Cần một động lực mới cho nông nghiệp

14/Thg6/2006 03:37:00

Nhưng hiện nay nông nghiệp đang đứng trước những thách thức mới, khi chuyển từ chỗ có đủ, có dư thừa lương thực, sang nền sản xuất hàng hoá nông nghiệp có chất lượng cao, giá trị kinh tế cao, có sức cạnh tranh mạnh trong khu vực và trên thế giới. Đòi hỏi này càng trở nên cấp bách khi chúng ta sắp sửa gia nhập WTO.

Nhưng hiện nay nông nghiệp đang đứng trước những thách thức mới, khi chuyển từ chỗ có đủ, có dư thừa lương thực, sang nền sản xuất hàng hoá nông nghiệp có chất lượng cao, giá trị kinh tế cao, có sức cạnh tranh mạnh trong khu vực và trên thế giới. Đòi hỏi này càng trở nên cấp bách khi chúng ta sắp sửa gia nhập WTO.

Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của một số nhà nghiên cứu kinh tế nông nghiệp - nông thôn và một số vị lãnh đạo tỉnh có nền sản xuất nông nghiệp giàu truyền thống, kinh nghiệm và đã đạt thành tựu to lớn. Ý kiến có thể khác nhau, song chúng tôi hy vọng sẽ gợi mở được một số vấn đề mang tính vĩ mô. Trên cơ sở đó, mong rằng Đảng và Nhà nước có thể sẽ sớm ban hành một nghị quyết mới về nông nghiệp và nông thôn, tạo ra một động lực mới ngang tầm thời đại.

Lãnh đạo cần đi trước thời cuộc
Ông Nguyễn Công Tạn, nguyên Phó thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Theo tôi, muốn giàu thì phải giảm bớt nông dân vì với gần 60 triệu nông dân mà ai cũng muốn giàu qua nghề nông là khó. Cần giảm xuống dưới 10 triệu nông dân thì đời sống mới lên được. Chúng ta không dám nói điều này, mới quanh quẩn chuyển đổi mà không bàn cách giảm bớt nông dân như thế nào. Quan trọng cấp bách là phải tạo việc làm cho nông dân, chứ không thể chỉ làm công việc nhượng dần đất nông nghiệp. Làm thế là tạo đối lập.

Cùng lúc, phải nhanh chóng phát triển sản xuất và các dịch vụ khác, cũng như xúc tiến nhanh quá trình đô thị hoá nông thôn. Đưa công nghiệp về nông thôn là một trong những biện pháp cần thiết, cần làm. Có tài liệu nói, cứ tạo ra 1 thị dân thì tạo được vài ba việc làm cho nông dân.

Như vậy, Việt Nam nếu có trên 50% dân sống ở đô thị, sẽ giải quyết được nhiều việc làm cho nông dân. Ví dụ, nên trở lại các đơn vị huyện có từ lâu đời, thậm chí chia nhỏ huyện ra, để tạo thêm nhiều thị trấn huyện, từ đó thêm nhiều thị tứ xã. Thế là khắp nơi có đô thị, sẽ thu hút công nghiệp, dịch vụ, thu hút bộ phận nông dân đáng kể vào đây, nông thôn sẽ nhẹ hẳn đi.

Khi công nghiệp phục vụ nông thôn, dịch vụ phục vụ nông thôn, cùng với chính sách đô thị hoá, tất yếu sẽ hút dân thành phố về, nhiều chợ sẽ tạo ra thị trường nông thôn, tất yếu trình độ tri thức của nông thôn cũng tăng lên. Làm sao chỉ còn ít nông dân mà vẫn còn diện tích ấy, thì mới tích tụ ruộng đất được.

