Cấp phép đầu tư ngành thép: Rẻ chưa hẳn đã hiệu quả!

25/Thg8/2006 09:39:24

 

Về dài hạn đến 2020, tổng nhu cầu thép dẹt vẫn còn tăng rất lớn và chủ yếu vẫn phải nhập khẩu.

Trong số đó, có những dự án với giá rẻ bất ngờ: suất đầu tư cho một tấn công suất chỉ trên vài trăm USD. Trong khi chỉ số này ở các nước có nền công nghiệp thép phát triển phải từ 700 - 1.000 USD!

Dự báo đến 2010, nhu cầu thép thành phẩm sẽ lên tới 10 triệu tấn/năm, trong đó nhu cầu thép dẹt chiếm khoảng 5 triệu tấn. Trong khi cung ứng trong nước chỉ 1,8 triệu tấn/năm và nhập khẩu lên tới 3,2 triệu tấn/năm. Về dài hạn đến 2020, tổng nhu cầu thép dẹt vẫn còn tăng rất lớn và chủ yếu vẫn phải nhập khẩu. Điều này cho thấy thị trường đang bỏ ngỏ một lổ hổng tiềm năng rất lớn.

“Hội chứng” liên hợp giá rẻ?

Nắm bắt được yếu tố này, rất nhiều dự án FDI đã đề nghị cơ quan hữu quan  cấp phép đầu tư. Có thể kể ra một số ví dụ sau: dự án của tập đoàn Posco (Hàn  Quốc) đầu tư cán nóng và cán nguội có tổng công suất 3 triệu tấn/năm; Công ty S. đầu tư dự án liên hợp luyện kim với công suất 4,5 triệu tấn/năm; Công ty TNHH T. xây dựng khu liên hợp luyện kim tại miền Trung có công suất 5 triệu  tấn thép thô/năm.

Đáng lẽ việc các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt xin cấp phép đầu tư là một tín hiệu đáng mừng cho ngành thép nói riêng và nền kinh tế nói chung. Điều đó phản ánh sự hồi âm tốt từ chính sách mở cửa, tạo bước ngoặt về quy mô công nghiệp cơ bản, mang lại nguồn lợi từ dòng vốn FDI, giải quyết những vấn đề xã hội như thu nhập, việc làm.

Tuy nhiên, khi lật những trang báo cáo nghiên cứu đầu tư, rất nhiều chuyên gia trong ngành thép đã phải giật mình vì sự chào hàng quá rẻ của một số nhà đầu tư.

Vài năm gần đây, Công ty TNHH S. thường xuyên sốt sắng với mỏ sắt TK và nhờ sự hậu thuẫn của các quan chức tỉnh H., công ty này đã tìm được “đường đi riêng” và tạo nên thế đứng khá vững trong việc được lựa chọn làm đối tác liên doanh với một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành thép Việt Nam để đầu tư vào khu mỏ. Do điều kiện của quá trình đàm phán, nếu Công ty S. muốn liên doanh khai thác mỏ thì phải đầu tư 100% vốn vào khu liên hợp liền kề, sử dụng nguồn quặng từ mỏ.

Vì vậy, nhà đầu tư này đã trình bày với các bộ ngành một báo cáo đầu tư hết sức qua loa đại khái và đặc biệt nhấn mạnh đến “yếu tố rẻ” của tổng mức đầu tư cho dự án. Qua tính toán, suất đầu tư/tấn công suất của họ là: 1.900.000.000 USD: 4.500.000 tấn/năm = 420 USD/tấn.

Không chịu “thua chị kém em”, một dự án khác còn rẻ đến... “kinh người”: doanh nghiệp này “rao” chỉ cần bỏ ra hơn 1 tỷ USD, sẽ xây dựng được một liên hợp có công suất 5 triệu tấn/năm. Tính ra, suất đầu tư/tấn công suất chỉ 207 USD. Xin nói thêm, chỉ số này phản ánh mức giá đầu tư vào một dự án rẻ hay đắt, chỉ số càng thấp, dự án càng rẻ và ngược lại.

Đương nhiên, ai chẳng thích rẻ nhưng rẻ quá mức so với lẽ thường là điều không bình thường.

Một chuyên gia đề nghị giấu tên cho biết: “Suất đầu tư cho một tấn công suất của những nhà máy lớn trên thế giới tầm cỡ 4 - 5 triệu tấn/năm (tùy theo công nghệ), bao giờ cũng dao động trong khoảng 700 - 1.000 USD. Việc một số nhà đầu tư “chào hàng” chỉ khoảng vài trăm USD cho một tấn công suất chỉ là sự hoang tưởng.

Còn theo quan điểm của một tập đoàn thép danh tiếng khác của Nhật Bản thì những dự án có công suất 4,5 - 5 triệu tấn/năm thì tổng mức đầu tư phải xấp xỉ 5 tỷ USD.

Chớ thấy rẻ mà ham

So với các cường quốc về thép trên thế giới như Pháp, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam là quốc gia có nền công nghiệp thép mới phát triển. Điều này là một thiệt thòi nhưng đó cũng là cơ hội để Chính phủ sàng lọc, đón đầu lựa chọn những công nghệ hiện đại, đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao và loại bỏ những công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng và ô nhiễm môi trường.

