5 yếu tố để phát triển chăn nuôi hàng hoá

09/Thg6/2006 03:12:00

Đàn bò sữa của Việt Nam có tốc độ tăng bình quân mỗi năm 26,1%. Số lượng lợn cũng liên tục tăng, từ 21,7 triệu con (2000) lên 27,4 triệu con (2005), bình quân tăng 6%/năm.

Chất lượng giống và kỹ thuật chăn nuôi đã được cải thiện một bước, đã có một số điển hình hợp tác xã chăn nuôi lợn hướng nạc như ở Nam Sách (Hải Dương), Đan Phượng (Hà Tây), Yên Định (Thanh Hoá)...

Đây là loại hình tổ chức sản xuất có nhiều lợi thế giảm chi phí đầu vào, làm khá tốt các dịch vụ thú y, cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm. Ở các vùng chăn nuôi trọng điểm như Đông Nam Bộ, ĐBSH, ĐBSCL và Tây Nguyên đã áp dụng những tiến bộ kỹ thuật về chuồng trại.

Công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi phát triển nhanh hơn các giai đoạn trước, tăng trung bình 15,5%/năm, thức ăn công nghiệp chiếm gần 39% tổng thức ăn tinh, đạt giá trị sản lượng gần 20.000 tỷ đồng vào năm 2005.

Tuy nhiên cho đến nay, ngành chăn nuôi vẫn còn khá nhiều yếu kém, bất cập. Rõ nét nhất là chăn nuôi gia súc, gia cầm vẫn trong quy mô nhỏ, phân tán và tận dụng phụ liệu nông nghiệp. Chăn nuôi bò thịt vẫn dựa vào chăn thả tự nhiên, thiếu bò giống tốt, thiếu đồng cỏ và thức ăn thô xanh, quy trình kỹ thuật chưa được áp dụng rộng rãi, nên năng suất và chất lượng thịt còn thấp. Giá thu mua sữa thấp đã dẫn đến tình trạng năm 2005 có khoảng 1-1,2 vạn bò sữa bị đưa vào giết thịt.

Chưa có chính sách quốc gia về phát triển trâu, nên trâu vẫn hầu hết thả rông kiểu quảng canh, giống như dê, cừu. Chăn nuôi lợn cũng trong tình trạng phổ biến là nhỏ, phân tán trong hộ nông dân, năng suất thấp, giá thành cao, chọn tạo đàn đực giống chưa tốt. Chăn nuôi gia cầm cũng không thoát khỏi thói quen nói trên.

Có 5 yếu tố cần thực hiện đồng bộ để phát triển chăn nuôi. Đó là trang trại, tiến bộ kỹ thuật, thức ăn, thú y và thị trường (xin được tạm gọi là 5T).

Trong giai đoạn 2006-2015, ngành chăn nuôi sẽ phát triển theo hướng tập trung, công nghiệp quy mô vừa và lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao; bảo đảm vệ sinh thú y, nuôi trồng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngành phấn đấu đến 2010 đạt 30% tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp, và 2015 là 35%.

Đến năm 2010, đàn bò sữa đạt 200.000 con, năng suất sữa 4.000-4.200 kg/con/chu kỳ, cho 350.000 tấn sữa, đáp ứng 30% nhu cầu trong nước. Sẽ có 7,1 triệu bò thịt, tỷ lệ lai 36%, đạt 210.000 tấn thịt. Đàn trâu sẽ là 3,1 triệu con với 72.800 tấn thịt; 2,5 triệu dê, cừu. Đàn lợn lớn nhất với 32,8 triệu con, 3,2 triệu tấn thịt, mỗi năm 1 nái sẽ sản xuất 750-780 kg lợn con.

Năm 2010, đàn gia cầm lên đến 283 triệu con, đạt 1,427 triệu tấn... Cũng năm ấy, sẽ có gần 11 triệu tấn thức ăn chăn nuôi công nghiệp, 140.000 ha cỏ. Năm 2010, 30% số lượng gia cầm sẽ được giết mổ tập trung, công nghiệp, đến 2015 sẽ là 35%.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề ra một số giải pháp để đạt được định hướng trên. Trước tiên là đầu tư về khoa học - công nghệ, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuế sử dụng đất, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó, còn tăng cường công tác thông tin thị trường, đổi mới nội dung khuyến nông, tăng cường hội nhập, triển khai một số công trình trọng điểm.

Nhưng vấn đề quan trọng nhất là thực hiện các giải pháp đó như thế nào? Điều cốt lõi là làm thế nào để đưa nền chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ, lên thành nền chăn nuôi tập trung, công nghiệp. Vấn đề này vượt ra ngoài khuôn khổ thuần tuý ngành nông nghiệp, bởi vì có liên quan đến rất nhiều ngành, nhiều cấp, đặc biệt là các chính quyền tỉnh, thành phố.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, lo lắng về tình trạng ngành chăn nuôi có nguy cơ bị "thua" trên sân nhà, khi gia nhập WTO. Ông kiến nghị: "Cần có chính sách khuyến khích nông dân dành diện tích ruộng đất để trồng cỏ, và trồng cỏ thâm canh. Sử dụng các phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi đại gia súc, như rơm, ngọn mía, lõi ngô, thân ngô già...

Nhà nước cần đầu tư đầy đủ công trình thuỷ lợi ở các vùng ngô, nghiên cứu chuyển đổi thu hoạch ngô vào mùa nắng, để chủ động có đủ nguyên liệu ngô chế biến thức ăn gia súc. Cũng cần được đưa một tỷ lệ sắn thích đáng vào làm thức ăn gia súc, không nên chỉ tập trung xuất khẩu như hiện nay". Theo ông Lịch, dĩ nhiên, cần có cơ chế thêm về thuế, về kho tàng, bến bãi, về công tác thú y, thông tin... thì việc đưa chăn nuôi lên sản xuất hàng hoá mới có thể trở thành hiện thực.