Bản tin tổ chức phi chính phủ (VNGO) ngày 4/7/2006

05/Thg7/2006 13:47:56

Việt kiều sẽ thành lập ngân hàng xây dựng khu công nghiệp

Theo CLB Doanh nghiệp Việt kiều, việc triển khai thành lập Ngân hàng Việt kiều và xây dựng Khu Công nghiệp Kỹ thuật cao Việt kiều đang được tiến hành tích cực xúc tiến. Ngân hàng sẽ đặt trụ sở tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), còn Khu Công nghiệp sẽ được xây dựng trên diện tích 334 ha tại Củ Chi (TPHCM). (Tiền Phong 4/7/2006)

Đã ký được hợp đồng xuất khẩu 4 triệu tấn gạo

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến ngày 3/7/2006 các doanh nghiệp thành viên đã ký hợp đồng xuất khẩu 4 triệu tấn gạo và đã thực hiện giao hàng 2,9 triệu tấn với tổng giá trị giao dịch xấp xỉ 700 triệu USD. Đáng chú ý là hợp đồng thông qua đấu thầu tập chung chiếm 40%. (Nhân Dân 4/7/2006)

Kỷ niệm 230 năm quốc khánh Hoa Kỳ

Ngày 3/7/2006 tại Hà Nội, Liên Hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội hữu nghị Việt - Mỹ đã phối hợp tổ chức kỷ niệm 230 năm quốc khánh Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (4/7/1776-4/7/2006).

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Mỹ Michael Morin nhấn mạnh, năm 2006 là năm bùng nổ các chuyến thăm Việt Nam của nhiều quan chức cao cấp Mỹ, đặc biệt là chuyến thăm của Tổng thống George Bush vào tháng 11/2006 nhân Hội nghị cấp cao APEC. Bên cạnh đó là việc hai nước đã đạt được thoả thuận về việc Việt Nam gia nhập WTO. Sau hơn 10 năm bình thường hoá quan hệ, thành công nhất là Việt Nam và Mỹ đã thực sự hiểu nhau hơn và tăng cường hợp tác mọi mặt.

GS Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Mỹ cũng khẳng định, năm 2006 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bình thường hoá quan hệ giữa hai nước, góp phần đưa quan hệ Việt - Mỹ lên tầm cao mới. (QĐND, Hà Nội mới  4/7/2006)

Tác giả “Dòng sông tật nguyền” không vi phạm tác quyền

Thời gian qua, nhiều báo chí đã phản ánh về tác phẩm “Dòng sông tật nguyền” của nhà văn Phạm Thanh Khương có giống với “Cánh đồng bất tận” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và cho rằng đây là một vụ “đạo văn”. Về việc này, nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến – Phó giám đốc Trung tâm Bảo về Quyền tác giả Văn học Việt Nam (Hội Nhà văn Việt Nam) cho biết, hai tác phẩm này có những điểm tương đồng nhất định. Về mặt ý tưởng, cả hai đều khai thác câu chuyện về một người cha bị vợ phản bội mà quay ra trả thù những người đàn bà khác, quên mất trách nhiệm đối với các con. Về đề tài, đều đề cập đến số phận của những con người sống trên sông nước mang cái khát vọng lên bờ; về nhân vật và một số chi tiết cũng có những điểm giống nhau… Mặc dù có những điểm trùng hợp như vậy nhưng tôi cho rằng, trường hợp này không có dấu hiệu vi phạm quyền tác giả. Điểm tương đồng quan trọng nhất giữa hai tác phẩm này là ý tưởng, nhưng trong luật sở hữu trí tuệ, quyền tác giả không quy định về bảo hộ ý tưởng mà chỉ bảo hộ cách biểu hiện ý tưởng. Việc bảo hộ ý tưởng được quy định trong điều luật sở hữu công nghiệp. Vì vậy, vi phạm tác quyền văn học chỉ xảy ra khi cách hành văn, câu chữ… tóm lại là cách biểu hiện ý tưởng giữa hai tác phẩm là giống nhau. Trong trường hợp Phạm Thanh Khương biết ý tưởng của mình trùng với tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư mà vẫn cho công bố thì bản thân anh phải chịu những rắc rối này. Đây chính là một bài học cho người cầm bút. Sự trùng hợp ngẫu nhiên không phải là hiếm nhưng khi phát hiện ra có sự trùng hợp, có những lúc chúng ta đành phải từ bỏ ý tưởng của mình hoặc cấu trúc, tổ chức lại tác phẩm bằng sự sáng tạo riêng.

Bà cũng cho biết, việc các tác giả đăng ký với Trung tâm chỉ là vấn đề thủ tục. Chỉ cần đăng ký với trung tâm ngày hôm nay, các tác giả hoàn toàn có thể khởi kiện vào hôm sau. (VnExpress 4/7/2006)