Cơ giới hoá và hạ giá thành là quy luật của cả thế giới. Muốn vậy, phải thay đổi tư duy, để tập trung đất vào những người làm ăn giỏi, số còn lại làm việc khác. Có tích tụ ruộng đất mới chuyên môn hoá được sản xuất. Nhưng cần phải thống nhất ý kiến mới có thể tháo gỡ được vấn đề này, mấu chốt là phải sửa bỏ quyền làm chủ, quyền thừa kế, quyền tự do chuyển nhượng trong Luật đất đai. Ai không làm nông nghiệp phải nhượng đất lại cho người làm nông nghiệp, hoặc bán lại cho Nhà nước.

Kinh tế trang trại là đường đi tất yếu, nhưng không nên tham to hàng trăm, hàng nghìn hécta. Bởi vì quy mô đất trang trại cần phù hợp với trình độ lao động và trình độ cơ giới hoá, trình độ quản lý. Không nên khuyến khích các doanh nghiệp thuê nhân công để mở rộng đất đai, vì rất khó và không thể kiểm tra được lao động làm việc, cũng như việc thực hiện kỹ thuật nông nghiệp. Cũng nên hiểu không chỉ có nông nghiệp có người làm để bán hàng hoá, mà còn có nông nghiệp sinh thái đón khách đến du lịch, hoặc kết hợp bán sản phẩm với đi chơi núi rừng, đồng ruộng, vườn tược...

Nông nghiệp khó đi lên, nhưng cũng khó tàn lụi, thường khi vào đường cùng lại tìm được đường ra. Nhưng không vì thế mà chậm ra chính sách, mà hoạt động không khẩn trương, không quyết lịêt. Nông dân bế tắc đã “khoán chui”, đã “xé rào” thì mới có chỉ thị 100 (1981), mới có nghị quyết 10 (1988). Hiện nay cũng vậy, không bao giờ nông nghiệp bị bại, nhưng sống như thế này thì vẫn còn nghèo túng.

Đã đến lúc lãnh đạo cần đi trước thời cuộc. Bài học về nền nông nghiệp Nhật Bản, dù có công nghệ cao nhất thế giới, có sức cạnh tranh lớn, nhưng đang mất dần sức sống, vì Nhật Bản đã có những khuyết tật, những sai phạm về thể chế quản lý nông dân. Việt Nam cần tránh rơi vào những khuyết tật như vậy, bằng cách trước mắt nên có chủ trương từng bước mở rộng quy mô ruộng đất và kinh tế trang trại.

Khai thác nhân lực là vấn đề cốt lõi
Ông Bùi Tiến Dũng, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình

Nghị quyết 10 tạo ra được sự đột phá về năng suất, sản lượng nông sản tăng nhanh, nhất là sản lượng lúa. Nhưng nếu chỉ dừng lại quy mô sử dụng đất cho 1 hộ là 5,41 sào Bắc Bộ (1.950m2) như hiện nay, thì không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường.

Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp cũng như nhiều nông hộ mong muốn có được những vùng sản xuất nguyên liệu trung ổn định lâu dài, song đang gặp rất nhiều khó khăn về dồn đổi, chuyển nhượng đất nông nghiệp.

Cần có chế tài về gắn quyền lợi sử dụng đất với nghĩa vụ và trách nhiệm sử dụng đất để sản xuất hàng hoá đạt hiệu quả cao. Không thể giao quyền sử dụng mà để lãng phí đất đai. Nhà nước không chỉ quản lý việc sử dụng mặt bằng đất, mà còn quản lý cả hiệu quả sử dụng đất. Nông hộ không thể hoàn toàn “tự suy nghĩ” trên mảnh đất của mình, mà sử dụng đất không đạt được hiệu quả sản xuất hàng hoá, không theo mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương.

