Dệt may Việt Nam không gây trở ngại cho PNTR

14/Thg8/2006 13:44:51

Công ty may 10-một đơn vị đi đầu trong xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ.

Lý do mà hai thượng nghị sĩ trên đưa ra là cần phải hoãn lại để xem xét khả năng sản phẩm dệt may VN nhờ lợi thế WTO mà tràn ngập thị trường Hoa Kỳ, gây khó khăn cho ngành dệt Hoa Kỳ và cũng cần gây sức ép để buộc Chính phủ VN, không trợ cấp cho ngành dệt.

 

Các biện pháp mà họ đưa ra là cần gia hạn quota với sản phẩm dệt may VN xuất khẩu vào Hoa Kỳ, xem xét kỹ các biện pháp chống bán phá giá và lập đoàn kiểm tra việc Chính phủ VN thực hiện việc cam kết chấm dứt trợ cấp ngành dệt may VN.

 

Ông nhận định thế nào về hành động của hai thượng nghị sĩ trên ?

 

Tôi không ngạc nhiên lắm vì hai thượng nghị sĩ đại diện cho 2 bang có nhiều nhà sản xuất dệt là North CarolinaSouth Carolina. Tuy nhiên, những điều mà họ nêu ra là hoàn toàn không đúng với thực chất của ngành dệt may.

 

Trước hết, họ  đã hiểu sai về khả năng cạnh tranh của ngành dệt may VN. Ngành dệt may VN có quy mô chỉ bằng 1/40 ngành dệt may Trung Quốc.

 

Xuất khẩu hàng dệt may VN vào Hoa Kỳ năm 2005 chỉ bằng 1/8  so với Trung Quốc (VN: 2,8 tỉ USD/TQ: 22,5 tỉ USD). Ngành dệt may VN có khả năng cạnh tranh kém hơn Trung Quốc rất nhiều vì hầu hết nguyên phụ liệu đều phải nhập khẩu.

 

Hơn nữa, xuất khẩu ngành dệt may VN sang Hoa Kỳ hiện còn xếp sau rất nhiều nước như Ấn Độ, Mexico, Hồng Kông, Indonesia, Pakistan, mà những nước này không hề bị phía Hoa Kỳ hạn chế bằng quota hoặc các biện pháp khác.

 

Ngoài ra, VN xuất khẩu chủ yếu là mặt hàng may mặc, với thị phần hàng  may mặc VN hiện chỉ chiếm 3,8% tại Hoa Kỳ thì làm sao có thể gây khó khăn cho ngành dệt Hoa Kỳ?

 

Trường hợp Hoa Kỳ yêu cầu kiểm tra trợ cấp nhà nước cho ngành dệt may VN, quan điểm của ông thế nào?

 

Tôi hoan nghênh. Việc kiểm tra sẽ giúp họ thấy rõ một số thông tin mà họ đã đề cập trước đây là sai. Chẳng hạn: Tin Chính phủ VN dành 4 tỉ USD đầu tư vào các công ty dệt may nhà nước, thực chất chỉ là kế hoạch kêu gọi đầu tư từ mọi nguồn vốn, kể cả nguồn vốn FDI, vào ngành dệt may Việt Nam trong 10 năm từ 2001-2010.

 

Vấn đề là, Hoa Kỳ có thể kiểm tra bất cứ lúc nào, nhưng không thể chờ kiểm tra xong rồi mới biểu quyết PNTR như hai thượng nghị sĩ đã đề xuất.

 

Theo ông, tuyên bố của hai thượng nghị sĩ trên sẽ ảnh hưởng đến việc biểu quyết PNTR cho VN trong thời gian tới như thế nào?

 

Theo quy chế hoạt động của Quốc hội Hoa Kỳ, chỉ cần có bất kỳ một nghị sĩ nào đề nghị giữ lại thì đạo luật đó cũng không được đưa ra biểu quyết toàn thể cho đến khi nghị sĩ đó thu lại đề xuất, hoặc được kiến nghị của số lớn tuyệt đối các nghị sĩ khác (khoảng 60 nghị sĩ) cho biểu quyết.

 

Như vậy, cho đến khi Quốc hội Hoa Kỳ nghỉ hè xong mà hai Thượng nghị sĩ Dole và Graham vẫn chưa thu lại đề xuất của họ thì khả năng thực hiện việc biểu quyết PNTR cho VN là hết sức khó khăn.

 

Phản ứng của DN và chính giới Hoa Kỳ như thế nào? Ngành dệt may VN cần làm gì để cải thiện tình hình?

 

Chính phủ Hoa Kỳ đã rất coi trọng và tác động tích cực vào việc phê chuẩn PNTR với VN. Rất nhiều nghị sĩ Quốc hội Hạ viện và Thượng viện đã bày tỏ quan điểm ủng hộ vấn đề này. Còn cộng đồng DN Hoa Kỳ đại bộ phận ủng hộ tích cực.

 

Đến nay đã có trên 150 tập đoàn lớn của Hoa Kỳ tham gia Liên minh ủng hộ VN gia nhập WTO và thực hiện PNTR với VN...

 

Đại diện của Hiệp hội Dệt may VN tại Hoa Kỳ cũng đã và đang tích cực giải thích, cung cấp thông tin để  hai Thượng nghị sĩ Dole và Graham cũng như một số nghị sĩ quốc hội khác hiểu đúng hơn về thực chất ngành dệt may VN.