“Tiền polymer giả là chuyện tất yếu”

16/Thg8/2006 15:53:28

VNECONOMY cập nhật: 16/08/2006

So sánh tiền polyme giả và thật.

 

Trước đây khi bắt đầu phát hành tiền polymer, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy từng khẳng định, đây là loại tiền rất khó làm giả. Tuy nhiên thời gian gần đây tiền giả polymer bắt đầu được phát hiện. Phải chăng yếu tố chống giả của tiền polymer không phải như Ngân hàng Nhà nước đã từng tuyên bố?

Tiền giả là hiện tượng phổ biến trên thế giới nên thành thật mà nói, xuất hiện tiền giả là không thể tránh.

Thông thường tiền giả xuất hiện rất nhanh. Đồng Euro sau khi phát hành sáu tháng đã phát hiện tiền giả. Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc mới đây cũng đã phát hiện tiền giả chỉ sau khi đưa ra mẫu tiền mới vào năm 2005.

Nói như vậy để thấy việc tiền giả xuất hiện là chuyện tất yếu. Tại các nước có tiền hay bị làm giả, khi thấy số tiền giả xuất hiện nhiều thì sẽ thay đổi bằng cách Chính phủ đưa ra một mẫu mới để chống giả bên cạnh việc ứng dụng các công nghệ chống giả hiện đại.

Tức là tiền polymer cũng có thể bị làm giả?

Đối với vấn đề tiền giả và chống làm giả, theo tôi nghĩ, cần đánh giá ở nhiều góc độ. Trước tiên là việc làm giả dễ hay không dễ. So với các nước ở Châu Âu hay Trung Quốc, việc tiền giả polymer được phát hiện ở Việt Nam (sau ba năm từ khi Ngân hàng Nhà nước phát hành), tôi nghĩ như vậy cũng có thể có kết luận ban đầu về chuyện khó hay dễ làm giả tiền polymer.

Như Thống đốc Lê Đức Thúy trình bày tại Quốc hội mới đây, tỷ lệ tiền giả polymer chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng số tiền giả bị phát hiện.

Tôi có thể khẳng định, các yếu tố bảo an của tiền polymer cao hơn so với tiền cotton. Những yếu tố bảo an chất liệu giấy cotton như hình bóng chìm, cửa phản quang, dây bảo hiểm thì tiền polymer đều có, trong khi những yếu tố như cửa sổ thì chỉ có tiền polymer mới có.

Kế đến, cần phải xem xét tiền giả có dễ phát hiện hay không. So với tiền cotton, việc phát hiện tiền giả polymer dễ dàng hơn nhiều do có những đặc điểm bảo an trên đồng tiền được chúng tôi công bố rộng rãi, và nó rất dễ nhận biết. Kể cả với loại tiền giả trên nilông, nó cũng vẫn dễ phát hiện hơn tờ tiền cotton ngày xưa.

Vậy việc sử dụng tiền polymer thay thế tiền cotton có hiệu quả?

Chi phí in ấn tiền polymer quả thật cao hơn tiền cotton, ước chừng xấp xỉ hai lần. Nhưng định mức chi phí này được Bộ Tài chính phê duyệt chứ không phải do Ngân hàng Nhà nước ấn định. Bên cạnh đó, muốn đánh giá hiệu quả giữa hai loại tiền thì cần phải nhìn dài hạn.

Ông có thể nói ý nghĩa của việc phát hành hai mệnh giá tiền polymer mới?

Việc bổ sung mệnh giá 200.000 đồng polymer sẽ đảm bảo cơ cấu mệnh giá đồng tiền trong lưu thông hợp lý, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của nền kinh tế và tiết kiệm chi phí phát hành tiền.

Theo cơ cấu mệnh giá đồng tiền chung của các nước, tiền được phát hành theo hệ số 1-2-5. Hiện nay, giữa khoảng 100.000 đồng và 500.000 đồng của chúng ta không có loại mệnh giá nào nên tờ tiền 200.000 đồng polymer là bổ sung cơ cấu đồng tiền một cách bình thường.