Dùng “cầu ngoại” để vực thị trường chứng khoán

09/Thg8/2006 11:38:26

 

Quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn quá nhỏ so với nhu cầu giải ngân của các tổ chức đầu tư nước ngoài

Tại cuộc họp mới đây của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ủy ban cho biết sẽ kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ sớm có quy định mới về tham gia của bên nước ngoài thay thế Quyết định 238/TTg để tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hơn vào thị trường và nâng đỡ cầu chứng khoán.

Bên cạnh đó, Ủy ban cũng sẽ xem xét trình Bộ Tài chính sửa đổi, đơn giản hoá quy định về thủ tục tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong việc cấp mã số giao dịch. 

Gần đây nhất, ngày 3/8, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (Vafi) cũng kiến nghị một giải pháp “cấp kỳ” là sửa đổi tạm thời Quyết định 238/2005/QĐ-TTg ngày 29/9/2005 của Chính phủ theo hướng cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu tối đa 100% tổng số cổ phiếu niêm yết đối với những công ty không nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Thực tế khối nhà đầu tư nước ngoài là một lực lượng hết sức quan trọng của thị trường, không chỉ với nguồn tài chính lớn mà còn là những nhà đầu tư chuyên nghiệp đầu tư dài hạn. Trong quá trình phát triển 6 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài luôn đóng vai trò là động lực của những chu kỳ tăng trưởng tích cực. Điển hình là các chu kỳ tăng trưởng đi kèm với các quyết định tăng tỷ lệ sở hữu của khối này từ 20% lên 30% và từ 30% lên 49%.

Chu kỳ thị trường bùng phát hồi tháng 2/2006 vừa qua có nguyên nhân chủ yếu là sự tham gia quá “sốt sắng” của nhà đầu tư cá nhân trong nước khiến sức cầu tăng vọt trong khi nguồn cung có hạn. Việc tranh mua của nhóm nhà đầu tư này đã đẩy giá cổ phiếu lên cao một cách vô lý. Giá rất nhiều cổ phiếu của các đơn vị làm ăn kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ cũng tăng vọt với tỷ lệ P/E lên tới trên 100 lần. Thị trường càng nóng càng hấp dẫn một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư mới nhảy vào thị trường đầu tư theo kiểu “đánh quả” và hậu quả là chu kỳ điều chỉnh sâu, kéo dài từ đầu tháng 5 đến nay với mức giảm VN-Index khoảng 32%.

Thị trường chứng khoán là một thị trường giao dịch cao cấp và tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu cao trong tay những nhà đầu tư chuyên nghiệp (trong và ngoài nước) là yếu tố cần thiết để giữ cho thị trường phát triển ổn định. Các nhà đầu tư cá nhân thường bị chi phối bởi tâm lý bầy đàn và mua bán theo cảm tính, ít bỏ công sức nghiên cứu về công ty niêm yết, tranh mua khi giá lên và tranh bán khi giá xuống. Biểu hiện cụ thể là giá cổ phiếu đồng loạt, liên tục tăng trần khi nhóm này mua vào và đồng loạt giảm sàn khi được bán ra. Mặc dù các giao dịch này chủ yếu là của nhà đầu tư cá nhân nhưng với số lượng đông và nguồn tài chính đáng kể nên tác động không nhỏ tới xu hướng chung của thị trường.

Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, việc tăng mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 100% đối với các doanh nghiệp ngoài danh mục đầu tư có điều kiện là hoàn toàn phù hợp với Luật Đầu tư mới. Hiện tại Bộ Tài chính đang tiến hành soạn thảo  Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế góp vốn, mua cổ phần, mua lại doanh nghiệp Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài nhằm thay thế những văn bản cũ (Quyết định 238, Quyết định 36). Tuy nhiên theo Vafi, thời gian cần thiết để hoàn thiện quy định mới sẽ kéo dài do phải dành lấy ý kiến của nhiều Bộ ngành liên quan. Do vậy giải pháp trước mắt có thể sửa đổi Quy định 238.

Cụ thể, điều 1 của Quyết định 238 hiện cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tối đa 49% tổng số cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch của một tổ chức trên thị trường chứng khoán. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, tỷ lệ này áp dụng với tổng số cổ phiếu phát hành ra công chúng.

Vafi kiến nghị sửa đổi cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tối đa 100% vốn của đơn vị niêm yết, đăng ký giao dịch, trừ những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Danh mục này sẽ do Bộ Tài chính căn cứ vào Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài xây dựng. Đối với doanh nghiệp thuộc Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì vẫn áp dụng tỷ lệ nắm giữ hiện hành.

Theo Vafi, việc sửa đổi này rất đơn giản về thủ tục hành chính và không phải mất nhiều thời gian công sức cho việc soạn thảo nhưng lại có ý nghĩa hết sức quan trọng cho sự phát triển liên tục của thị trường vốn. Vafi cũng ước tính trong khoảng 70 doanh nghiệp đã niêm yết và chuẩn bị niêm yết, đăng ký giao dịch thì chỉ khoảng 5 doanh nghiệp có lĩnh vực kinh doanh chính thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện.