Bản lĩnh Robocon Việt Nam lên ngôi

19/Thg9/2006 09:23:20

BKPro tự hào nâng cao Cup vô địch Robocon 2006. Ảnh: Tấn Anh.
Các thành viên BKPro tự hào nâng cao Cup vô địch Robocon 2006. Ảnh: Tấn Anh.

Robocon Việt Nam ra quân đợt này gồm 8 thành viên của đội BKpro: Lưu Anh Tiến, Cao Thành Vinh, Vũ Hữu Thắng, Nguyễn Trần Thanh Toàn (đều là sinh viên Khoa Điện - Điện tử); và Nguyễn Tấn Lộc, Trần Phan Anh, Nguyễn Quốc Tuấn, Ngô Minh An (Khoa Cơ khí). Các em lần đầu tham gia đấu giải ở nước ngoài.

Nhưng theo thày Kiểm, các thành viên trong đội tỏ ra rất tự tin cả trước và trong trận đấu. Đội đã bình tĩnh giải quyết thấu đáo nhất những tình huống phát sinh, trong đó, có tình huống "sinh tử" là robot trung tâm của đội suýt bị loại, vì không được trọng tài chấp nhận ở vòng đầu tiên. Đây là chiến binh đặc biệt quan trọng, nó sẽ cản phá và chống cản phá robot đối phương trong khoảng 2 giây đồng hồ, kiêm nhiệm vụ ghi điểm ở khu trung tâm. Robot này không được chấp nhận do hoạt động chủ yếu bằng cơ khí, không phải bằng thiết bị điện như yêu cầu của Ban tổ chức. Nhưng thông báo chỉ được đưa ra sau khi tuyển Việt Nam thử robot lần 2.

Trong 45 phút, BKpro phải đưa ra được phương án giải quyết, nếu không, buộc phải đưa robot về "hưu non". Cuối cùng, đội quyết định gắn một moteur quay bánh xe vào robot. Thiết kế này khiến cho chú robot cồng kềnh và chậm hơn nhưng lại ghi bàn chắc chắn hơn. Và sự hồi sinh của chú đã đưa BKpro tới vinh quang.

Trận gặp tuyển Malaysia, robot Việt Nam phải đối phó với những robot có ưu thế về tốc độ, khả năng sẵn sàng cho mọi tình huống bất ngờ và phần mềm lập trình vào hàng "top" của giải. Đây cũng là đội chủ nhà với rất đông cổ động viên bên cạnh. Và Malaysia dẫn trước 4-0. Tuy nhiên, BKPro đã bình tĩnh ghi từng điểm, giành lại quyền chủ động với kết quả cuối cùng hơn Malaysia 5 điểm. "Suy nghĩ của tụi em khi ấy là nếu sân còn đường đi, còn cơ hội chiến thắng. Và đội quyết tâm vượt lên", Lưu Anh Tiến, đội trưởng BKpro, bày tỏ.

Việt Nam tự tin vượt qua Fiji, đến từ một quốc đảo tại Nam Thái Bình Dương với kết quả "SIAP" (thắng tuyệt đối) và vươn lên các đội được coi là "nặng ký" trong cuộc thi: Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, với tỷ số khá chênh lệch. BKPro ghi bàn quyết định với chiến tích SIAP trước Thái Lan (tỷ số 24 -11). Những tỷ số này chưa từng xảy ra với trong những lần thi trước.

"Robocon là cuộc thi thử thách bản lĩnh. Bản lĩnh không tự nhiên mà có. Các thành viên Việt Nam đã phải rèn luyện rất nhiều và khẳng định được", thày Kiểm nói.

Cũng như 2 robot vô địch đàn anh, "đứa con" của BKpro hoàn toàn tự chế tạo. Đội mua động cơ ở chợ về sơn lại, không phải mua mô đun bên ngoài nên tiết kiệm được khá nhiều kinh phí. Tuy nhiên, hình thức robot trung tâm của đội lại "long lanh" hơn nhiều đội khác. Chú có 16 nút sơn màu, tương ứng với 16 chiến thuật tình thế, tạo nên vẻ độc đáo, bắt mắt. Thân robot và các lỗ giảm tải được thiết kế cách điệu, bề mặt lúc nào cũng bóng loáng...

Đội trưởng Lưu Anh Tiến không giấu nổi tự hào, kể, khi tuyển các nước chuẩn bị mở hộp lấy robot tập sân, hầu hết ánh mắt thành viên các đội và ống kính phóng viên đều hướng về Nhật Bản. Thế nhưng, khi những chú robot "bước ra" thì tất cả lại tập trung về Việt Nam. "Không phải con mình, mình khen nhưng thực tế là robot của BKpro có hình dáng đáng chú ý hơn những đội khác. Nó được các phóng viên các nước chụp ảnh nhiều nhất. Một giáo sư Hàn Quốc đã xem đi xem lại robot Việt Nam và luôn miệng trầm trồ", Tiến nói.

Thày giáo Huỳnh Văn Kiểm, bên phải, người 3 lần đồng hành với Robocon Việt Nam lên đỉnh vinh quang. Ảnh: Sơn Lộc.
Thày giáo Huỳnh Văn Kiểm, bên phải, người 3 lần đồng hành với Robocon Việt Nam lên đỉnh vinh quang. Ảnh: Sơn Lộc.

Thành viên các đội Robocon hầu hết là sinh viên năm thứ 2, thứ 3. Các em phải cân đối thời gian để vừa đảm bảo tốt việc học trên lớp, vừa đầu tư sáng chế robot. Ban đầu, các em không thể trông chờ vào nguồn kinh phí của trường nên phải tự trang trải. Thành viên của BKpro đều ở ngoại tỉnh, phải thuê phòng trọ, còn rất khó khăn trong sinh hoạt. Không biết chắc kết quả sáng tạo của mình đến đâu nhưng các em vẫn sẵn sàng tìm mọi nguồn tài chính, dù vay mượn là chính, để làm robot.

Cũng theo thày Kiểm, sinh viên nước bạn thường mua thiết bị chuẩn lắp ráp robot. Việt Nam chưa có điều kiện liên thông với các nước để cung cấp linh kiện chế tạo robot, đặc biệt là robot nhỏ nên các đội Robocon phải mất nhiều thời gian, công sức mày mò, tự chế. Nhưng bởi tinh thần vươn lên vượt mọi khó khăn như thế nên sinh viên Việt Nam có tài xoay sở, giải quyết tình huống hơn sinh viên nhiều nước khác.

"Các em có khả năng sáng tạo, thậm chí sáng tạo hơn nước khác vì thực tế, các em đã liên tiếp vượt lên giành ngôi vô địch trong các cuộc thi Robocon. Nếu có điều kiện, các em có có thể tham gia làm robot chuyên nghiệp", thày Kiểm nói.

Còn thành viên BKPro nói về thày Kiểm, người ba lần đồng hành cùng Robocon lên đỉnh vinh quang, với giọng đầy cảm phục, yêu thương. "Có chuyện buồn, vui, có thể tâm sự được là các em không ngần ngại chia sẻ với thày. Thày là người giúp chúng em hiểu hơn về các robot đối thủ và có quyết định đúng đắn nhất để giải quyết những vướng mắc tình thế", Tiến nói. "Dù không xuống sân nhưng trước khi đội bước vào trận đấu, thày là người củng cố tinh thần cho mỗi thành viên. Nếu không có thày, chúng em không dễ dàng đạt chiến thắng cao như hôm nay".