Bài học dùng người từ doanh nghiệp FDI

15/Thg8/2006 13:14:08

 

Các doanh nghiệp FDI luôn là lựa chọn hàng đầu của những nhân viên được việc.

 

Bài toán sử dụng nguồn nhân lực nhằm tăng khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập đã không còn là chuyện nhỏ…

Sử dụng ít lao động có trình độ nhất, nhưng tạo ra hiệu quả cao nhất

Kết quả khảo sát tại 500 doanh nghiệp (cả 3 miền Bắc, Trung, Nam) cho thấy, trong khi cứ mỗi lao động trong doanh nghiệp FDI sinh lợi cho doanh nghiệp 25,1 triệu đồng/năm, thì con số này ở doanh nghiệp nhà nước là 8 triệu đồng và ở doanh nghiệp tư nhân (doanh nghiệp tư nhân) là 5,1 triệu đồng.

Cũng theo phân tích, 1 đồng tiền lương tạo ra 1,1 đồng lợi nhuận tại khối doanh nghiệp FDI, trong khi chỉ tạo ra 0,5 đồng trong khối doanh nghiệp tư nhân và 0,3 đồng tại khối doanh nghiệp Nhà nước.

Tạo ra năng suất và hiệu quả cao nhất, nhưng khối doanh nghiệp FDI lại sử dụng lao động có trình độ cao ở mức thấp nhất so với 2 loại hình doanh nghiệp còn lại. Số lao động đã qua đào tạo, đã có chứng chỉ hoặc bằng cấp về nghề trong doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 41,7% tổng số lao động làm việc một năm trở lên trong doanh nghiệp.

Trong khi đó, doanh nghiệp Nhà nước là nơi sử dụng nhiều lao động đã qua đào tạo nhất, với tỷ lệ 66,2%; còn trong khối doanh nghiệp tư nhân, tỷ lệ này là 46,9%.

Nếu nhìn vào những con số thống kê và phân tích sơ bộ kể trên, chúng ta sẽ không khỏi ngạc nhiên. Câu hỏi được đặt ra ở đây là, vì sao các doanh nghiệp FDI dùng người hiệu quả hơn các loại hình doanh nghiệp khác, khi mà nguồn nhân lực họ sử dụng có trình độ tương đương?

Hiệu quả đến từ chính sách tuyển dụng và quản trị nhân sự chuyên nghiệp

Đó là nhận định của rất nhiều chuyên gia tư vấn và nhà tuyển dụng hàng đầu của Việt Nam hiện nay khi nói về hiệu quả dùng người trong các doanh nghiệp FDI.

Bà Nguyễn Hải Hà, Giám đốc Công ty KMPG (một công ty tư vấn tuyển dụng uy tín nhất Việt Nam hiện nay) cho biết, các doanh nghiệp FDI khi vào Việt Nam đã mang phong cách quản trị chuyên nghiệp được xây dựng từ trước đó hàng chục năm.

Cách thức tuyển dụng của họ không phải là chọn được người vừa mắt với người chủ doanh nghiệp, mà là người thích hợp và có khả năng đảm đương tốt từng công việc cụ thể. Chính vì vậy, ngay từ khâu tuyển dụng, họ đã chọn được những nhân viên và cán bộ quản lý năng động, đủ năng lực để làm việc. Bằng chế độ đãi ngộ xứng đáng (lương, thưởng, phúc lợi và cơ hội đào tạo, thăng tiến), các doanh nghiệp FDI luôn là lựa chọn hàng đầu của những nhân viên được việc.

Bà Hà cũng cho biết, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng trả lương cao cho nhân viên, nhưng đó không phải là cách để thu hút những người năng động. Vì ở các doanh nghiệp tư nhân, nhân viên có quá ít cơ hội đào tạo, nâng cao trình độ. Thường thì họ chỉ chăm chú làm việc và cuối tháng được lĩnh một khoản lương nhất định.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Anh, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế, cho rằng, việc các doanh nghiệp tư nhân dùng người không hiệu quả bằng các doanh nghiệp FDI còn xuất phát từ việc nhiều người chủ doanh nghiệp tư nhân đi lên từ mô hình kinh tế gia đình, kiến thức về quản trị doanh nghiệp tổng thể và đặc biệt là kiến thức quản trị nhân sự còn yếu.

Nhiều trường hợp, chỉ cần không vừa ý một việc gì đó là họ sẵn sàng cho nhân viên thôi việc ngay lập tức. Hay nhiều người cứ nghĩ rằng, trả lương cao cho nhân viên thì doanh thu của doanh nghiệp sẽ giảm đi, mà không hề biết rằng, đó chính là lực cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

“Thay vì thế, họ có thể tiết kiệm các chi phí khác, như kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng điện thoại, điện, nước... và lấy số tiền đó trả thêm vào lương cho nhân viên, nhằm khuyến khích nhân viên làm việc tích cực hơn. Trả lương thấp cho nhân viên sẽ làm cho nhân viên tự coi thường công việc mình đang làm và sẽ xảy ra tình trạng đứng núi này trông núi nọ”, ông Trần Anh nói và cho rằng, một doanh nghiệp mà không ổn định, hết nhân viên này đến nhân viên khác nhảy việc thì rất khó phát triển. Ở các doanh nghiệp FDI, những điều kể trên thường rất hiếm khi xảy ra.

Trong khi đó, ông Lê Quang Minh, Giám đốc Công ty Tư vấn và Quản lý doanh nghiệp cho biết, khi Trung Quốc bắt đầu gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hàng ngàn doanh nghiệp phá sản và hơn 16 triệu người rơi vào tình trạng thất nghiệp. Cuối năm nay, Việt Nam cũng gia nhập WTO và những nguy cơ đã được cảnh báo.

Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp chưa ý thức được hết điều này. Để có được sản phẩm và dịch vụ cạnh tranh được trên thị trường, doanh nghiệp phải có được nguồn nhân sự chất lượng.

“Quản trị nguồn nhân sự hiệu quả để tạo ra kết quả sản xuất - kinh doanh cao nhất luôn là vấn đề mà người chủ doanh nghiệp phải đặc biệt lưu tâm. Còn quản trị thế nào là tốt nhất, có lẽ, các doanh nhân phải không ngừng học hỏi, trước tiên là là học từ chính các doanh nghiệp FDI!”, ông Minh khẳng định.