Quyền sử dụng đất của nông dân phải được tập trung theo vùng và ô thửa quy hoạch. Những hộ nông dân trực tiếp sản xuất thì dồn, đổi ruộng cho nhau hoặc hợp tác nhiều hộ vào 1 vùng để sản xuất cùng 1 sản phẩm, những hộ nông dân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, chuyển sang làm các nghề khác hoặc không có sức lao động thì góp ruộng, cho một hộ, cho thuê. Hình thành các doanh nghiệp nông nghiệp loại nhỏ khai thác đất nông nghiệp nhằm gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất - chế biến và thị trường tiêu thụ và có điều kiện áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển nông nghiệp sang sản xuất hàng hoá gắn với cơ giới hoá, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi phương thức đất đai nông nghiệp để sản xuất hàng hoá sẽ liên quan và phát sinh nhiều vấn đề ở xã hội nông thôn, nhất là vấn đề phân công lại lao động, sử dụng lao động nông thôn. Cần có sự nghiên cứu toàn diện. Khai thác tài nguyên nhân lực là cốt lõi phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tiềm năng lao động nông thôn rất lớn và chưa khai thác hết, nhưng đó cũng là áp lực lớn về giải quyết việc làm. Lực lượng lao động toàn tỉnh là 1.072.300 người, tỷ lệ tăng bình quân năm là 2,94%, tương đương với số tăng lao động là 31.560 người/năm, trong đó lực lượng lao động nông thôn chiếm 93,3% (924,300 người).

Ở Thái Bình, trình độ lao động và dân trí cũng ở mức cao so với khu vực. Theo điều tra, số người thiếu việc làm ở khu vực nông thôn là 21% và chiếm 96% tổng số lao động thiếu việc làm toàn tỉnh.

Theo tính toán thì 1 lao động trồng lúa thuần tuý chỉ cho thu nhập được 100.000 đồng/tháng, 1 lao động làm muối thì thu nhập được 50.000 đồng/tháng.

Trong khi đó, ở các làng nghề bình quân thu nhập 1 lao động đạt từ 300.000- 400.000 đồng/tháng. Từ đó lao động nông nghiệp đang có xu thế giảm dần, năm 2000 là 64,44%, 2002 là 60,02%, 2004 là 55,76%. Lao động dịch vụ làng nghề và lao động đi làm xa có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế nông thôn.

Đến năm 2005 Thái Bình có 188 làng nghề, tất cả các xã đều có nghề, thu nhập của lao động làm nghề gấp 3-4 lần sản xuất trồng trọt, lao động ở làng nghề là 150.000 người, chiếm 32,56% lao động nông nghiệp. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 sẽ phát triển mỗi xã có ít nhất 1 làng nghề (300 làng nghề), thu hút 220.000 lao động bằng 22% lao động nông thôn.

Tỷ lệ lao động làm dịch vụ và đi làm xa năm 2000 là 7,6% và 12,57%, tương ứng năm 2004 là 9,3% và 16,78%. Đặc biệt số lao động đi làm xa tăng nhanh đáng kể, năm 2004 so với năm 2000 tăng là 50,49% và thu hút nhiều lao động trẻ khoẻ.

Cần có cơ chế chính sách cơ bản huy động vốn và các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng thúc đẩy nông nghiệp hàng hoá và đổi mới nông thôn. Thái Bình muốn đạt được tốc độ tăng GDP là 12,5%/năm, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm tới là 30.900 tỷ đ. Đề nghị Chính phủ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp - nông thôn đủ mức và đồng bộ, nhất là ưu tiên đầu tư nâng cấp hệ thống thuỷ lợi, giao thông nông thôn, kiến thiết đồng ruộng, cơ sở kỹ thuật nông nghiệp (trung tâm sản xuất giống, hệ thống kỹ thuật thú y, bảo vệ thực vật) và phòng chống ô nhiễm môi trường. Đề nghị sớm xây dựng dự án đường cao tốc ven biển giúp cho các tỉnh trong khu vực phát triển nhanh kinh tế - xã hội. Chính phủ nên có chính sách đặc thù đối với vùng sản xuất lúa để đảm bảo ANLT quốc gia, ưu đãi cho các nhà đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn, đa dạng hình thức tổ chức các hợp tác xã trong nông nghiệp.

