Giở lại bài học “giá cao không còn gạo xuất”

19/Thg6/2006 15:51:08

Theo Hiệp hội lương thực, từ tháng 6 đến tháng 8/2006 các doanh nghiệp tập trung thu mua gạo để giao 400.000 tấn gạo theo hợp đồng đã ký với Philippines. Các doanh nghiệp cũng cho biết, giá gạo xuất khẩu hiện nay tăng 20% so với cách đây 2 tháng. Hiện tại, gạo trắng 5% tấm giá 260-270 USD/tấn, gạo 25% tấm giá 250-255 USD/tấn.

Sau những tháng rớt giá “âm thầm”, thị trường gạo xuất khẩu đang sôi động trở lại, và nóng lên khi Việt Nam trúng thầu 50.000 tấn gạo 5% tấm bán cho Iraq với giá lên tới 270 USD/tấn (FOB), cao hơn 12 USD/tấn so với các doanh nghiệp đang xuất khẩu. Nhiều chuyên gia nhận định, sắp tới có khả năng Iraq sẽ yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp nốt 150.000 tấn gạo còn lại của gói thầu, do giá gạo 5% tấm của Việt Nam thấp hơn của Thái Lan 32 USD/tấn. Nhiều nhà nhập khẩu gạo của châu Phi, Iran sau một thời gian chuyển qua mua gạo của Pakistan đã quay trở lại mua gạo Việt Nam vì giá gạo trắng của Việt Nam cạnh tranh hơn.

Giá gạo xuất khẩu tăng làm cho giá lúa gạo trong nước cũng tăng theo. Trung tuần tháng 5 giới thương lái An Giang, Đồng Tháp mua lúa dài tại ruộng với giá 2.420 - 2.500đ/kg; lúa thơm loại tốt 2.600 - 2.700 đ/kg, tăng 150-200 đ/kg, giá lúa đông xuân loại tốt 2.550 - 2.600 đ/kg, tăng 400 - 500đ/kg so với tháng trước, nhưng hiện nay lúa đông xuân trong dân đã cạn nguồn, lúa hè thu đang thu hoạch.

Theo bà con nông dân ở Tân Thạnh, Thạnh Hưng (Long An); Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Phong Điền, Thốt Nốt (Cần Thơ); Tháp Mười, Lai Vung (Đồng Tháp) năng suất vụ này không cao, khoảng 3 - 4 tấn/ha, với mức giá 2.300-2.400 đ/kg lúa nông dân lời không được bao nhiêu hoặc cầm hoà, vì năm nay giá xăng dầu phân bón, thuốc trừ sâu, công lao động... mọi chi phí đều tăng.

Giá gạo xuất khẩu tăng cao khiến các doanh nghiệp kẻ cười, người khóc. Kẻ cười là những doanh nghiệp có vốn, biết lo xa hoàn thành sớm hợp đồng xuất khẩu đã ký khi lúa gạo chưa kịp tăng giá. Kẻ khóc là những doanh nghiệp “đã lỡ ký hợp đồng với giá thấp” việc thanh lý hợp đồng lai rai đến tận giờ chưa xong.

Các hợp đồng xuất khẩu hồi đầu năm, giá ký thấp, nhưng khách hàng mở L/C thời hạn dài. Giờ khách hàng cười, chủ hàng khóc. Trong tháng 1, 2/2006 giá gạo xuất khẩu Việt Nam đạt mức 258-260 USD/tấn; nhưng từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5 giá gạo rớt xuống chỉ còn 240-245 USD/tấn. Tính riêng gạo 5% tấm so với sản phẩm cùng loại của Thái Lan, giá bán của Việt Nam thấp hơn 60 USD/tấn. Mức chênh lệch quá lớn. Mỗi tháng Việt Nam xuất khẩu khoảng 400.000 tấn gạo loại trung bình, nếu giảm 20 USD/tấn số tiền thua thiệt không nhỏ.

Theo một cán bộ của Hiệp hội lương thực, trong tháng 3 và 4 vừa qua giá gạo Việt Nam liên tục giảm, trong đó gạo 5% tấm giảm giá thấp nhất chỉ còn 232 USD/tấn. Thế nhưng, doanh nghiệp lại đua nhau ký hợp đồng. Vì sao lại có sự “trái khoáy” như vậy?

Một doanh nghiệp trả lời: “Đây là giải pháp tình thế, ký hợp đồng mới có điều kiện vay vốn ngân hàng!”. Giám đốc một doanh nghiệp khác thừa nhận: “Các doanh nghiệp có lường trước được là giá gạo xuất khẩu sẽ tăng, nhưng không ngờ giá gạo lại tăng cao đến thế”(!) Có lẽ, đây là lý do chính để các doanh nghiệp đua nhau ký hợp đồng xuất khẩu khi giá cả bất lợi nhất.

Bài học này không mới. Gần nhất là vào năm 2005, vì thiếu tính dự báo, không nắm vững giá cả thị trường thế giới nên nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ nặng, có doanh nghiệp bị lỗ tới 10 tỷ đồng. Theo tính toán của một chuyên gia lúa gạo, với giá lúa ở mức 2.500 đ/kg, giá thành gạo xuất khẩu hiện đã vượt mức giá doanh nghiệp đã ký hợp đồng trước đây, với gạo 5% tấm cao hơn khoảng 20 USD/tấn, gạo 25% tấm cao hơn khoảng 12 USD/tấn. Những trường hợp này thường rơi vào các doanh nghiệp quốc doanh, “học phí” thương trường quá đắt, nhưng đã có Nhà nước chịu (?).

Tất nhiên, nhà nông cũng chịu hậu quả nặng nề. Doanh nghiệp “lỡ nhịp”, nhà nông “chịu đòn”. Do hợp đồng xuất khẩu gạo giá thấp nên giá lúa đông xuân trong 2 tháng 3, 4/2006 bị kìm hãm ở mức 2.100 - 2.200 đ/kg, rơi vào thời điểm nhà nông cần bán lúa để trang trải nợ nần mua bán vật tư, trả ngân hàng...

Huyện Long Mỹ (Hậu Giang) có 30 nhà máy xay xát gạo tập trung quanh khu vực thị trấn để chế biến cung cấp hàng cho các doanh nghiệp xuất khẩu và gạo bán chợ. Bốn tháng đầu năm nay chỉ hoạt động dè chừng, rồi có đến 6/30 nhà máy phải tạm nghỉ vì làm ăn không suôn sẻ. Đến cuối tháng 5, giá lúa tăng, một khối lượng lúa gạo không nhỏ đã ra đi, đồng tiền sinh lợi tuột khỏi tay nhà nông.

Do thiếu tính dự báo giá cả, thị trường doanh nghiệp thua thiệt 1, nhà nông thua thiệt 10. Phía trước là WTO, liệu bài học đắt giá này có lặp lại?