Đất thoái hoá sinh ra đói nghèo

13/Thg6/2006 22:02:50

Đặc biệt có tới 9,34 triệu ha đất hoang hoá, trong đó có khoảng 7,85 triệu ha chịu tác động mạnh bởi sa mạc hoá, chủ yếu là đất trống, đồi núi trọc bạc màu, đang có nguy cơ bị thoái hoá nghiêm trọng.

Hiện tại trên thế giới đang có khoảng 10-20% diện tích đất khô hạn đã bị suy thoái. Tổng diện tích đất bị ảnh hưởng do quá trình hoang mạc hoá ước tính từ 6-12 triệu km2, lớn hơn so với tổng diện tích đất của Brazil, Canada và Trung Quốc cộng lại. Đất khô hạn đang chiếm tới 43% diện tích đất canh tác của thế giới. Gần 1/3 diện tích đất trồng trọt của thế giới đã bị bỏ hoang trong 40 năm qua do xói mòn không thể sản xuất được.

Tổng diện tích đất bị thoái hoá liên tục tăng theo các năm, đồng nghĩa với sự lớn dần về diện tích của các sa mạc, hoang mạc trên thế giới. Ở Việt Nam, mặc dù đất sa mạc hoá không tập trung và hình thành nên những hoang mạc rộng hàng trăm ngàn ha như ở một số quốc gia trên thế giới nhưng với khoảng 1/3 diện tích đất canh tác đang bị tác động bởi sa mạc hoá cũng đang là vấn đề phức tạp, nan giải.

Đặc trưng tình trạng sa mạc hoá ở Việt Nam phân bố trên khắp đất nước, trong đó chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn, miền núi. Đây là những vùng đất trống, đất cát ven biển và đất rừng nghèo đã và đang bị suy thoái. Tổng diện tích đất đai bị thoái hoá ở Việt Nam hiện nay đã lên tới 9,34 triệu ha, lớn hơn gấp 5 lần so với Nghệ An, tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước.

Trong số 7,85 triệu ha đang chịu tác động sa mạc hoá, thì có tới gần 90% là đất trống, đồi trọc bị thoái hoá mạnh, đất bị đá ong hoá do hậu quả của nạn phá rừng và sử dụng đất không hợp lý kéo dài trong nhiều năm. Số còn lại là những đụn cát và bãi cát di động ở các tỉnh ven biển miền Trung. Đất khô theo mùa hoặc vĩnh viễn ở Nam Trung Bộ như: Bình Thuận, Ninh Thuận, Nam Khánh Hoà. Đất bị xói mòn ở Tây Bắc, Tây Nguyên và đất bị nhiễm mặn, nhiễm phèn ở ĐBSCL - tứ giác Long Xuyên.

Tình trạng đất thoái hóa ở Việt Nam

Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, trong số 400.000 ha đụn cát nằm dọc duyên hải miền Trung thì Ninh Thuận và Bình Thuận là những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất cả nước với hơn 1/3 tổng diện tích đất đai đang bị sa mạc hoá.

Thống kê cho thấy, suy thoái đất, hạn hán đã gây tổn thất cho sản xuất nông nghiệp trên toàn thế giới ước tính khoảng 42 tỷ USD mỗi năm. Nó đang ảnh hưỏng đến 1/3 diện tích đất, đe doạ an ninh lương thực, gây đói nghèo của hơn 1 tỷ người dân của hơn 110 nước trên thế giới. Bên cạnh đó là những căng thẳng về kinh tế - xã hội, chính trị và tạo xung đột khiến người dân càng nghèo khó hơn và đất đai thêm suy thoái. Nguy cơ sẽ có thêm hàng triệu người nghèo buộc phải tìm nơi ở mới để tìm kế sinh nhai do đất hoang mạc hoá tăng.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, do đặc thù của sa mạc hoá nên thực chất chống sa mạc hoá ở Việt Nam là chống phá rừng, chống các hoạt động làm thoái hoá đất và khắc phục hạn hán. Ngoài yếu tố về khí hậu, không ít những vụ hạn hán, sạt lở đất, cát bay...

Ở Việt Nam có nguồn gốc do chặt phá rừng bừa bãi, đốt nương làm rẫy, huỷ hoại môi trường sống. Đây là nguyên nhân cơ bản gây nên tình trạng xâm nhập và gia tăng mạnh mẽ diện tích đất thoái hoá, sa mạc hoá ở Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung.

Do đó, giải pháp được coi là hiệu quả nhất hạn chế sa mạc hoá, cải tạo, không bỏ rơi đất khô cằn ở Việt Nam không gì hơn là tăng độ che phủ của rừng bảo vệ đất theo chỉ tiêu mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra đến năm 2010 sẽ nâng độ che phủ rừng trên toàn quốc lên 43% trên cơ sở tiếp tục trồng mới 5 triệu ha rừng và hệ thống cây phân tán ở vùng nông thôn.

Mặt khác, tăng cường quy hoạch và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, có các biện pháp giảm nhẹ thiên tai, cung cấp nước cho các vùng hạn hán nghiêm trọng, xoá đói giảm nghèo... cũng đang được coi là giải pháp hữu hiệu trong cuộc chiến chống thoái hoá, sa mạc đất.

Tuy nhiên, một khuyến cáo được coi là giải pháp trước mắt, hữu hiệu đã được ông Koos Neefjes, Trưởng phòng Phát triển bền vững - Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam đưa ra là “sống chung với hạn hán”. Theo ông, hạn hán đang là một trong những nguyên nhân chính gây ra sa mạc hoá và sẽ xảy ra thường xuyên hơn và thất thường hơn do hậu quả của biến đổi khí hậu toàn cầu. Điều này có nghĩa là nguy cơ sa mạc hoá đang gia tăng mạnh ở một số vùng của Việt Nam.

Đã đến lúc phải nghĩ đến vấn đề đảm bảo cuộc sống ngay trong điều kiện tài nguyên nước hạn chế và nguy cơ thoái hoá đất trên cơ sở huy động sự tham gia của nông dân và dân cư ở các địa phương có giống cây trồng chịu hạn, bảo vệ đất và sử dụng bền vững tài nguyên nước. Chống xói mòn, ngăn mặn, ngăn phèn, bảo vệ, trồng và phát triển rừng, chống cát di động, quản lý nguồn nước... để chống thoái hoá đất, hạn chế ảnh hưởng của hạn hán ở Việt Nam chỉ thực sự có hiệu quả cao khi được gắn kết chặt với công tác xoá đói, giảm nghèo trong một chương trình quốc gia thống nhất.