Đẩy mạnh sản xuất hàng hoá nông nghiệp
Ông Nguyễn Thế Trung, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An

Những thành tựu trong sản xuất nông nghiệp của nước ta thời gian qua là đáng trân trọng, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế cần phải khắc phục.

Công tác quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều điều bất cập. Việc quy hoạch không đảm bảo cơ sở khoa học, thiếu tính sáng tạo, không đồng bộ, không đáp ứng được xu thế phát triển, phổ biến ở nhiều cấp, nhiều ngành. Điều này cũng được thể hiện rõ ở Nghệ An đối với các cây công nghiệp dài ngày và cây nguyên liệu, như cà phê, cao su, cam, mía, dứa...

Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ sản xuất nông nghiệp vừa thấp, vừa thiếu đồng bộ, không đáp ứng yêu cầu của sản xuất. Điều đó đã làm cho giá thành của sản phẩm quá cao, không có tính cạnh tranh. Sản xuất chưa thật sự gắn liền với chế biến và thị trường tiêu thụ; phổ biến với nhiều vùng nông thôn của nước ta, đặc biệt là ở vùng núi và vùng xa các trung tâm kinh tế như Nghệ An.

Để sản xuất hàng hoá nông nghiệp ở nước ta phát triển, theo tôi, cùng với việc rà soát và quy hoạch lại sản xuất, cần tập trung đầu tư một cách đồng bộ để đảm bảo thực hiện quy hoạch đạt hiệu quả cao. Từng ngành, từng địa phương phải coi đây là nhiệm vụ tiên quyết; việc bố trí quy hoạch phải đảm bảo khoa học và đồng bộ. Phải nghiên cứu kỹ thị trường và điều kiện cụ thể của địa phương để xác định cây, con cho phù hợp. Khi đã xác định được cây, con để đầu tư, phải quy hoạch rõ quy mô vùng sản xuất - cơ sở chế biến cơ sở phục vụ cho sản xuất (nước tưới, điện, giao thông...).

Đến năm 2010, Nghệ An phấn đấu có: vùng nguyên liệu mía từ 26.000-27.000 ha tại các huyện: Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Anh Sơn, Quỳnh Lưu, với sản lượng trên 1,6 triệu tấn mía cây/năm; cùng nguyên liệu chè từ 12.000-13.000 ha chủ yếu tại các huyện: Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Kỳ Sơn; cùng nguyên liệu dứa 10.000 ha tại các huyện: Quỳnh Lưu, Yên Thành, Tân Kỳ và Nghĩa Đàn; vùng nguyên liệu sắn 6.000-7.000 ha để đáp ứng đủ nguyên liệu cho 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn tại Yên Thành và Thanh Chương; 3.000 ha cam tập trung, 3.000 ha cà phê chè và 6.000-7.000 ha cao su chủ yếu ở vùng Phủ Quỳ; tập trung phát triển vùng nguyên liệu gỗ, giấy tại các vùng trung du miền núi bằng các giống có năng suất cao.

Vận động nông dân chuyển nhượng ruộng đất: tạo cho những hộ có điều kiện sản xuất tích tụ thêm ruộng đất để có quy mô sản xuất lớn hơn theo hướng sản xuất các sản phẩm hàng hoá quy mô trang trại. Khuyến khích nông dân góp quyền sử dụng đất và lao động của mình hợp tác với doanh nghiệp, hợp tác xã để phát triển hàng hoá, ổn định và cải thiện đời sống. Tạo điều kiện thuận lợi đê giúp nông dân chuyển sang làm ngành nghề và dịch vụ.

Thực hiện phương châm “ly nông, bất ly hương”, tạo ra nhiều doanh nghiệp ở nông thôn nhằm thu hút nhiều lao động. Nghệ An phấn đấu đến 2010 giảm lao động trong nông nghiệp xuống còn 50%.

ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt quan tâm đến việc chuyển giao các giống cây, con có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất. Để đảm bảo các sản phẩm nông sản hàng hoá phát triển bền vững, người nông dân rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước kể cả về kỹ thuật và vốn đầu tư, đồng thời các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực sản xuất nông nghiệp cũng rất cần chính sách ưu tiên của Nhà nước, vì khó khăn và rủi ro trong sản xuất nông nghiệp khá lớn.

Thực hiện tốt liên kết 4 “Nhà” (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông). Hiện nay các “Nhà” đều chưa làm hết trách nhiệm của mình. Thời gian tới vấn đề này cần được quan tâm hơn, tuy nhiên quan trọng nhất trong sản xuất kinh doanh là giữa các đối tác thông qua hợp đồng kinh tế, do đó trước hết phải nâng cao trách nhiệm của nhà doanh nghiệp và nhà nông; hai đối tác này phải chung thuỷ, phải đồng cảm, phải gắn bó với nhau thì mới thành công.

Đầu tư mạnh vào khoa học - công nghệ
GS.TS. Ngô Thế Dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Có 2 động lực phát triển xã hội, là chính sách và khoa học công nghệ. Tuỳ thuộc vào từng giai đoạn, từng nước mà người ta chọn lựa động lực nào là chính. Ví dụ vào những năm 60 của thế kỷ trước, trong cuộc cách mạng xanh người ta đã tập trung vào khoa học công nghệ, để tạo ra giống lúa mỳ có năng suất cao, giúp cho nhiều nước có đủ lương thực. Cùng lúc đó, ở Đông Nam Á, Viện nghiên cứu lúa của Liên hợp quốc (IRRI) cũng nghiên cứu tạo ra giống lúa IRRI8 (Thần nông 8), giúp cho khu vực này thoát khỏi nguy cơ thiếu lúa gạo.

Ở Việt Nam, suốt một thời kỳ dài, Đảng và Nhà nước đã coi chính sách là động lực chính, là chìa khoá, để giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội. Chỉ thị 100 của Ban bí thư (1981) đề ra chủ trương khoán đến đội sản xuất, thay thế cho cách làm ăn tập thể rong công chấm điểm của hợp tác xã nông nghiệp. Nhờ đó, năng suất lúa tăng lên, sản lượng tăng lên. Nếu trước kia chỉ ép vào hợp tác xã, và hợp tác xã chiếm đến 95% diện tích canh tác mà chỉ giải quyết được khoảng 45% yêu cầu lương thực, trong khi nông dân tuy chỉ còn 5% diện tích mà vẫn làm ra trên 50% nhu cầu cuộc sống, thì chỉ thị 100 đã tạo ra bước ngoặt.

Tôi cho rằng, động lực phát triển trong nông nghiệp giai đoạn hiện nay là  phải tập trung đầu tư khoa học, công nghệ mạnh hơn. Trước đây, ta cũng đầu tư nhiều nhưng do bị hạn chế về thông tin, do trình độ đào tạo kém cỏi, nên khoa học, công nghệ kém hiệu quả. Đấy là chưa kể so với nhiều ngành, thì đầu tư cho nông nghiệp chỉ đạt tỷ lệ 2% chi tiêu ngân sách (không phải 2% GDP).

Đầu tư khoa học, công nghệ sẽ tạo ra những đột phá lớn, làm chuyển biến, thay đổi hẳn cục diện của sản xuất nông nghiệp. Từ khi thừa nhận, rồi đầu tư mạnh vào công nghệ chuyển gien, nông nghiệp Argentina đã phát triển vượt bậc, đưa sản lượng lúa mì từ 26 triệu tấn (1990) lên 75 triệu tấn (2002). Kế hoạch 5 năm (2006-2010) của Trung Quốc xác định tạo ra xã hội hài hoà và phát triển dựa vào khoa học, hướng về nông thôn.

