VAA sau 25 năm: Hứa hẹn tương lai tươi sáng của ngành

17/Thg9/2020 10:22:04

Từ những ngày đầu thắp lửa

Ban vận động thành lập Hội TĐH đã được hình thành từ một cuộc hội ngành Tự động hóa - Điện khí hóa quy mô lớn của trường ĐH Bách khoa Hà Nội diễn ra năm 1987. Tuy nhiên, đến 7 năm sau, Hội Khoa học công nghệ Tự động Việt Nam mới chính thức có quyết định thành lập. Kể về lịch sử ra đời của Hội TĐH Việt Nam, ông Trịnh Đình Đề, thành viên sáng lập, tham gia Ban vận động thành lập hội cho biết: “… đã 7 năm rồi Ban vận động vẫn kiên trì hoạt động. Hiếm có một hội nào có thời kỳ chuẩn bị lâu như vậy”. Lâu nhưng Ban vận động vẫn quyết tâm bởi hơn 30 năm trước, những người trong ngành, tâm huyết với ngành cũng đã nhìn ra tầm quan trọng của công nghệ tự động hóa trong nền kinh tế quốc dân.

Lĩnh vực Tự động hóa ở Việt Nam lúc đó tuy còn non trẻ, nhưng khí thế của các chương trình như “Tự động hóa và cơ khí hóa đồng bộ”, “Chương trình Kỹ thuật kinh tế về Tự động hóa”,… được Chính phủ chú trọng triển khai đang được đẩy mạnh. Giai đoạn từ năm 1980 - 1985 một loạt dự án công nghiệp mới được xây dựng tại Việt Nam có sự viện trợ của nước ngoài như Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Supe Phốt phát Lâm Thao, Nhà máy Đường Lam Sơn, Nhà máy Giấy Bãi Bằng, Tuyển than Cửa Ông,… đã mang lại làn gió mới về khoa học kỹ thuật cho nước ta. Tuy nhiên, do bối cảnh lịch sử của giai đoạn đó (do sự cấm vận của Mỹ và Trung Quốc) nên nhiều chuyên gia kỹ thuật của nước ngoài rời Việt Nam gây khó khăn cho các nhà máy những năm tiếp thep. Cũng chính thời điểm đó nhiều thành viên của hội đã tham gia vào các hoạt động dịch vụ kỹ thuật cho các nhà máy. Hội mới thành lập lại nằm trong bối cảnh này nên khí thế luôn sục sôi. Nhiều người nhiệt huyết tham gia vào gây dựng hội, số lượng hội viên cũng tăng nhanh.

Đến nay, Hội TĐH Việt Nam với hàng nghìn hội viên trải đều trên khắp cả nước và hầu khắp các ngành kinh tế của đất nước. Họ là các cá nhân trí thức KHCN Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, các tổ chức KHCN và các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực TĐH. Tại các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng,… Hội đều có các tổ chức thành viên. Ngoài ra, VAA còn có các hội chuyên ngành, chi hội, các trung tâm khoa học công nghệ và các trường đào tạo nguồn nhân lực.

Với đội ngũ trí thức khoa học công nghệ này, Hội TĐH Việt Nam đã có nhiều hoạt động có ý nghĩa trên phương diện KHCN. Giai đoạn đầu là phối hợp với các bộ, ngành, Chương trình KHCN Nhà nước về TĐH (KC.03) và Chương trình Kỹ thuật Kinh tế về TĐH tổ chức thành công 6 hội nghị toàn quốc về tự động hóa - VICA (thời kỳ 1994 - 2005); từ năm 2011, VAA đã chủ trì tổ chức Hội nghị Toàn quốc lần thứ nhất về Điều khiển và Tự động hóa - VCCA. Từ đó đến nay,  Hội nghị diễn ra đều đặn 2 năm một lần. Ngoài hoạt động KHCN, VAA luôn duy trì Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia và tổ chức cho các Đoàn doanh nghiệp TĐH Việt Nam tham dự Hội chợ triển lãm quốc tế tại nhiều nước trên thế giới, tổ chức các triển lãm về TĐH - Đo lường - Điều khiển; hoạt động tư vấn phản biện chủ trương chính sách về KHCN, Luật KHCN, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật,…

… đến nhiệm kỳ IV đổi mới và phát triển

Đại hội lần thứ IV Hội TĐH Việt Nam đã mang lại luồng gió mới, khí thế mới cho VAA khi có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức, định hướng hoạt động.

Lần đầu tiên, VAA có 5 Phó chủ tịch, số thành viên trong Ban Thường vụ được tăng lên để xốc vác các nhiệm vụ hoạt động của hội. Với tinh thần quyết liệt coi doanh nghiệp là nhân tố quan trọng trong hoạt động hội, đại hội đã biểu quyết cơ cấu 50% thành phần doanh nghiệp trong Ban chấp hành, Ban Thường vụ để cùng nhau hoạt động.

