẻ hiện đại này là chú trọng đầu tư vào hình thức hàng hoá (đóng gói, bảo quản), quảng cáo và lựa chọn các nhà cung cấp theo một số tiêu chuẩn về chất lượng và khả năng giào hàng đúng hạn. Nhờ vào lợi thế về quy mô kinh tế, các chuỗi phân phối giá trị gia tăng cũng có nhiều tiềm lực để cắt giảm các chi phí phân phối mang lại nhiều sản phẩm có giá hợp lý hơn cho người tiêu dùng.

Theo một nghiên cứu được Dự án nâng cao hiệu quả thị trường cho người nghèo và quan hệ giữa thị trường và nông nghiệp cho những thành phố châu á, cùng thực hiện cho thấy, khi bán sản phẩm cho các siêu thị, người nông dân có thể có thêm thu nhập, đặc biệt là những người tham gia vào các tổ chức nông hội.

Đơn cử, khi bán một kilogam cà chua thông thường cho siêu thị Coopmart, người nông dân ở Hợp tác xã Anh Đào (Đà Lạt) thu được lãi cao hơn 400% so với khi bán trong chợ truyền thống. Tại Hà Nội, nông dân ở huyện Sóc Sơn khi cung cấp sản phẩm cho Công ty Bảo Hà để bán cho siêu thị cũng thu được mức lời cao hơn 23% so với những người khác.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Liên tổ sản xuất rau an toàn Tân Phú Trung, Củ Chi, giá bán cho siêu thị cao hơn giá bán ở chợ khoảng 10- 25%, cho dù hiện nay trung bình mỗi ngày hợp tác xã mới bán khoảng 1,5-2 tấn cho siêu thị, trong khi đó khả năng sản xuất của hợp tác xã là 30 tấn/ngày.

Cùng với ý kiến trên, ông Vũ Đình Bát, Chủ tịch Hiệp hội vải Thanh Hà cho biết, hiện vải Thanh Hà đã có chứng nhận an toàn thực phẩm và rất yên tâm khi bán cho siêu thị. Tuy nhiên, thủ tục hợp đồng và thanh toán khó khăn, thông thường phải sau một tháng mới được trả tiền. Bên cạnh đó, do siêu thị không mua đứt hết, có lúc vải bị trả lại vì kém chất lượng cho nên người nông dân rất khó khăn.

Thực tế cũng cho thấy, những thuận lợi chủ yếu mà siêu thị mang lại cho nông dân là sự ổn định về giá cả và khối lượng mua. Tại Tp.HCM, giá rau quả mà siêu thị mua vào cao hơn 10 đến 20% so với giá mua ở các chợ truyền thống.

Siêu thị thành “chợ làng” của nông dân

Tại Tp.HCM và Hà Nội, các siêu thị thu mua rau với khối lượng ổn định (hàng tuần) và với giá cả ổn định hơn. Các mức giá và khối lượng được ước tính trong các hợp đồng ký hàng năm và sẽ thỏa thuận giá và khối lượng cụ thể hàng tuần. Tuy nhiên, sự ổn định này còn tùy thuộc vào từng siêu thị, và cũng đang giảm dần cùng với sự cạnh tranh và phát triển của siêu thị.

Theo một con số thống kê của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), nếu như vào những năm 1990 ở Việt Nam gần như không có siêu thị nào thì đến cuối năm 2001 đã có 70 siêu thị với 32 ở Hà Nội và 38 tại Tp.HCM.

Đến tháng 6/2004, số lượng siêu thị tại Hà Nội đã lên tới con số 55 (thêm 9 trung tâm bán buôn tính cả Metro), và năm 2005, riêng Tp.HCM đã có 71 siêu thị. Tuy nhiên, người nông dân nghèo khi cung cấp cho siêu thị sẽ gặp phải một số thách thức liên quan đến việc đáp ứng những yêu cầu về chất lượng, tính đa dạng chủng loại, cách thức giao hàng.

Đơn cử như, các siêu thị ở Tp.HCM thường áp dụng hệ thống phân loại và chỉ mua hàng loại 1 đó là độ tươi và sự không hư hại của sản phẩm. Còn các siêu thị Hà Nội lại yêu cầu hàng hoá phải ít hư hỏng, hình thức đồng đều và được đóng gói cẩn thận. Bên cạnh đó, yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được các siêu thị coi trọng.

Tại Hà Nội, siêu thị lựa chọn những người cung cấp có thể xuất trình chứng chỉ sản xuất rau an toàn. Tại Tp.HCM, những cơ sở cung ứng này được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thanh tra. Cùng đó các siêu thị đặt ra áp lực đối với người cung cấp phải tăng tính đa dạng chủng loại các mặt hàng rau cung ứng trong khi đó khối lượng mua mỗi loại có thể quá ít. Ví dụ như Hợp tác xã Anh Đào cung ứng 32 chủng loại, 4 loại trong số đó chỉ cung cấp với khối lượng ít hơn 10 kg.

Các cấp, các ngành chung sức giúp nông dân

Những nghiên cứu gần đây cho thấy, cần phải có sự chung tay chung sức của các cấp các ngành giúp cho người nông dân khi họ muốn cung cấp hàng cho siêu thị.

Thứ nhất, nên hỗ trợ các hội nông dân thông qua việc phổ biến các kinh nghiệm thành công, cung cấp dịch vụ tư vấn. Đặc biệt trọng tâm vào đào tạo kỹ thuật về nâng cao chất lượng hình thức và an toàn thực phẩm, giúp Hội nông dân tiếp cận các chương trình vay vốn, và giúp xây dựng một hệ thống hóa đơn thuế giá trị gia tăng (VAT) rõ ràng hơn để có thể giao dịch hợp đồng trực tiếp với các siêu thị.

Thứ hai, nên xây dựng một hệ thống theo dõi an toàn thực phẩm và đặt ra những hình phạt nặng đối với các hành vi vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, công nhận chính thức những phòng thí nghiệm và tổ chức có khả năng chứng nhận nguồn gốc sản phẩm. Đặc biệt nên khuyến khích việc hình thành các hệ thống kiểm tra chất lượng có sự tham gia của nhiều bên.

Theo ông Đào Thế Tuấn, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Việt Nam thiếu một hệ thống chứng nhận chất lượng của người tiêu dùng và người sản xuất. Hiện tại không có cơ quan nào đủ uy tín và trình độ để cung cấp dịch vụ này, trong khi Chính phủ không đủ sức để có thể chứng nhận chất lượng cho mọi mặt hàng.

Thứ ba là cải thiện năng lực thoả thuận và ký kết hợp đồng của nông dân thông qua việc tuyên truyền về các kinh nghiệm thành công, đào tạo nông dân về quyền và trách nhiệm trong các hợp đồng cung cấp và đặc biệt xây dựng các quy tắc thực hành tốt. Cuối cùng, nên hỗ trợ nông dân tìm ra lợi thế và những đặc sản mới (ví dụ giống lợn đặc biệt mà chỉ có nông dân ở một số vùng nuôi được).

Với một thực trạng như thế, siêu thị ở Việt Nam, mặc dù phát triển với tốc độ không nhanh như ở những nước khác ở châu Á, nhưng vẫn đang ngày càng trở thành một bộ phận phổ biến trong ngành thương mại hàng hoá, vẫn đang mở ra những cơ hội tạo thu nhập cho những người nông dân sản xuất quy mô nhỏ.