Chính phủ Trung Quốc chủ trương chính sách khai thác ít, hỗ trợ nhiều và chấn hưng nông thôn Trung Quốc. Mục tiêu cũng rõ ràng: nâng cao thu nhập nông dân và hỗ trợ gia đình. Việt Nam cần tập trung đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, lấy khoa học công nghệ làm động lực. Trong chính sách phát triển nông thôn, nên lấy thôn làng làm đơn vị cơ sở.

Việc hợp nhất các viện, các cơ quan nghiên cứu, thành Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam là đúng hướng. Nên giao toàn bộ công việc nghiên cứu và điều phối nghiên cứu hoạt động khoa học, công nghệ cho viện, còn Vụ khoa học - công nghệ chỉ làm chức năng quản lý Nhà nước và nghiên cứu, đề xuất chính sách mà thôi.

Xây dựng nền kinh tế mang tính xã hội và tương trợ
GS.VS. Đào Thế Tuấn, Anh hùng lao động

Nói định hướng XHCN là phải xã hội hoá công tác xã hội, vì Nhà nước dù có tài giỏi, giàu có đến đâu thì cũng không thể ôm đồm được tất cả mọi vấn đề xã hội. Như vậy, phải huy động nông dân tham gia xây dựng nông nghiệp, nông thôn, giống như các ngành giáo dục, y tế, khuyến nông đang làm. Ngân sách Nhà nước thực chất là tiền đóng góp của nhân dân, nếu tiền đó được giao cho các tổ chức xã hội thực hiện các hoạt động xã hội, thì vừa có hiệu quả hơn, vừa tránh được tệ nạn tham nhũng nghiêm trọng đang diễn ra trong rất nhiều cơ quan Nhà nước!

Không nên lẫn lộn xã hội hoá với tư nhân hoá, thương nghiệp hoá, như đang xảy ra trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, y tế, giáo dục... Cần hiệu quả xã hội hoá là giao các hoạt động xã hội cho cộng đồng, các tổ chức quần chúng, mà ở các nước gọi là xã hội dân sự, hay xã hội công dân đang phát triển rất mạnh trên thế giới, đồng thời phù hợp với nội dung của dân chủ XHCN mà chúng ta đang thực hiện.

Dĩ nhiên, các tổ chức quần chúng như thế hoàn toàn hoạt động tự thân, không sống và hoạt động bằng kinh phí Nhà nước.

Các cộng đồng nông thôn là tổ chức xã hội tham gia và quyết định các hoạt động tổng hợp phát triển nông thôn. Nhà nước và thị trường không thể làm hết, không thể thực hiện được phát triển nông thôn. Vì thế, phải tạo quyền lực cho cộng đồng làm việc với Chính phủ và khu vực tư nhân, để cộng đồng có hành động tập thể, có quyền kiểm tra mọi hoạt động ở nông thôn, để cộng đồng trở thành động lực phát triển xã hội.

Trong thời kỳ công nghiệp hóa càng cần phải chú ý đến phát triển nông thôn, bởi lẽ trong quá trình công nghiệp hóa thì nông thôn luôn luôn là khu vực bị thiệt thòi nhất. Nông thôn chiếm gần 80% dân số, lại là thị trường chủ yếu của công nghiệp hóa (không phải là thị trường nước ngoài), cho nên nếu chỉ tập trung công nghiệp hóa ở đô thị thì không công bằng xã hội. Ta chủ trương công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, nhưng lại không có chính sách thể chế cụ thể, không có nội dung và bước đi cụ thể.

Theo tôi, cần chuyển 50% lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, nhường đất cho các hộ phát triển nông nghiệp. Song song phát triển kinh tế hộ nông dân lên kinh tế trang trại, cần chuyển đổi hộ phi nông nghiệp sang xí nghiệp nhỏ và vừa, xây dựng các tổ chức nghề nghiệp của nông dân, xây dựng kinh tế hợp tác xã đúng với thực chất không nhằm thu lợi nhuận mà là hợp tác xã mang tính xã hội và tương trợ.