ActionAid kêu gọi EC xem xét lại việc áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da Việt Nam

02/Thg6/2006 05:49:00

Đó là một trong những kiến nghị của tổ chức phi chính phủ ActionAid sau khi nghiên cứu những tác động của vụ kiện chống bán phá giá của EC. Nghiên cứu cho thấy việc áp thuế của EC sẽ ảnh hưởng tới một triệu công nhân làm việc trong ngành da giày và các ngành phụ trợ của Việt Nam, vốn hiện chỉ sống với mức một Euro/ngày.

Báo cáo nghiên cứu “Tác động của vụ kiện bán phá giá của EC đối với ngành da giày Việt Nam” do tổ chức phi chính phủ ActionAid Việt Nam và Hiệp hội Da giày (LEFASO) tiến hành trong nửa đầu tháng 5 sau khi EC áp mức thuế sơ bộ 4,2% vào ngày 7-4 vừa qua.

Cùng với một lá thư tập thể và hơn 2.000 chữ ký của các công nhân da giày, báo cáo nghiên cứu này sẽ được đệ trình lên phiên điều trần tại EC về vụ kiện tại Brussels, Bỉ vào ngày 2-6. Cũng trong ngày 2-6, mức thuế sơ bộ của EC đối với giày mũ da Việt Nam xuất khẩu vào EU tăng gấp đôi, từ 4,2% lên 8,4%.

Việc áp thuế này đã gây tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất của toàn ngành da giày, một ngành vẫn luôn dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU của Việt Nam với tổng kim ngạch lên tới 2,1 tỷ Euro trong năm 2005. Theo thống kê ban đầu, vụ kiện có thể khiến nửa triệu lao động trực tiếp của ngành da giày và một lượng lớn công nhân làm việc trong các ngành phụ trợ lâm vào tình trạng thất nghiệp.

Ông Phan Văn Ngọc, Giám đốc quốc gia ActionAid Việt Nam nói: Lập trường của Liên minh châu Âu về tự do hóa thương mại không nhất quán và công bằng. Một mặt, tại các vòng đàm phán trong khuôn khổ WTO, EU đã ép các nước nghèo phải mở cửa thị trường các ngành công nghiệp. Mặt khác, chính những nền kinh tế mạnh nhất này lại tiếp tục bảo hộ ngành giày của mình trước hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Ở cả hai trường hợp, người nghèo luôn là đối tượng bị thiệt thòi nhất. Những nước giàu phải thay đổi cách hành xử hoặc sẽ phải chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ của hệ thống thương mại đa phương.

Theo LEFASO, ngay từ khi vụ kiện bắt đầu vào tháng 7-2005, số lượng đơn hàng đã giảm mạnh và nhiều đơn hàng cho năm 2006 chưa được các khách hàng xác nhận khiến nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất và cho công nhân nghỉ chờ việc hàng loạt.

Tác động này càng nghiêm trọng hơn khi mức thu nhập của công nhân ngành da giày vốn đã ở mức thấp và đa số lao động trong ngành này là lao động nữ, bình quân mỗi người lao động phải trợ giúp từ 2 – 3 thành viên trong gia đình.

 Như vậy, khi lao động ngành giày có nguy cơ mất việc làm còn kéo theo những vấn đề xã hội khác như bản thân lao động trẻ không có tương lai, con em họ sẽ bị thất học, gia đình họ ngày càng khó khăn và rất dễ bị bần cùng hoá và trở nên nghèo đói.

Chị Đặng Thị Nhiên, đại diện cho lớp công nhân có thâm niên cao tại Công ty Da Giày Hải Phòng nói: Do thiếu đơn hàng, giờ một tháng chúng tôi chỉ còn làm 20 ngày công thay vì 26 ngày công như trước đây, do vậy thu nhập đã giảm xuống đáng kể. Với chỉ trung bình 15.000 – 20.000 đồng thu nhập/ngày (khoảng 0,75 – 1 euro), chúng tôi chỉ dám tiêu 5.000 đồng (0,25 euro) cho việc ăn uống, chủ yếu là cơm, bánh mì, mỳ tôm, khoai, sắn... Chúng tôi cũng đã cố thử tìm thêm việc làm ngoài giờ song không thành vì việc ít người đông. Chúng tôi chỉ còn biết mượn tiền quanh để sống qua ngày. Chẳng còn biết ngày mai sẽ sống thế nào nữa. Giờ chúng tôi chỉ có một mong muốn duy nhất là được làm việc ổn định tại nhà máy như trước đây.

 Thông qua việc khảo sát và đánh giá những tác động tiêu cực của vụ kiện đối với đời sống và việc làm của công nhân tại 21 doanh nghiệp sản xuất giày mũ da xuất khẩu vào thị trường EU đóng trên địa bàn 7 tỉnh/thành phố (TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương và Hà Tây), ActionAid Việt Nam và LEFASO cùng lên tiếng kêu gọi EC hãy xem xét lại quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da của Việt Nam một cách thấu tình đạt lý trên cơ sở thương mại công bằng, bình đẳng và nhân đạo – một quyết định sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế và cuộc sống của gần một triệu công nhân da giày và các ngành phụ trợ. 

ActionAid International là một tổ chức phi chính phủ quốc tế được thành lập ở Vương quốc Anh vào năm 1972, hiện có mặt tại 42 quốc gia để trợ giúp 13 triệu người thuộc tầng lớp nghèo khổ nhất trên thế giới. ActionAid bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1989 trong lĩnh vực xoá đói giảm nghèo. Các chương trình của ActionAid Việt Nam (AAV) đều nhằm mục đích giúp những người nghèo nhất, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và cộng đồng các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế và cải thiện vị trí xã hội.

Các hoạt động của AAV tập trung vào 6 lĩnh vực ưu tiên: bình đằng giới và quyền của phụ nữ, an ninh lương thực, giáo dục, HIV/AIDS, quản trị và điều hành và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Sau 15 năm hoạt động tại Việt Nam, AAV đã xây dựng được 11 vùng dự án dài hạn từ Bắc vào Nam, hầu hết tập trung ở các địa bàn khó khăn và xa xôi nhất. Tính chung trên toàn quốc đã có gần 100 xã thuộc 22 tỉnh thành với tổng số hơn 60.000 hộ gia đình nghèo được hưởng lợi trực tiếp từ các chương trình phát triển của AAV.

Huy Cường