Bảo vệ môi trường để đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững

22/Thg6/2006 14:38:53

  Bảo vệ môi trường trở thành một vấn đề cực kỳ quan trọng ở khu vực ĐBSCL trong quá trình thực hiện CNH, HĐH đất nước theo định hướng phát triển bền vững.

Trong bối cảnh nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào khai thác tài nguyên nông - lâm - ngư và chế biến các sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu, số dân tăng nhanh là một lực cản lớn tới sự phát triển (kinh tế - xã hội) và bảo vệ môi trường ở ĐBSCL. Dân số ĐBSCL tăng nhanh cả về tăng số dân cơ học và tăng số dân tự nhiên. Năm 1995 số dân: 15,33 triệu người, năm 2000: 16,34 triệu, năm 2003 đã là 16,88 triệu người, với tốc độ mỗi năm số dân tăng lên gần bằng một huyện trong khu vực. Số dân tăng nhanh gây áp  lực về khai thác tài nguyên thiên nhiên như phá hủy rừng tràm và rừng ngập mặn, để lấy củi, gỗ, lấy đất làm ruộng rẫy, nuôi trồng thủy sản ở các vùng ven biển, khai thác động vật hoang dã..., nạn đói nghèo gia tăng, giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội bị suy giảm, tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Môi trường đất, nước và các  hệ sinh thái bị biến đổi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường do gia tăng mạnh mẽ các hoạt động khai thác sản xuất và canh tác nông - lâm - ngư mà thiếu quan tâm bảo vệ môi trường. Diện tích đất tự nhiên của ĐBSCL là 3.073.400 ha, trong đó nông nghiệp là 2.969.500 ha, lâm nghiệp có rừng là 361 nghìn ha... đã cho thấy tác động đối với môi trường đất ở lĩnh vực này là rất đáng kể. Năm 1995, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản của ĐBSCL là 189.400 ha, đến năm 2003 đã là 614.600 ha và theo định hướng quy hoạch đến năm 2010 sẽ là  649.430 ha nuôi trồng thủy sản nước mặn - lợ và 366.590 ha nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Các tác động lan truyền ô nhiễm phèn, xâm nhập mặn gia tăng sâu vào lục địa, ngập lũ vào mùa mưa, hóa chất sử dụng trong nông nghiệp gia tăng... gây suy thoái biến đổi đất.
 
Phát triển  kinh tế - xã hội và hậu quả của chiến tranh hóa học, đã làm mất đi nhiều giá trị to lớn về tài nguyên và môi trường ở các hệ sinh thái. Diện tích rừng bị suy giảm, chất lượng  hệ sinh thái đã bị biến đổi... hiện nay ở ĐBSCL chỉ còn khoảng 347.500 ha rừng các loại chưa bảo đảm an toàn sinh thái trong khu vực. Nạn  phá rừng lấy gỗ, canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, cháy rừng vào mùa khô vẫn diễn ra... làm tăng nguy cơ suy giảm và mất rừng ở khu vực ĐBSCL. Năm 1995 diện tích rừng bị chặt phá ở ĐBSCL là 2.592 ha, năm 2002 là 571,9 ha và năm 2003 là 41,2 ha.  Năm 1995 diện tích rừng bị cháy là 2.072 ha, năm 2002 là 10.137,1 ha và năm 2003 là 670 ha. Tính đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái cũng bị đe dọa nghiêm trọng. Ở hệ sinh thái rừng ngập mặn và rừng tràm có 239  loài cây, 36 loài bò sát và sáu loài lưỡng cư, vùng biển và  ven biển có 260 loài cá đã được ghi nhận. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia thì tính đa dạng sinh học ở đây đang bị đe dọa, một số loài quý hiếm đã biến mất.
 
ĐBSCL có bờ biển dài 700km từ Đông sang Tây với 360 nghìn km2 hải phận trên biển là vùng có tiềm năng kinh tế to lớn của cả nước. Hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản trên biển, giao thông vận tải, khai thác, thăm dò dầu khí trên biển ngày càng được mở rộng..., đã tác động đến chất lượng môi trường biển của ĐBSCL. Các hoạt động KT-XH đã thải ra các nguồn thải đa dạng, chưa được xử lý triệt để, đều thải vào sông rạch rồi ra biển làm cho chất lượng môi trường biển và ven biển bị suy thoái, tác động đến nguồn lợi thủy, hải sản trong khu vực ĐBSCL.. Việc tăng cường nuôi trồng thủy sản ven biển;  xây dựng các khu du lịch sinh thái ven biển tàn dư chiến tranh với các loại chất độc do Mỹ rải xuống.. đã gây tác động xấu đến môi trường trong vùng...
 
Để thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH đất nước trong sự phát triển bền vững, đối với ĐBSCL, theo chúng tôi, Nhà nước cần tập trung xây dựng vùng ĐBSCL trở thành một vùng kinh tế - sinh thái trọng điểm của quốc gia trong quá trình CNH, HĐH đất nước, trên cơ sở đó  có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường bền vững vùng đất ngập nước giàu tiềm năng của Tổ quốc. Tiến hành xây dựng Chiến lược bảo vệ môi trường và phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công, bảo đảm sự cân bằng sinh thái trong phát triển KT - XH. Thực hiện quy hoạch môi trường phục vụ cho phát triển KT- XH, đầu tư mạnh mẽ cho sự nghiệp bảo vệ môi trường trong khu vực, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ CNH, HĐH ở khu vực ĐBSCL.
 
Tăng cường đào tạo, tập huấn và trang bị các cơ sở hạ tầng kỹ thuật quản lý để nâng cao năng lực quản lý về bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền. Đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật để nâng cao năng lực quan trắc môi trường và dự báo môi trường, năng lực công nghệ trong việc xử lý các vấn đề môi trường bức xúc. Trước mắt, cần đầu tư thực hiện nhiệm vụ đánh giá diễn biến môi trường, quy hoạch môi trường và phát triển  bền vững, điều tra hệ sinh thái và đa dạng sinh học đất ngập nước, đánh giá diễn biến xâm nhập mặn và bảo vệ môi trường vùng ngập lũ trong khu vực ĐBSCL...
 
Tổ chức các diễn đàn thảo luận, hợp tác trong và ngoài nước, để nâng cao vai trò hoạt động thực tiễn thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong khu vực. Xây dựng các cơ chế tạo động lực hấp dẫn vào lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhất là đầu tư bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên đất ngập nước ở ĐBSCL.
 
Tập trung nguồn lực để xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất dự án đầu tư, các khu công nghiệp thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường ngay từ khi triển khai dự án và  trong quá trình  đưa dự án vào sản xuất. Các cơ sở sản xuất tiểu, thủ công nghiệp nằm trong khu dân cư phải tiến hành quy hoạch lại, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tiến hành thực hiện quy định thu phí nước thải, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, chương trình bảo tồn và phát triển các vùng đất ngập nước... Đẩy mạnh  nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tiếp cận sinh thái trong việc bảo vệ và khai thác tài nguyên, mở rộng các hợp tác trong khu vực và quốc tế về bảo vệ môi trường trong vùng ĐBSCL. Tăng cường công tác giáo dục, truyền thông  môi trường và nhất là công tác xã hội hóa về bảo vệ môi trường, tạo ra một phong trào mạnh mẽ liên tục  toàn dân tham gia vào bảo vệ môi trường.