Biến phế thải thành nhiên liệu

25/Thg8/2006 09:44:50

Biodiesel đã từng bước được sử dụng tại nước ngoài.

Cơ sở sản xuất của ông là xưởng cơ khí nằm heo hút ở “cánh đồng hoang” gần Tường Đại học An Giang, bốn bề còn trống trải, chỉ vô 3 cái thùng phi khổng lồ, lằng nhằng dây điện, đồng hồ nhiệt và ống dẫn, ông Hai Thiên nói: “Đây, cái cỗ máy này biến mỡ cá tra thành dầu biodiesel. Nhìn đơn giản vậy nhưng tụi tui mất 2 năm mới tìm ra nguyên lí hoạt động đúng, sau đó mới chế tạo thành công nó. Đó cũng là một trong những khó khăn lớn nhất của chúng tôi. Thế giới người ta đã chế ra dầu biodiesel từ mỡ cá cách đây mấy chục năm rồi, mình bây giờ mới lò dò nghiên cứu, mà ngặt nỗi không có ai đi trước để hỏi, làm xong cho chạy thử, lấy mẫu kiểm tra, thấy chưa đạt thì cả mấy chú cháu lại nghiên cứu, lại coi thử chỗ nào chưa đúng thì tìm cách giải quyết. Đau đầu lắm chứ chẳng chơi”.

Quan trọng nhất là tìm ra ý tưởng

Biết chắc chắn Biodiesel là nhiên liệu được chế biến từ dầu thực vật hoặc mỡ động vật mà mỡ cá tra ở An Giang thì luôn ở trong tình trạng ế hàng, giá rất rẻ vậy tại sao không tận dụng lợi thế này?

Trông thấy rõ đích đến nhưng làm thế nào để tìm ra công thức biến đổi thành phần hóa học của mỡ cá tra thành chất đốt không độc hại là cả một vấn đề nan giải. Một mình thì không thể xoay chuyển được, ông Hai Thiên bắt đầu đi “săn người”, tìm nhân sự cộng tác.

Đối tượng ông nhắm vào là người trẻ, thậm chí là sinh viên mới ra trường. Ông nói: “Đất nước Việt Nam chúng ta đang đổi mới, có nhiều cơ hội để tiến thân, quanh ta không thiếu gì những bạn trẻ giàu nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm. Giống như những cộng sự của tôi, các bạn ấy rất trẻ nhưng họ là những người sẵn sàng đương đầu với khó khăn thử thách và biết cách nắm bắt cơ hội chính từ trong những thử thách này”.

Ban đầu nhóm nghiên cứu chỉ vỏn vẹn có 3 thành viên gồm ông và hai bạn trẻ vừa mới ra trường là Võ Giao Chi tốt nghiệp Đại học Bách khoa hóa Tp.HCM, Nguyễn Quỳnh Như tốt nghiệp khoa công nghệ thực vật Đại học Cần Thơ.

Ông kể: “Chúng tôi mất hơn 1,5 năm nghiên cứu, thử đi thử lại nhiều lần nhưng không thành công, mỡ cá thì đặc, dầu biodisel thì lỏng và trong mỡ cá còn nhiều thành phần khác nữa làm thế nào để phá vỡ liên kết này bằng phản ứng hóa học là chuyện không dễ, chỉ cần sai một ly là đi một dặm”.

Trầy trật hàng chục lần cho đến khi “người dẫn đường” Hai Thiên “săn” thêm được một cộng sự đắc lực nữa là kỹ sư Hồ Trần Tấn Quốc tốt nghiệp Đại học Bách khoa Tp.HCM ngành cơ khí chế tạo máy. Sẵn dịp kỹ sư Quốc muốn trở về lập nghiệp trên tại quê nhà, ông Hai Thiên thuyết phục Quốc gia nhập nhóm nghiên cứu, lập thành bộ sậu ở cái thế kiềng 3 chân thẳng tiến vào mục tiêu đã định.

Lạ một điều là ông Hai Thiên tốt nghiệp Đại học Huế ngành vạn vật mấy chục năm trước sau này mới học thêm Cao học ngành sinh vật biển ở Nha Trang, kiến thức về cơ khí, hóa học chẳng thể nào bằng những nhân viên ông “săn”, ấy thế mà ông lại là “người dẫn đường” tài ba, hướng dẫn cả nhóm thực hiện thành công đề tài “Sản xuất dầu diesel sinh học từ mỡ cá tra, cá ba sa”.

Ông khẳng định: “Người lãnh đạo quan trọng nhất là ý tưởng có rất nhiều việc mình không thể làm được nhưng mình biết cách hướng dẫn và khuyến khích mọi người làm việc”.

Mọi thứ dầu phế thải đều có thể thành biodiesel

Chỉ vô mấy cái thùng nhựa đựng các thành phẩm thành nhiều lớp, ông nói: “Mỡ cá tra không chỉ cho chúng ta dầu biodiesel, mà còn có Glycerin, một loại rượu hóa học giúp kết dính, giữ nguyên dạng ứng dụng trong công nghiệp sản xuất mực viết, kem đánh răng, thuốc lá... và các loại muối dùng chế biến phân bón”.

