Giảm thiệt thòi cho học sinh miền núi

25/Thg5/2006 22:20:55

Những ngôi trường tạm bợ

Hơn một năm về trước, học sinh tiểu học của điểm trường lẻ làng Kon Teo, xã Ðác Pxi, huyện Ðác Hà (Kon Tum) phải chen chúc nhau học trong hai phòng học tạm dựng bằng tranh tre, nứa lá. Những phòng học này được thầy, trò và phụ huynh học sinh ở làng Kon Teo xây dựng lên bằng tất cả mọi cố gắng của họ theo kiểu tự cung tự cấp, bởi học sinh tiểu học ở làng muốn đi học trường chính phải đến Trường tiểu học Ðác Pxi ở trung tâm xã, cách xa làng hơn 10 km đường rừng.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Lan, người đã bốn năm cắm chốt ở làng Kon Teo cho biết: "Mùa nắng còn đỡ, chứ mùa mưa thì học sinh không thể ngồi học trong lớp  yên ổn được. Cứ mưa gió lớn là cô và trò phải cấp tốc sơ tán xuống các nhà dân nếu không ướt hết sách, vở, áo quần. Nhiều hôm  vượt hơn 20 km đường từ nhà đến lớp thì gặp mưa to, học sinh không đến lớp được lại lóp ngóp quay xe về".

Ðiểm trường Kon Teo còn là nơi theo học của học sinh tiểu học các làng lân cận với số lượng học sinh khá nhiều, nhưng do cơ sở vật chất quá kém nên lâu nay không thu hút được trẻ ra lớp đúng độ tuổi.

Thầy giáo Hồ Quang Liên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ðác Pxi than phiền: "Ðác Pxi là xã thuộc loại xa nhất của huyện Ðác Hà, địa bàn lại rộng, nên các điểm trường lẻ nhiều. Ngay cả cơ sở vật chất của trường chính còn thiếu thốn trăm bề  huống gì là các điểm trường lẻ. Thầy và trò tại các điểm trường lẻ đều phải dạy và học trong điều kiện mưa tạt, gió lùa nên các yêu cầu tối thiểu về cả chất lượng giáo dục và số lượng học sinh  ra lớp cũng không thể đáp ứng.

Không riêng gì Ðác Pxi, huyện Ðác Hà có tới 50 điểm trường lẻ với hàng nghìn học sinh tiểu học theo học trong điều kiện thiếu thốn như vậy. Theo thống kê của ngành giáo dục Kon Tum, tỉnh có 127 trường tiểu học với 368 điểm trường lẻ, mỗi điểm trường có từ hai  đến năm phòng học; 95% số học sinh tiểu học theo học tại các điểm trường lẻ này là học sinh các dân tộc thiểu số. Ðiều đáng nói khác, các huyện càng khó khăn thì điểm trường lẻ càng nhiều, huyện Ðác Glei có 60 điểm, huyện Kon Plong có 63 điểm, huyện Tu Mơ Rông có 43 điểm...

Những chuyển động tích cực

Dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (PEDC) bắt đầu được triển khai thực hiện tại Kon Tum năm 2004 với 8/9 huyện, thị xã của tỉnh được hưởng lợi. Tại tám huyện được hưởng lợi từ PEDC có 94 trường tiểu học với 327 điểm trường lẻ và hơn 40% số điểm trường được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn của dự án. Mục tiêu của PEDC là cải thiện cơ hội tiếp cận nền giáo dục có chất lượng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, xóa dần khoảng cách giáo dục giữa các vùng, miền, vì vậy điều mà PEDC nhắm đến trước tiên là cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp.

Chỉ tính từ năm 2004 đến 2006, PEDC đầu tư cho Kon Tum hơn 31 tỷ đồng để xây dựng 89 điểm trường với đầy đủ lớp học có  đường xe lăn cho trẻ khuyết tật, phòng giáo viên, hệ thống cung cấp nước sạch, nhà vệ sinh và các trang thiết bị, dùng phục vụ cho việc dạy và học.

