CÔNG TÁC XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC VÀ CHÍNH SÁCH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

28/Thg4/2006 11:01:30

Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN được thành lập the Quyết định 248/TTg ngày 23.4.1996 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở sáp nhập Viện Nghiên cứu Quản lý Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) và Viện Nghiên cứu Dự báo và Chiến lược KH&CN. Hai tổ chức tiền thân này của Viện đã có bề day hơn 20 năm xây dựng và phát triển, trải qua những giai đoạn lịch sử khác nhau, với những tên gọi khác nhau. Viện Nghiên cứu Quản lý KH&KT (1985-1996) đã hình thành và phát triển từ Tổ Nghiên cứu Chính sách KH&KT (1978-1981), Ban Nghiên cứu Tổ chức KH&KT (1982-1984). Viện Nghiên cứu Dự báo và Chiến lược KH&CN (1989-1996) đã hình thành và phát triển từ Văn phòng của Tiểu ban Nghiên cứu Chiến lược KH&KT do Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp làm Trưởng tiểu ban (1983-1986), sau đó phát triển thành Trung tâm Nghiên cứu Dự báo và Chiến lược KH&KT (1987-1988). Kế thừa và phát huy truyền thống của hai tổ chức tiền thân, Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng chiến lược và chính sách KH&CN phục vụ phát triển đất nước.
Hơn 20 năm qua, được sự quan tâm và chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Uỷ ban KH&KT Nhà nước, Uỷ ban Khoa học Nhà nước, Bộ KH,CN&MT trước đây và Lãnh đạo Bộ KH&CN hiện nay; sự hợp tác và giúp đỡ của các cơ quan hữu quan; các thế hệ cán bộ, viên chức của Viện đã phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển KH&CN của đất nước.
Những đóng góp chủ yếu của hai viện tiền thân
Về nghiên cứu chính sách và quản lý KH&CN
Bộ phận nghiên cứu về quản lý KH&CN được thành lập vào năm 1978 với tên gọi ban đầu là Tổ Nghiên cứu Chính sách KH&KT. Ngay từ khi ra đời, đội ngũ cán bộ nghiên cứu quản lý khoa học đã tích cực tham gia vào việc xây dựng các chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực KH&CN. Tổ đã chủ trì soạn thảo, trình Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 175/CP ngày 29.4.1981 về việc "Ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế trong nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật". Viện Nghiên cứu Quản lý KH&KT đã chủ trì soạn thảo, trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 134/HĐBT ngày 31.8.1987 về "Một số biện pháp khuyến khích công tác KH&KT", Chỉ thị số 199/CT ngày 25.6.1988 về "Sắp xếp và kiện toàn mạng lưới các cơ quan nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật ở nước ta", Nghị định số 35/HĐBT ngày 28.1.1992 về "Công tác quản lý KH&CN", Quyết định số 324/CT ngày 11.9.1992 về "Tổ chức lại mạng lưới các cơ quan nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ". Viện là cơ quan thường trực xây dựng dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về "KH&CN trong sự nghiệp đổi mới" (số 26-NQ/TW ngày 20.3.1991), cơ quan thường trực xây dựng dự thảo Pháp lệnh chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam. Ngoài ra, Viện Nghiên cứu Quản lý KH&KT còn soạn thảo nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến chính sách KH&CN trình Uỷ ban KH&KT Nhà nước, Uỷ ban khoa học Nhà nước, Bộ KH,CN&MT và Bộ KH&CN ban hành.
Những thành tựu đổi mới trong hoạt động KH&CN thời gian qua nhờ chủ trương cho phép các viện nghiên cứu ký kết hợp đồng kinh tế với bên ngoài, khuyến khích cơ sở nghiên cứu chủ động thiết lập và mở rộng mọi hình thức liên doanh/liên kết để ứng dụng có hiệu quả các thành tựu KH&KT vào sản xuất và đời sống, quy định các tổ chức nghiên cứu và phát triển có quyền lập ra các tổ chức sản xuất - kinh doanh, khuyến khích thành lập cơ quan KH&CN thuộc mọi thành phần kinh tế..., có sự đóng góp không nhỏ của Viện trong việc đổi mới cơ chế quản lý KH&CN của đất nước.