Ngày 25/10/20214, sau chương trình đại hội 2 tuần, VAA triển khai cuộc họp thường vụ đầu tiên để hoàn thiện cơ cấu bộ máy tổ chức cho VAA. Trong đó, nổi bật là thường vụ thống nhất thành lập 5 ban chuyên môn gồm: Ban tổ chức phát triển hội; Ban đối ngoại, xúc tiến thương mại, truyền thông; Ban Khoa học Công nghệ và Đào tạo; Ban Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; Ban Kinh tế và Kế hoạch đầu tư.

Nhiều nội dung trọng tâm hoạt động của nhiệm kỳ IV đã được thường vụ chốt đưa vào Nghị quyết số 1 của nhiệm kỳ. Nhìn lại chặng đường 5 năm, dù không điểm hết tất cả các hoạt động của VAA nhưng không thể không nhắc đến những kết quả sau đây:

Hội TĐH Việt Nam tổ chức thành công 3 kỳ VCCA gồm: VCCA 2015 tại Thái Nguyên, VCCA 2017 tại Tp.HCM và VCCA 2019 tại Hà Nội, đánh dấu lần thứ 5 Hội TĐH Việt Nam tổ chức VCCA đều đặn hai năm một lần. VCCA ngày càng có quy mô lớn hơn, có chiều sâu và tính chất quốc tế ngày càng mở rộng đã lan tỏa và tăng uy tín của hội trong nước và quốc tế. Từ VCCA 2017, Hội TĐH đã phối hợp với công ty tổ chức sự kiện triển lãm Vietfair triển khai 3 hoạt động chính: Hội nghị Khoa học, Triển lãm quốc tế & Diễn đàn Doanh nghiệp nhằm kết nối và khai thác có hiệu quả sự liên kết giữa 3 nhà: nhà Quản lý, nhà Khoa học và nhà Doanh nghiệp.

alt

Triển lãm quốc tế lần thứ 5 về Điều khiển - Tự động hóa trong khuôn khổ VCCA 2019

Năm 2018, VAA lần đầu tiên có sáng kiến xét trao Giải "Best Paper" cho bài báo đăng trên chuyên san. Đây sẽ là giải thưởng thường niên. Giải thưởng không chỉ là vinh dự của nhóm tác giả mà còn thể hiện sự quyết tâm của Hội Tự động hóa Việt Nam, Ban Biên tập chuyên san trong việc tôn vinh các nhà khoa học, nâng tầm chất lượng, vị thế của một ấn phẩm khoa học có vai trò quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tháng 5 năm 2019, Lễ trao giải Best Paper đã được tổ chức trang trọng tại Hà Nội.

alt

Chủ tịch VAA trao Giải thưởng Best Paper cho nhóm tác giả đoạt giải

Tháng 10 năm 2019, VAA phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn cấp Quốc gia về chuyển đổi số - Industry 4.0 Summit với chuyên đề “Chuyển đổi số ngành sản xuất hướng tới sản xuất thông minh”. Đây là chuyên đề trọng tâm của diễn đàn và thu hút sự quan tâm của rất nhiều người.

Một nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ IV là cải tổ, phát triển Tạp chí Tự động hóa ngày nay và điều đáng mừng là ngày 14/6/2019, Đề án Tạp chí điện tử đã được Bộ Thông tin - Truyền thông và Ban Tuyên giáo Trung ương phê duyệt và cấp Giấy phép hoạt động số 244/GP-BTTTT.

Chỉ trong 2 năm 2018 - 2019, VAA đã kết nạp thêm được 8 hội viên tập thể có tiềm lực mạnh như VietFair, Rạng Đông, IEC, Autotech, PMTT, Intracom, Advantech, Sora, CMC, Bộ môn Tự động hóa Học viện nông nghiệp,…

Ngoài ra, VAA cũng đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với 5 hội liên ngành trong nước, các hội và hiệp hội chuyên môn nước ngoài, tạo tiền đề cho các hợp tác thương mại, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Nhìn lại chặng đường của nhiệm kỳ IV mặc dù còn một số việc chưa được như kỳ vọng nhưng với những kết quả đạt được, VAA thực sự đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển của cộng đồng các doanh nghiệp, nhà khoa học, các cơ sở đạo tạo tại Việt Nam trong lĩnh vực Tự động hóa. Vị thế, vai trò của VAA đã được khẳng định và ngày càng được nâng cao khi vấn đề đổi mới công nghệ đang ngày càng được chú trọng tại nước ta. Đây cũng chính là tương lai tươi sáng của ngành.

Theo Trà Giang, TĐHNN số tháng 6+7/2020