Năm 2004, PEDC đầu tư hơn 7,2 tỷ đồng để xây dựng 49   phòng học, 16 phòng làm việc của giáo viên, 16 công trình vệ sinh và giếng nước tại 16 điểm trường học của hai huyện: Ðác Hà và Ngọc Hồi. Năm 2005, đầu tư gần 3,4 tỷ đồng xây dựng hoàn thiện tiếp 24 phòng học, tám phòng giáo viên, tám hệ thống cung cấp nước, nhà vệ sinh cho tám trường lẻ tại hai huyện Ðác Tô và Tu Mơ Rông. Năm 2006, ban điều hành PEDC tỉnh Kon Tum đang triển khai xây dựng 65 điểm trường lẻ thuộc bốn huyện Ðác Glei, Kon Rẫy, Ðác Hà và Sa Thầy với tổng vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng.

Trở lại điểm trường lẻ Kon Teo một ngày gần đây, những phòng học xiêu vẹo  bằng tranh, tre, nứa, lá trước đây được thay thế bằng bốn phòng học khang trang, thơm mùi sơn mới, với đầy đủ các trang thiết bị   khá hiện đại phục vụ việc dạy và học.

Thầy giáo Hồ Quang Liêm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ðác Pxi phấn khởi thông báo: "Sau khi các điểm trường lẻ được xây dựng mới và đưa vào sử dụng, việc huy động học sinh ra lớp được cải thiện rõ rệt. Nếu như trước đây trời mưa học sinh thường nghỉ học, thì nay tình trạng này không còn, chất lượng giáo dục được nâng cao hơn hẳn, các giáo viên được phân công cắm làng cũng chuyên tâm vào việc dạy học hơn".

Ông Bleng, thôn trưởng thôn Kon Teo cho biết: Sau khi có trường học mới, trẻ em thôn của ông chăm học hơn trước nhiều. Người dân Kon Teo cũng có ý thức tự bảo vệ các tài sản của nhà trường, vì những tài sản đó là để phục vụ chính con em họ.

Cậu bé A Ðanh, học lớp 3 thì hào hứng: "Phòng học có điện, quạt mát lắm. Ðến lớp được học vẽ có bút mầu, học hát có đàn... cho nên mình muốn đi học".

Không chỉ cải thiện cơ sở vật chất, trường lớp, PEDC còn góp phần nâng cao năng lực dạy học của giáo viên. Ðến nay, tỉnh Kon Tum tổ chức 12 lớp tập huấn, nâng cao năng lực dạy cho hàng trăm giáo viên vùng khó khăn. Cô giáo Hoàng Thị Minh, giáo viên tiểu học tại điểm trường Ðác Lấp, xã Ðác Pxi, huyện Ðác Hà cho biết: "Các lớp  tập huấn trong chương trình dự án giúp tôi cập nhật thêm nhiều kiến thức mới, đồng thời vận dụng tốt hơn các kiến thức đã học".

Ngay sau khi được tập huấn các kỹ năng về dạy học, cô Minh áp dụng các kỹ năng này vào phương pháp giảng dạy như: cho học sinh dân tộc thiểu số tự tin phát biểu hơn. Các kiến thức về dạy học bằng tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, dạy lớp ghép hai trình độ, được hoàn thiện, cho nên chất lượng giảng dạy nâng lên rõ rệt.

Cô Minh cho biết thêm: "Dạy theo phương pháp mới tuy giáo viên mệt hơn, nhưng chất lượng học tập của học sinh nâng lên rõ rệt. Giáo viên cũng hăng say, nhiệt tình với công tác giảng dạy hơn. Ban điều hành PEDC tỉnh Kon Tum cũng mở các lớp tập huấn về sự tham gia của cộng đồng và giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật. Thành lập 421 ban đại diện cha mẹ học sinh, được đánh giá là  hoạt động có hiệu quả.

So sánh đơn giản, kinh phí của 89 điểm trường lẻ đã và đang được đầu tư xây dựng   tại Kon Tum theo PEDC tương đương xây mới được vài ngôi trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Nhưng, hiệu quả xã hội của các điểm trường lẻ này mang lại vô cùng lớn, bởi nó mang đến những    niềm vui, sự kỳ vọng lớn lao cho học sinh ở các vùng khó khăn.

Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo, Trưởng ban điều hành PEDC tỉnh Kon Tum Nguyễn Sỹ Thư đánh giá: Dự án này đã góp phần rất lớn trong việc giúp giáo dục Kon Tum xóa khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền trong tỉnh. Từ đó cải thiện chất lượng  một cách quyết liệt đối với chất lượng giáo dục  vùng khó khăn.

VIỆT DŨNG