5 nguyên nhân khiến giá cổ phiếu ngân hàng hồi phục

22/Thg8/2006 16:18:23

Lợi nhuận của nhiều ngân hàng đang tăng mạnh.

Không chỉ trên thị trường OTC, mà cả trên thị trường chính thức cổ phiếu ngân hàng cũng tăng giá trở lại, đó là cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), với mã chứng khoán giao dịch là STB.

Đây là loại cổ phiếu ngân hàng đầu tiên niêm yết và có mức giảm lớn nhất trong thời gian qua. Song đến tuần vừa qua, STB đã liên tục tăng lên trên 63.000 đồng và phiên giao dịch cuối tuần qua đạt tới 65.500 đồng/cổ phiếu, tức tăng hơn 11%.

Loại cổ phiếu ngân hàng có giá cao nhất và hấp dẫn nhất là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á châu (ACB), thời điểm lên cao nhất tới 16,5 triệu đồng/cổ phiếu. Thời điểm xuống thấp nhất cách đây 2 tuần còn 12,2 - 12,5 triệu đồng, giảm 24% - 26%, song cuối tuần qua đã tăng lên 13,8 - 14,0 triệu đồng/cổ phiếu.

Một loại cổ phiếu ngân hàng được giới đầu tư quan tâm nhất trong thời gian qua là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Giá cổ phiếu của Eximbank thời điểm tăng cao nhất cách đây gần 2 tháng đã đạt tới 8,2 triệu đồng/cổ phiếu với mệnh giá 1 triệu đồng/cổ phiếu.

Song cách đây gần 3 tuần giá cổ phiếu này đã giảm mạnh, có thời điểm xuống thấp nhất chỉ còn 6,0 triệu đồng/cổ phiếu, trước sự sửng sốt của giới đầu tư. Cuối tuần qua đã tăng lên 7,6 triệu đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu của 2 ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng thuộc nhóm đứng đầu về sự hấp dẫn giới đầu tư là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (VP Bank) và của Ngân hàng Thương mại Cổ phần quân đội (MB) cũng diễn ra tương tự.

Vậy tại sao giá cổ phiếu của các ngân hàng lại tiếp tục phục hồi?

Thứ nhất, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tiếp tục tăng vốn điều lệ và phát hành cổ phiếu mới bán cho các cổ đông hiện hữu bằng mệnh giá, hoặc bán theo giá thỏa thuận nhưng cũng có khoảng cách khá xa so với giá đang giao dịch trên thị trường OTC.

Từ ngày 1/9/2006, Eximbank chốt danh sách cổ đông và phát hành thêm 40% cổ phiếu mới trong tháng 9/2006. Tức là cổ đông cứ sở hữu 5 cổ phiếu được mua thêm 2 cổ phiếu với giá 1,0 triệu đồng/cổ phiếu.

Cũng trong tháng 9/2006, MB thực hiện tăng vốn điều lệ đợt 2 năm 2006, với dự kiến bán 15% cổ phiếu cho cổ đông. Giới đầu tư dự đoán rằng, với số vốn điều lệ còn khiêm tốn hiện nay 675 tỷ đồng của MB thì chắc chắn trong đầu năm 2007, ngân hàng này sẽ tiếp tục tăng mạnh vốn điều lệ để đảm bảo chiến lược mở rộng mạng lưới, phát triển chi nhánh.

Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác, như: VP Bank, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Nam,...  cũng thực hiện tăng vốn tương tự.

Thứ hai, thông tin một số ngân hàng thương mại cổ phần kết thúc đàm phán bán cổ phần cho đối tác nước ngoài được lan truyền trong giới đầu tư, cổ đông và người quan tâm.

Đối với Eximbank, dư luận trong giới đầu tư bàn luận rằng đã kết thúc đàm phán thành công với đối tác là một ngân hàng của Pháp, dự kiến giá cổ phiếu bán cho đối tác này lên tới 7,0 triệu đồng/cổ phiếu.

