Dự án Tăng cường năng lực nghiên cứu “cú hích” cho các PTN trọng điểm

07/Thg3/2012 21:50:26

Dự án Tăng cường năng lực nghiên cứu (TCNLNC) trong các trường đại học, xây dựng một số phòng thí nghiệm (PTN) trọng điểm quốc gia thuộc các trường đại học trọng điểm, trường đầu ngành là một trong những đổi mới đó.

Theo thống kê trong giai đoạn 1994-2000, Bộ GD&ĐT đã đầu tư 20 dự án  TCNLNC cho 13 trường ĐH với tổng kinh phí 34,69 tỷ đồng. Đặc biệt trong giai đoạn 2001-2009, Bộ GD&ĐT đã đầu tư 63 dự án TCNLNC cho 30 trường ĐH, CĐ với tổng kinh phí lên 254 tỷ đồng. Có thể nói, đây là tín hiệu đáng mừng vì nguồn vốn đầu tư TCNLNC cho các trường đã tăng lên nhanh chóng, tạo điều kiện phát huy thế mạnh về đào tạo và NCKH cho các trường.

Các dự án TCNLNC như một “cú hích” cho các nhà nghiên cứu cũng như các đơn vị đào tạo đẩy mạnh hoạt động hiệu quả các PTN. Tuy nhiên, kết quả này chưa thực sự đạt được đúng như mong muốn của dự án. Vậy làm sao để khắc phục, cải thiện tình trạng này để dự án TCNLNC phát huy tác dụng và đạt hiệu quả nhất?

Về thực trạng các PTN trọng điểm trong các trường đại học kỹ thuật, TS.Đinh Văn Thắng (Trường ĐH Mỏ - Địa chất) nhận xét việc thành lập các PTN là một chủ trương đúng đắn. Hiện nay cả nước có 18 PTN đã hoàn thành giai đoạn đầu tư và đang đưa vào sử dụng, tập trung ở 7 lĩnh vực chính: Cơ khí - Điện tử - Tự động hóa; Hóa dầu; CNTT; Công nghệ Sinh học; Công nghệ Vật liệu. Từ kết quả điều tra thăm dò hoạt động của các PTN cho thấy tần suất hoạt động của các thiết bị tại một số PTN trọng điểm quốc gia tương đối thấp, xấp xỉ từ 25-80% với các trang thiết bị thiếu đồng bộ. Do đó kết quả đạt được từ hoạt động nghiên cứu của các PTN trọng điểm đặt tại các trường ĐH và Viện nghiên cứu còn khá khiêm tốn so với tiền đầu tư. Sở dĩ các PTN trọng điểm chưa đạt hiệu quả cao một phần nguyên nhân là do đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu. Chúng ta thiếu cán bộ giỏi trong nghiên cứu, thiếu cán bộ phục vụ và cán bộ kỹ thuật có trình độ đào tạo bài bản để vận hành thiết bị. Đặc biệt số cán bộ cơ hữu tại các PTN hiện nay còn thiếu trầm trọng.

TS.Phạm Xuân Núi (ĐH Mỏ - Địa chất) cho rằng vẫn còn hiện tượng lãng phí trong mua sắm thiết bị, gây tình trạng máy móc thiếu đồng bộ, chưa có quy chế hoạt động chính thức do đó các PTN trọng điểm của Việt Nam có lẽ mới chỉ hoạt động như những trung tâm thiết bị phục vụ nghiên cứu. Và hiện tại các sản phẩm khoa học đang được ứng dụng cụ thể trong nước từ các công trình nghiên cứu từ PTN trọng điểm chưa nhiều, do đó hiệu quả khai thác rất thấp, thậm chí có PTN rất vất vả để duy trì hoạt động.

