IPhone chao đảo trong cơn lốc 3G

22/Thg4/2010 10:21:27

Bao giờ hạ giá?

Không như mong đợi, sau một ngày “ra quân” rầm rộ, điện thoại iPhone chính hãng do các nhà mạng VinaPhone, Viettel cung cấp đã trở nên “kén khách”, báo hiệu một tín hiệu chẳng mấy vui vẻ trong kinh doanh. VinaPhone và Viettel bán iPhone với giá không kém hàng xách tay là bao (thấp hơn từ 5% - 10% tùy theo hình thức mua máy và gói cước đăng ký), chính vì thế mỗi ngày chỉ bán được vài trăm máy, còn con số cụ thể đại diện VinaPhone cho biết: “Đây là bí mật kinh doanh”.

Người mua phải trả số tiền từ 11,3 triệu đồng đến 15,9 triệu đồng đối với iPhone 3G 8GB đến 3GS 32GB, cho dù có ký hợp đồng hay không ký với nhà mạng. Như vậy nếu mua không hợp đồng, nó là số tiền bán máy; còn nếu mua có hợp đồng, nó là số tiền bán máy + số tiền trả trước cho cước của các kỳ cước cuối cùng trong hợp đồng… Dẫn chứng cụ thể nhất trong trường hợp này là gói cước iPhone 3 của Viettel. Số tiền được trừ tương ứng với gói cước người đăng ký sử dụng, ví dụ với gói cước iPhone 3 thì mỗi tháng sẽ trừ 700.000 đồng vào tiền cước hàng tháng.

Chuyện phân phối iPhone chính hãng thực chất là chuyện mua hàng trả góp nhưng phải góp khá… nặng. Ở một số nước châu Âu hay Mỹ, người muốn có iPhone không cần phải trả một cục tiền cho giá trị của máy mà sẽ được “khấu trừ” dần dần vào tiền cước thuê bao. Chính vì lý do này cơn sốt iPhone đã nhanh chóng qua đi. Mọi người đang bình tâm xem việc gì sẽ tiếp diễn nhưng vẫn hy vọng giá máy sẽ hạ trong thời gian tới. VinaPhone cho rằng trong một sớm một chiều không thể thực hiện ngay mà cần phải có lộ trình. Còn đại diện MobiFone cho biết vẫn đang lựa chọn chính sách phân phối thích hợp và sẽ có giá thấp hơn các nhà mạng khác…

IPhone trong ván bài 3G

Có thể nói “cội nguồn” của việc các nhà mạng nói trên muốn phân phối iPhone chính hãng là vì nhà mạng muốn lấy thiết bị đầu cuối iPhone làm nơi phát triển các dịch vụ 3G.

Con số đầu tư cho 3G theo cam kết của các nhà mạng với Bộ TT-TT là 2,1 tỷ USD trong vòng 3 năm. Nếu tính tất cả các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhà trạm, truyền dẫn thì khoản đầu tư cho 3G của Việt Nam trong 3 năm là 3 tỷ USD. Riêng số tiền Viettel cam kết đầu tư cho mạng 3G trong 3 năm đầu tiên là 800 triệu USD. Về lâu dài, Viettel dự kiến đầu tư khoảng 1,5 - 1,8 tỷ USD trong 15 năm thời hạn của giấy phép 3G. Đáng chú ý, phần lớn số tiền đầu tư 3G sẽ chảy vào túi các nhà cung cấp thiết bị nước ngoài, trong khi đó, tiện ích đem lại cho thị trường, cho nền kinh tế có vẻ còn rất mù mờ và khả năng thu hồi vốn là quá xa vời. 

Công nghệ 3G là tiêu chuẩn di động băng thông rộng thế hệ thứ 3. Đây là bước phát triển tiếp theo của công nghệ di động 2G và 2,5G. Với 4 giấy phép 3G tại Việt Nam, làn gió 3G đã thực sự thu hút sự quan tâm của giới công nghệ. Trước đó, từ năm 2004 và 2008, nhà khai thác thông tin di động MobiFone cũng đã triển khai thử nghiệm thành công dịch vụ 3G.

Chính vì thế Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho mỗi mạng di động VinaPhone và MobiFone để nghiên cứu và phát triển công nghệ 3G trên nền tảng của mạng di động 2G. Theo VNPT, việc đầu tư nâng cấp mạng 2G lên 3G sẽ giúp VNPT tiết kiệm được 60% chi phí so với việc đầu tư một mạng 3G mới hoàn toàn. Đây sẽ là cơ sở để VNPT có thể cung cấp các dịch vụ 3G có chất lượng tốt với giá thành hợp lý.

Thế nhưng, đến nay các dịch vụ 3G của các nhà mạng nói trên cũng chỉ là những dịch vụ giải trí thuần túy. Điểm qua dịch vụ 3G sẽ thấy có các dịch vụ cơ bản sau: Video call, thay vì gọi điện giọng nói thông thường, trên màn hình di động sẽ hiển thị hình ảnh video của người gọi. Cả MobiFone, Vinaphone và Viettel đều đưa ra gói dịch vụ này. Kế đến là Internet Mobil, người sử dụng ĐTDĐ 3G có thể truy cập vào 3G, đọc báo, xem video từ Internet, tải ảnh, video cũng như gửi nhận mail. Xa xỉ hơn là Mobile TV: Dựa vào kết nối dữ liệu, người dùng có thể truy cập vào trang web, xem các kênh truyền hình. Bên cạnh đó, Mobile TV còn cung cấp các nội dung theo yêu cầu như xem video, phim, nhạc...

Vậy hiện nay, với thiết bị đầu cuối là iPhone và trên nền ứng dụng của mạng 3G, các nhà mạng cũng chỉ có những dịch vụ giá trị gia tăng phục vụ cho một số nhỏ người tiêu dùng, là những dịch vụ giải trí có phần xa xỉ. Như Mobile TV thì rất hiếm người dùng vì với màn hình chiếc điện thoại di động thì xem tivi như một cực hình, còn Video call thì cũng chẳng mấy ai sử dụng vì đòi hỏi cả hai người đều cùng xài mạng 3G cũng như thiết bị đầu cuối tương ứng. Vậy qua một năm triển khai ứng dụng 3G, các dịch vụ cũng chỉ phục vụ một nhóm người thành thị có điều kiện. Vậy có nên quyết định mua cái iPhone với giá trị bằng một căn nhà tình thương, rồi hàng tháng trả thêm những dịch vụ bằng cả tháng lương công nhân là câu hỏi nên suy nghĩ, nhất là khi sản phẩm công nghệ đang thay đổi từng ngày.

Theo Vnexpress

Ngày đầu Viettel bán iPhone nhưng lượng người mua thưa thớt