Xây đê biển không được quên trồng rừng

05/Thg5/2006 15:19:10

Cơn bão số 7 năm 2005 ập vào gây vỡ đê nhiều chỗ. Riêng đoạn cửa Lạch Giang nhờ có bãi bồi phía trước nên chỉ bị xói lở mạnh 5 km. Nếu không đoạn đê bê tông 5 km này, chỉ cần bão cấp 9, cấp 10 là sẽ phá toang cả 5-7 km đê.

TS Đặng Quang Tính, Cục trưởng Cục Đê điều và Phòng chống lụt bão, kể: "Cơn bão số 7 gió mạnh cấp 12, giật trên cấp 12, đã phá hệ thống đê biển chỉ chịu được tần suất thiết kế cấp 8, cấp 9. Chúng tôi có mặt ở đúng nơi này vào lúc gió và sóng biển dữ dội. Cả một đoạn đê dài 5 km bị bật tung mái, sóng chồm phá vỡ mặt đê. May nhờ chủ động phòng chống, lại nhờ có bãi bồi cửa sông Ninh Cơ, nên đê ở cửa Lạch Giang không bị vỡ".

Nâng cấp hệ thống đê biển vùng duyên hải

Sau cơn bão, Chính phủ có ngay chương trình bảo vệ, củng cố và nâng cấp đê biển các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam. Mục tiêu trước mắt là khôi phục lại các đoạn đê đã bị vỡ, sạt lở lớn sau bão, nhằm đảm bảo khép kín tuyến đê phòng bão, nước rươi, gió mùa đông bắc tiếp tục phá hoại đê biển. Chương trình hoàn thành sẽ đảm bảo an toàn cho tất cả các tuyến đê biển theo mức thiết kế.

Riêng ở các khu vực đông dân cư, hoặc đê chỉ có một tuyến và trực tiếp biển, thì phải đảm bảo an toàn với gió bão cấp 10, ứng với mức nước triều trung bình tần suất 5%. Mục đích cao nhất là nếu rủi ro vỡ đê biển khi gặp gió bão vượt mức thiết kế, thì cũng hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.

KS. Bùi Văn Thức, Trưởng ban Quản lý dự án xây dựng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định, cho biết đã hoàn thành đúng thiết kế 3 km trong tổng số 5km đê ở cửa Lạch Giang, thuộc xã Nghĩa Phúc này. Hết tháng 6, sẽ hoàn chỉnh toàn bộ, không còn lo dòng sông ép chân kè Nghĩa Phúc. Huyện Nghĩa Hưng đã huy động lực lượng gia cố mái đê, nơi nào có dải cây thì chỉ cần đắp đất chặt chân đê, không cần phải ốp đá.

Trên bản đồ, toàn bộ bờ biển của Hải Hậu và phần lớn bờ biển của Giao Thuỷ chạy thẳng kẻ chỉ, trực tiếp với sóng biển. Toàn bộ 91 km bờ biển của Nam Định đều thuộc loại biển tiến, bị xói lở dữ dội. Những năm 60 của thế kỷ trước, ta đã đắp đê biển, sau đó chương trình PAM đã giúp ta tiếp tục đắp và củng cố đê.

Trải qua gần nửa thế kỷ, qua rất nhiều cơn bão, hệ thống đê đã suy yếu. Toàn bộ dải đê cũ đã bị bào mòn, những mỏ hàn trơ ra dãy đá. Nhiều đoạn biến mất tăm, nước biển ập vào mái đê mới vừa bị bão số 7 phá nát. Xã Hải Thịnh bị vỡ 2 đoạn dài. Khu Hải Thịnh 1 bị vỡ 180 mét đê, sóng biển lật nhào mặt đê, tràn nước vào xóm làng, đồng ruộng. Nhiều đoạn đến nay vẫn còn nham nhở bao tải cát chất đầy từ lúc hàn khẩu. Công trường hối hả, khẩn trương làm việc liên tục. Đến đoạn giữa 2 tuyến đê ở xã Hải Hoà, hàng trăm người và xe cơ giới thi công, cần cẩu, máy búa, rất nhiều công trường đúc ống buy, khối cấu kiện. Tất cả đều tranh thủ từng giờ, từng phút.

KS Đỗ Văn Lý, Chi cục trưởng đê điều của tỉnh Nam Định, thường xuyên kiểm tra công việc đắp đê, xây đê. Ông giải thích: "Toàn bộ công trình bắt buộc phải đảm bảo 2 yêu cầu khắt khe về thời gian và chất lượng. Vì ảnh hưởng của thuỷ triều, nên mỗi ngày chỉ làm được 4-5 tiếng. Chúng tôi đã phải sử dụng đến 60-70 nhà thầu, để cùng thi công một lúc. Xi măng, sắt thép, đá cát đều tập kết tại hiện trường, đúc cấu kiện tại chỗ, nên vừa đạt chất lượng cao, vừa không hề thất thoát vật tư".

Giá 1 km đê hiện đại là 20 tỷ đồng

TS Nguyễn Hữu Phúc, một chuyên gia lão luyện trong ngành đê điều, nói: "Ở đây, bờ biển bị hạ thấp liên tục, chân khay kè bị tụt sâu, làm cho ống buy bị nghiêng ngả. Mỗi ống buy cao 2 m, nặng 3 tạ, dù được đổ đá đóng sâu cũng bị sóng dễ dàng lật nhào như chiếc phao cần câu. Cho nên, phải đóng bê tông 9 m ngập phía trước, rồi mới hạ ống buy. Sau đó còn có tường bê tông dày chạy dài, trước khi lát mái đê bằng cấu kiện bê tông. Công nghệ này đảm bảo an toàn bền vững cho đê, trước bão cấp 10-12, nhưng tốn kém lắm, trung bình 20 tỷ đồng/1km đê biển hiện đại".