Khắc phục tình trạng trên, một số đại biểu tham dự tại hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, vận hành các phòng thí nghiệm tăng cường năng lực nghiên cứu trong trường đại học” được tổ chức tại Trường ĐH Mỏ - Địa chất ngày 23/12/2011 vừa qua nhất trí cho rằng việc lập dự án là quan trọng nhất bởi vì sẽ ảnh hưởng đến tính khả thi và hiệu quả của dự án sau này. Bên cạnh đó cần phải có sự thống nhất đồng bộ giữa người sử dụng với thiết bị máy móc, trong dự án phải có người tham gia trực tiếp vào việc mua và vận hành thiết bị, tránh tình trạng thiết bị mua về rồi đắp chiếu bỏ đấy. Đồng thời, muốn dự án vận hành tốt thì nhà trường cần phải có cơ chế, chế tài riêng biệt tạo điều kiện cho cán bộ trẻ hoạt động để họ chuyên tâm vào công việc.

Theo ông Nguyễn Văn Minh (Trung tâm KH&CN Nano - Khoa Vật lý, trường ĐHSP Hà Nội), quá trình xây dựng và triển khai dự án cần chú ý đến việc chuẩn bị đội ngũ và ý tưởng nghiên cứu. Tiếp đó là triển khai lựa chọn thiết bị, máy móc, chuẩn bị diện tích và đào tạo chuyên gia vận hành; tổ chức hoạt động và quản lý thiết bị tốt. Để làm được việc đó thì các cơ quan quản lý nên đánh giá đúng thực trạng trước khi đầu tư, đầu tư có địa chỉ và mạnh dạn đầu tư cho các nhóm tiềm năng. Sau khi đầu tư cần tạo điều kiện về các đề tài để các đơn vị này hoạt động và phát triển, tạo được một không gian thông thoáng cho nhà khoa học.

Xuất phát từ sự bất cập trong quá trình triển khai thực hiện và khai thác trang thiết bị tại cơ sở, PGS.TS.Tạ Ngọc Đôn - Trưởng phòng Thiết bị, Trường ĐHBK Hà Nội đề xuất: cần ưu tiên đầu tư các dự án TCNLNC cho các trường đại học kỹ thuật nói chung  và các trường đại học kỹ thuật trọng điểm nói riêng dựa trên tính đặc thù của các ngành kỹ thuật được đào tạo; nên có kinh phí dành cho việc đào tạo cán bộ vận hành thiết bị và một phần kinh phí chi phí vận hành thiết bị trong khoảng 1-2 năm đầu; phân cấp mạnh hơn cho các trường trong việc mua sắm thiết bị nhằm tăng cường tính chủ động và tính tự chịu trách nhiệm của các trường được phân cấp; xây dựng tiêu chí đánh giá cụ thể hiệu quả đầu tư các dự án TCNLNC; cần xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn việc quản lý và quy trình triển khai các dự án TCNLNC nhằm đạt hiệu quả cao hơn trong thời  gian tới.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư các PTN trọng điểm, cũng theo TS.Đinh Văn Thắng (Trường ĐH Mỏ - Địa chất) cần quan tâm hơn vào yếu tố nhân sự, tăng thêm nguồn kinh phí đầu tư. Ngoài ra cũng cần xét đến việc tận dụng trang thiết bị đầu tư, đồng thời có thể tham khảo, học tập kinh nghiệm của các quốc gia có nền KHCN tiến tiến như Nhật Bản, Mỹ, Anh và các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singarore, đặc biệt là Trung Quốc - một quốc gia rất thành công trong việc xây dựng mô hình PTN trọng điểm.

Các phòng thí nghiệm TCNLNC được đầu tư cho các trường ĐH hiện nay đã đáp ứng được phần nào yêu cầu của các nhà khoa học thực hiện nhiệm vụ NCKH và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển KT-XH và đào tạo nhân lực của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, với những kết quả thu được như hiện nay thì vẫn chưa đáp ứng được những mục tiêu như mong đợi. Do đó, các nhà khoa học tham dự hội thảo đều nhất trí đề nghị các ngành các cấp quan tâm hơn nữa để những trang thiết bị của các phòng thí nghiệm TCNLNC được đầu tư sẽ mang lại hiệu quả hơn và thực sự trở thành “cú hích” cho các PTN trọng điểm hoạt động theo đúng nghĩa của nó.

Thanh Hà

Số 134 (1+2/2012)♦Tạp chí tự động hóa ngày nay