Điều này sẽ rõ nét hơn khi chứng kiến những cuộc “giải phẫu” trong ngành thép của Trung Quốc. Bắt đầu từ 2005, Trung Quốc ban hành “Chính sách phát triển ngành công nghiệp thép” và quy định: trong nội địa, chỉ chấp nhận những lò cao luyện gang có thể tích trên 1.000 m3 và công suất danh nghĩa lò luyện thép tối thiểu đạt 120 tấn/mẻ. Việc xây dựng nhà máy tại khu vực bờ biển, thể tích bên trong lò cao phải từ 3.000 m3 và công suất lò chuyển luyện thép từ 200 tấn/mẻ trở lên.

Trở lại với một số dự án đầu tư vào Việt Nam, hãy xem họ đem những thiết bị gì vào đây. Đối với dự án liên hợp thép TK, trong bản thuyết trình báo cáo nghiên cứu khả thi của mình, nhà đầu tư S. dự định sử dụng 3 lò cao với thể tích 500 m3/lò và 4 lò luyện thép công suất 40 tấn/mẻ. Phân tích các tiêu chí lợi nhuận và bảo vệ môi trường, những công nghệ này đã bị Trung Quốc thải ra bãi rác.

Lý giải vì sao nhà đầu tư S. “chào hàng” dự án liên hợp thép TK. rẻ, đại diện một doanh nghiệp lớn trong ngành thép cho rằng: “Trong báo cáo đầu tư của mình, nhà đầu tư S. lựa chọn suất đầu tư trên cơ sở thiết bị giá rẻ, công nghệ lạc hậu xuất xứ từ một quốc gia láng giềng và có thể đã bị nước này loại bỏ hoặc có chủ trương loại bỏ, kết hợp với giá quặng tại mỏ sắt TK rẻ để đạt hiệu quả kinh tế khả quan cho dự án. Điều này có lợi cho nhà đầu tư nhưng về phía Việt Nam, vẫn chưa có được một nhà máy liên hợp hiện đại như yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa”.

Đối với dự án liên hợp của nhà đầu tư T. tại miền Trung cũng nằm trong tình trạng tương tự. Trong luận chứng kinh tế kỹ thuật, doanh nghiệp này “lờ tịt” tình trạng máy móc, thiết bị sẽ sử dụng trong dây chuyền công nghệ rằng: còn mới 100% hay đã qua sử dụng.

Nên “chọn mặt gửi vàng”

Như vậy, có thể thấy, những dự án có tổng mức đầu tư thấp nhưng công suất lớn chủ  yếu do nhà đầu tư tìm mọi cách giảm các yếu tố đầu vào như: sử dụng công nghệ, thiết bị cũ đã bị nước láng giềng thải loại, sau đó tìm mọi cách “lobby” để được cấp phép.

Với cách này, nhà đầu tư luôn được lợi vì giảm chi phí, giảm  rủi ro, an toàn đồng vốn. Nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, phần thiệt hại luôn thuộc về quốc gia  tiếp nhận dự án.

Bởi lẽ: Thứ nhất, những nơi bán đã tống khứ đi những thiết bị  đã trở thành “của nợ”.

Thứ hai, do sử dụng công nghệ, thiết bị cũ nên lợi nhuận không cao và không  đủ nguồn lực tài chính đầu tư xử lý độc hại chất thải trong quá trình luyện  kim và những chất độc này sẽ hủy hoại môi trường sống con người.

Trên thực  tế, Trung Quốc vốn là một cường quốc về thép nhưng hiện đang nỗ lực kìm chế phát triển nóng đầu tư trong ngành này. Bởi càng đầu tư vào sản xuất bao nhiêu thì môi trường sống càng đối mặt với sự tàn phá bấy nhiêu.

Thứ ba, những thiết bị dạng này còn tiêu tốn nhiên liệu rất lớn và là nguyên nhân phá vỡ sự cân đối năng lượng quốc gia, nhất là những quốc gia đang phát triển thường phải đối mặt với khủng hoảng thiếu năng lượng.

Theo ông Đinh Huy Tam, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam, những lò cao hiện đại có dung tích từ 3.000 m3 trở lên chỉ tiêu hao khoảng 400 kg than cốc cho một tấn gang, trong khi lò cao dung tích từ 400 - 500 m3 tiêu hao tới 800 kg cho một tấn gang.

Để tránh những sai lầm không đáng có, nhiều chuyên gia trong ngành thép hiện đang rất trăn trở trước “hội chứng” dự án luyện kim công suất lớn cùng với tính khả thi của chúng. Theo đó, rất cần thiết phải thẩm định kỹ các dự án tổ hợp luyện kim và sản xuất tấm lá trên các mặt năng lực tài chính của nhà đầu tư, năng lực luyện kim trên “bản đồ” ngành thép thế giới. Đặc biệt, sẽ không thể bỏ qua khâu thẩm định kỹ công nghệ và thiết bị đầu tư.