Hiện nay cơ sở của ông sản xuất một ngày khoảng 2 tấn dầu biodiesel, chỉ đủ cung cấp cho một vài người với giá 7.000 đồng/kg, thành phẩm thứ ba là muối cũng có đơn đặt hàng. Đắt hàng như thế nhưng ông Hai Thiên vẫn cứ trăn trở: “Trong thời điểm hiện tại xăng dầu tăng giá thì biodiesel trở thành món hàng rất có giá trị. Chắc chắn Việt Nam sẽ phải tuân thủ quy định của thế giới trong một ngày gần đây là phải có từ 5 đến 10% lượng biodiesel trong dầu diesel thì dù có thu hết nguồn mỡ cá tra của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng không đủ cung cấp cho nhu cầu khổng lồ của cả nước Việt Nam”.

Ông giải thích: Xu hướng thế giới đã chuyển qua sử dụng hệ thống “B” để cho biết lượng Biodiesel được pha vào dầu Diesel. Ví dụ: 20% Biodiesel sẽ được ghi nhãn là B20, 30% Biodiesel sẽ được ghi nhãn là B30. Biodiesel tinh khiết 100% thì được ghi nhãn là B100.

Các nước châu Âu đều sử dụng dầu Diesel có độ nhờn thấp có pha biodiesel từ 20%, 30% hay hơn nữa vì lợi ích thiết thực của dầu Biodiesel như giảm sự thải khí CO và CO2, chứa ít hydrocacbon thơm, không chứa Sulfur, không gây ô nhiễm SO2, giảm thải các hạt khói đến 65%, có chỉ số Cetane cao hơn Diesel dầu mỏ và vì thế nó đốt cháy nhanh hơn khi được đưa vào động cơ...

Hơn thế nữa, Biodiesel tinh khiết (B100) có thể được dùng trong bất kỳ động cơ Diesel dầu mỏ nào. Hơn bao giờ hết Việt Nam cần có biodiesel giá rẻ.

Ông nói: “Mới nghe đâu đây có công ty dự định nhập dầu biodiesel làm từ hạt hướng dương với giá hơn 25.000/lít. Giá đắt như vậy mà họ vẫn chấp nhận nhập khẩu vậy cớ gì không đầu tư sản xuất dầu biodesel ngay trong nước? Tui cũng đã tính tình hình nguồn nguyên liệu mỡ cá tra không đủ để chế tạo dầu biodesel nên thử nghiên cứu sử dụng nguồn nguyên liệu khác”.

Ông tiết lộ, mới đây Công ty Xăng dầu Petro vừa làm việc với Agifish (cơ quan công tác hiện tại của ông Hồ Xuân Thiên với chức danh thành viên hội đồng quản trị) đề nghị hợp tác xây dựng một nhà máy chế biến và pha trộn biodiesel vào dầu diesel tại Trà Nốc - thành phố Cần Thơ. Nếu thỏa thuận được, ông sẽ ưu tiên chuyển giao toàn bộ công nghệ sản xuất dầu biodiesel từ mỡ cá tra cho công ty Agifish.

Chúng tôi hỏi vì sao khi nghiên cứu đề tài này ông không lấy danh nghĩa Agiflsh xin kinh phí thực hiện mà tự bỏ tiền túi ra rồi bây giờ tự nguyện chuyển giao cho Agifish, ông phất tay rồi nói: “Cơ chế công ty khó khăn, không biết mình nghiên cứu có thành công hay không mà sử dụng tiền của Nhà nước. Đành rằng nghiên cứu là làm lợi cho Nhà nước nhưng cũng không thể tùy tiện được”.

Hỏi ông đã đăng kí bản quyền phát minh sáng chế này chưa thì ông hồn nhiên trả lời rằng: “đề tài này chưa gọi là phát minh được, thế giới người ta đã làm hơn 10 năm nay rồi, đâu phải cái gì lạ”. Ông cũng công nhận đây là công trình nghiên cứu lớn nhất và kéo dài nhất trong số hàng chục các công trình nghiên cứu khác của mình.

Ông nói đùa: “Cái máu của tui là thích nghiên cứu ứng dụng, hồi đó cũng nhờ vợ nuôi nên tui nghĩ dạy cả 5 tháng ở nhà nghiên cứu cách biến mỡ bò thành mỡ bôi trơn, biển mỡ bò thành bơ”.

Chúng tôi lại hỏi nếu có ai đó chịu đầu tư mua công nghệ “hái ra tiền” này thì ông có bán không. Ông liền trả lời ngay không do dự: “Bán chứ, ai muốn làm là tui bán ngay, miễn là có người chịu đầu tư sản xuất dầu biodiesel cung cấp trong nước để đỡ tiền nhập khẩu dầu biodiesel từ nước ngoài”.