Đưa thông tin tín dụng vào đánh giá thương hiệu

25/Thg8/2006 09:42:20

Một số thương hiệu mạnh Việt Nam năm 2005.

Đồng thời, Ban tổ chức Giải thưởng Thương hiệu mạnh đã mở rộng hợp tác cùng Trung tâm thông tin tín dụng (CIC), đầu mối phân tích, đánh giá và xếp hạng tín dụng doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam, đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước.

GS. Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, Trưởng ban tổ chức, cho biết: “Năm 2005, lần đầu tiên chúng tôi đưa một phương pháp khoa học, được nghiên cứu và xây dựng công phu vào làm căn cứ để đánh giá các thương hiệu. Đó là 7 tiêu chí trụ cột, bao gồm năng lực lãnh đạo, chất lượng, năng lực đổi mới doanh nghiệp, nguồn nhân lực, bảo vệ thương hiệu, tính ổn định và kết quả kinh doanh. Năm nay, sự đánh giá đó sẽ được bổ trợ bằng kết quả phân tích, xếp hạng tín dụng doanh nghiệp của CIC. Đây là sự bổ trợ cần thiết, phản ánh được chiều sâu giá trị của doanh nghiệp”.

Nói một cách hình ảnh, CIC sẽ đóng vai trò là các bác sĩ thăm bệnh doanh nghiệp; kết quả cuối cùng là thứ hạng tín dụng, như là một giấy chứng nhận sức khỏe của thương hiệu để Ban giám khảo chương trình có thêm cơ sở đánh giá. Một thương hiệu mạnh phải đi cùng với một hạng mức tín dụng tốt, nhưng một hạng mức tín dụng tốt không có nghĩa là có được một thương hiệu mạnh. Ở đây cần sự phối hợp với 7 tiêu chí trụ cột nói trên để đi đến kết luận cuối cùng.

Về chức năng, CIC đã được Ngân hàng Nhà nước giao toàn quyền thu thập, phân tích và đưa ra hạng mức tín dụng của các doanh nghiệp trong nước. Về kinh nghiệm, CIC đã có ít nhất 4 năm triển khai thí điểm nghiệp vụ này; là đầu mối đầu tiên gắn liền với khái niệm “xếp hạng tín dụng” tại Việt Nam.

Về khả năng thu thập và phân tích thông tin, CIC hiện đang có trong tay trên 2 triệu hồ sơ doanh nghiệp cùng ngân hàng dữ liệu quy mô lớn của các đối tác nước ngoài. Các phương pháp phân tích, đánh giá và xếp hạng của CIC được đúc kết từ kinh nghiệm và chuẩn mực trên thế giới và có sự định hướng, hỗ trợ từ Ngân hàng Trung ương.

Tiến sĩ Đào Quang Thông, Phó giám đốc CIC, khẳng định: “Kết quả mà CIC cung cấp luôn mang tính chính xác và khách quan cao. Chúng tôi nhận thức được rằng, mỗi kết luận của mình là một yếu tố có tác động đến đối tượng tiếp nhận; đó là những quyết định có hợp tác hay không, có đầu tư hay không, có cho vay vốn hay không đối với những doanh nghiệp mà chúng tôi đánh giá, phân tích về năng lực tín dụng của họ.

Và với Chương trình Thương hiệu mạnh, chúng tôi tin rằng đó sẽ là những cơ sở quan trọng, góp sức với Ban giám khảo để đưa ra những đánh giá khách quan và chính xác về giá trị của các thương hiệu. Chỉ cần khoảng thời gian từ 3 – 5 ngày, chúng tôi sẽ có những thông tin chính xác nhất về doanh nghiệp – thương hiệu mà Ban giám khảo yêu cầu”.

PGS.TS. Nguyễn Đức Thịnh, chuyên gia thương hiệu, thành viên Ban giám khảo Chương trình, cho rằng việc đưa thông tin tín dụng doanh nghiệp vào Chương trình Thương hiệu mạnh 2006 là một nét mới, nhằm hoàn thiện hơn sự đánh giá giá trị của thương hiệu ở các khía cạnh, đặc biệt là về chiều sâu.

Ngay từ đầu tháng 8 này, Ban tổ chức Chương trình Thương hiệu mạnh 2006 và CIC đã bắt đầu xúc tiến một số kế hoạch hợp tác, bước đầu định hình nhóm đối tượng tham gia chương trình để cập nhật số liệu và áp dụng các phương pháp phân tích. Công việc này sẽ tiến hành song song với sự tham gia bình chọn của người tiêu dùng thông qua bạn đọc của Thời báo Kinh tế Việt Nam và website chính thức của Chương trình (www.thuonghieuviet.com.vn).

Trong trường hợp các doanh nghiệp muốn có kết quả đánh giá, xếp hạng riêng về năng lực tín dụng của mình, có thể liên hệ với Ban tổ chức. Dự kiến, trước khi công bố danh sách Thương hiệu mạnh 2006 (vào tháng 3/2007), Ban tổ chức sẽ công bố công khai kết quả xếp hạng tín dụng những doanh nghiệp chủ sở hữu của nhóm những thương hiệu hàng đầu.