VP Bank ngay trong tháng 8/2006 sẽ hoàn tất thủ tục bán 10% vốn cổ phần cho tập đoàn ngân hàng OCBC của Singapore với giá 45.000 đồng/cổ phiếu, cộng với trợ giúp kỹ thuật.

Thông tin về bán cổ phần của một số ngân hàng thương mại cổ phần khác cho đối tác nước ngoài cũng được lan truyền trong dư luận.

Thứ ba, những kỳ vọng về lợi ích có được nhờ đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng thương mại cổ phần đang trở nên rõ ràng, minh bạch, chắc chắn và hấp dẫn hơn.

Bởi vì ngoài cổ tức các cổ đông sở hữu được hưởng từ lợi nhuận hoạt động kinh doanh bình thường, thì còn những khoản lợi nhuận bất thường mà ngân hàng thương mại cổ phần có được, như: bán cổ phiếu cho đối tác chiến lược và đối tác nước ngoài theo giá thỏa thuận, khoản chênh lệch giữa giá thỏa thuận và mệnh giá được hạch toán vào thu nhập; những khoản nợ xấu đã trích lập dự phòng rủi ro đưa ra ngoại bảng trước đây, nay xử lý được tài sản, phát mại thu hồi tiền về, nên vừa có thu nhập từ bán tài sản, vừa có thu nhập nội bảng từ khoản dự phòng rủi ro đã trích,...

Bên cạnh đó, hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần đều hết sức thận trọng trong cho vay, giảm tỷ trọng dư nợ cho vay trong tổng tài sản có, tăng tỷ trọng các khoản đầu tư, bán buôn vốn, đầu tư trên thị trường tiền gửi trong và ngoài nước, cho vay trên thị trường liên ngân hàng. Đồng thời phát triển mạnh dịch vụ, tăng tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ trong tổng thu nhập của ngân hàng.

Bởi vậy, lợi nhuận của ngân hàng gia tăng mạnh và vững chắc. Lợi tức của các ngân hàng thương mại cổ phần kết thúc năm tài chính có thể chi bằng tiền mặt cho cổ đông, có thể chia bằng cổ phiếu cho cổ đông.

Thứ tư, sau đợt dư luận lo ngại về các ngân hàng thương mại đồng loạt chạy đua nhau tăng lãi suất, sẽ làm giảm lợi nhuận của ngân hàng, thì nay đã rõ ràng hơn. Thực tế là tuy lãi suất đầu vào tăng lên, nhưng quy mô kinh doanh cũng tăng cao, lãi suất huy động vốn USD đầu tư trên thì trường quốc tế cũng tăng tương ứng,... 

Do đó, phân tích thực tế thì lợi nhuận ngân hàng không bị ảnh hưởng của việc tăng lãi suất, mà còn có quy mô lợi nhuận lớn hơn.

Thứ năm, sau khi dư luận cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành quy định thắt chặt về cho vay cầm cố cổ phiếu để mua chứng khoán, mua cổ phiếu khác, thì nay thông tin đó đã lắng dịu, thay vào đó nhiều nguồn tin cho rằng, Ngân hàng Nhà nước chỉ cảnh báo và có thể đưa ra quy định có tính nguyên tắc chung còn do các ngân hàng thương mại chủ động quy định.

Trong thực tế hiện nay chỉ có Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nhà Hà Nội là hạn chế cho vay dạng này, còn các ngân hàng thương mại khác, như: ACB, ngân hàng thương mại cổ phần quốc tế,... vẫn cho khách hàng vay vốn bằng hình thức cầm cố cổ phiếu ngân hàng này để mua cổ phiếu của ngân hàng thương mại cổ phần khác.

Cổ phiếu ngân hàng thương mại cổ phần ở nước ta hiện nay được đánh giá là loại chứng khoán hấp dẫn nhất so với tất cả các loại cổ phiếu của các loại hình doanh nghiệp khác. Giới đầu tư và nhiều chuyên gia tài chính, chuyên gia chứng khoán dự báo rằng, giá cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần ở nước ta vẫn tiếp tục diễn ra theo chiều hướng tích cực, giá tiếp tục tăng một cách ổn định, vững chắc.