Hiểu được điều đó và đến tận nơi, mới thấy cuộc chiến đấu của đê biển tốn kém và quyết liệt. Bởi lẽ, vừa qua xã Hải Triều là thấy ngay "phế tích" của xã Hải Lý. Bão biển đã phá tan con đê biển cũ, đẩy mấy thôn ra ngoài biển, xộc xệch giữa những dải đất cũ chỗ chìm, chỗ nổi là 3 ngôi nhà trống huếch trống hoác. Qua cầu Hà Lan trên sông Sòi nối xã Hải Lộc của huyện Hải Hậu với xã Giao Phong của huyện Giao Thuỷ là đến khu đồng muối 300ha Bạch Long. Đoạn đê vỡ của xã Bạch Long nay không còn lưu dấu vết.

Thay vào đó là con đê và kè cống Thanh Niên rất đẹp, có thể khẳng định là đẹp nhất và kiên cố nhất trong cả tuyến đê 91 km của Nam Định. Người bận rộn nhất phải là ông Trần Đình Cao, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nam Định. Vậy mà không tuần nào ông Cao không 2 lần đi kiểm tra đê, mỗi lần ngót nghét 200 km. Ông bảo có mặt người lãnh đạo, có đốc thúc và kiểm tra tại chỗ, mới kịp thời chỉ đạo có hiệu quả. Hơn nữa, đê biển không an toàn thì đừng nghĩ gì đến việc khác.

Cho nên, ông rất băn khoăn khi thấy nhiều nơi chưa thật quan tâm đến trồng cây chắn sóng. Ngay ở khu Hải Thịnh, vỡ đê 2 chỗ lớn như thế, vậy mà người dân vẫn chặt hạ cả dải phi lao 300m, chỉ còn phơ phất mấy cây đếm đầu ngón tay.

Rừng cây có thể giảm 50% sức sóng mạnh

Ông Cục trưởng Đê điều Đặng Quang Tính phân tích: "Đắp đê biển, không chỉ bảo vệ mái ngoài biển, vì sóng biển có thể trườn lên cao, tạo thành cột nước lớn phá hoại mặt đê và xói vào chân mái đê phía trong. Bây giờ, dù nơi nào mái đê đã được lát bằng cấu kiện bê tông nặng 70 kg mỗi cục, thì vẫn phải lo trồng cây ven biển. Nơi nào không có bãi bồi thì phải làm mỏ hàn để tạo bãi trồng cây. Thực tế cho thấy, ở chỗ nào có dải cây, thì dù đê chỉ đắp đất và mái đê trồng cỏ, vẫn an toàn".

Vừa qua, khi đi kiểm tra, ông thấy dân ở xã Giao Long nô nức chặt rừng phi lao biển. Ông đã kịp thời ngăn chặn. Xây đê tốn bao nhiêu công của, nhưng có nơi như ở ngay vùng muối 300 ha xã Bạch Long, vẫn thường xuyên xe công nông chở cát bãi về làm ruộng muối.

TS Nguyễn Hữu Phúc khẳng định, rừng cây chắn sóng nếu rộng 400- 500m sẽ giảm sức mạnh của sóng đến 40-50%, nếu rộng 1km thì sóng hầu như không còn sức tàn phá. Ông cũng ghi nhận, chỉ có nhân dân địa phương mới trồng rừng chắn sóng tốt nhất, hiệu quả nhất, hơn hẳn bất kỳ doanh nghiệp trồng rừng nào.

TS Phúc nói: "Chính phủ cấp 300 tỷ đồng cho Nam Định xây dựng và kiên cố bền vững 20,236 km đê biển xung yếu nhất, trực tiếp với biển. Còn trồng cây là trách nhiệm của địa phương. Nơi nào có bãi tự nhiên thì cần phủ kín cây, nơi nào có thể được (như ở gần cửa sông) thì lập mỏ hàn bằng buy để tạo bãi trồng cây. Nơi nào cần gấp thì trồng cây trưởng thành, đào hố và bỏ phân".

Ngày 27/10/2005, ngay sau bão số 7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã trình Chính phủ phê duyệt chương trình bảo vệ, củng cố và nâng cấp đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam.

Trong đó, Bộ đã ghi rõ trách nhiệm trồng dải cây dọc tuyến đê, nhằm tạo rừng ngập mặn chắn sóng trước đê biển, là của chính quyền xã và huyện. Tại các tuyến đê trực diện với biển, phải đắp thêm tuyến 2 dự phòng phía trong. Trong lúc hối hả xây dựng đê bê tông, một số tỉnh chưa thực sự quan tâm trồng cây chắn sóng. Khoảng cách giữa đê biển với đê dự phòng phía trong vẫn chưa được phun cát, nhiều nơi còn cho đào ao đầm nuôi trồng thuỷ sản ở đó.

Con đê biển trọng yếu chắc chắn sẽ hoàn thành trước mùa bão. Nhưng hàng trăm km đê biển còn lại sẽ ra sao, nếu không có rừng chắn sóng, khi bão cấp 10, cấp 12 đổ bộ vào? Không lẽ lại phải trông chờ có một dự án tiền tỷ của Nhà nước, mới trồng cây chắn sóng?