Việc xây dựng các chính sách trong thời kỳ đổi mới phải dựa trên các nghiên cứu sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn. Đó chính là thế mạnh mà Viện Nghiên cứu Quản lý KH&KT luôn chú trọng phát huy. Trong giai đoạn 1980-1996, Viện đã chủ trì và tổ chức thực hiện nhiều công trình nghiên cứu cấp nhà nước và cấp bộ, tiêu biểu là: Chương trình cấp nhà nước mã số 60.01 (1981-1985) "Nghiên cứu các biện pháp tổ chức quản lý tiến bộ KH&KT ở Việt Nam" (chương trình có 39 đề tài); Chương trình cấp nhà nước mã số 60A (1986-1990) "Nghiên cứu đồng bộ hoá các biện pháp quản lý tiến bộ KH&KT" (có 19 đề tài); Chương trình cấp bộ "Xây dựng các biện pháp quản lý hoạt động KH&CN phù hợp với giai đoạn chuyển từ nền kinh tế chỉ huy tập trung sang nền kinh tế thị trường" (có 16 đề tài). Những công trình nghiên cứu này đã chuẩn bị cơ sở khoa học cho việc soạn thảo các chính sách mới về phát triển KH&CN trong thời kỳ đổi mới của đất nước.
Về nghiên cứu dự báo và chiến lược KH&CN
Công cuộc đổi mới không chỉ đòi hỏi sự thay đổi về chính sách, quản lý mà còn phải có những định hướng chiến lược phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển của đất nước. Tiến hành nghiên cứu dự báo và chiến lược phát triển trên cơ sở KH&CN là nhiệm vụ trọng tâm đặt ra đối với Viện Nghiên cứu Dự báo và Chiến lược KH&CN.
Văn phòng của Tiểu ban Nghiên cứu Chiến lược KH&KT đã nghiên cứu và xây dựng tài liệu "Hướng dẫn tạm thời về phương hướng xây dựng dự báo và chiến lược KH&KT cho giai đoạn 1986-2001" phổ biến rộng rãi cho các bộ, ngành, địa phương (1983); điều hoà phối hợp 23 nhóm nghiên cứu dự báo và chiến lược KH&KT của các bộ, ngành và xử lý tổng hợp các công trình đó để hình thành bản Dự thảo "Chiến lược phát triển KH&KT 1986-2000" (hoàn thành năm 1986).
Từ năm 1988, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp, Viện Nghiên cứu Dự báo và Chiến lược KH&CN đã tham gia chuẩn bị Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị (khoá VI) về "KH&CN trong sự nghiệp đổi mới" và tiếp theo là tham gia xây dựng Đề án "Chiến lược kinh tế - xã hội (KT-XH) Việt Nam đến năm 2000" phục vụ cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII.
Viện đã thực hiện những đề án lớn có tầm quan trọng quốc gia do Đảng và Nhà nước giao:
- "Chiến lược phát triển KH&KT của Việt Nam giai đoạn 1990-2000" (trình Hội đồng Bộ trưởng vào tháng 12.1989) đã xác định các hướng ưu tiên trong phát triển KH&CN của Việt Nam và định hướng KH&CN phục vụ KT-XH thời kỳ đổi mới.
- "Chiến lược kinh tế biển" (trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 11.1992) đã góp phần làm rõ ý nghĩa, vai trò của kinh tế biển và tiềm năng phát triển kinh tế biển của Việt Nam trong tương lai.
- "Việt Nam - Con đường phát triển tới năm 2020" (công trình nghiên cứu theo yêu cầu của Tổng bí thư Đỗ Mười - năm 1997) phác hoạ con đường tiến lên phía trước của Việt Nam trong bối cảnh mới của thế giới với những thời cơ và thách thức, quan điểm phát triển với mục tiêu và lộ trình đến năm 2020.
Viện cũng đã tổ chức thực hiện nhiều công trình nghiên cứu quan trọng khác như: "Nghiên cứu xây dựng chính sách công nghệ Quốc gia cho giai đoạn 1991- 2005" gồm 17 đề tài; "Phân tích lựa chọn chiến lược công nghiệp hoá (CNH) gắn với hiện đại hoá (HĐH) trên cơ sở KH&CN ở Việt Nam trong thập kỷ 90 và những năm tiếp theo" gồm 11 đề tài; "Phát triển toàn diện KT-XH nông thôn" (thuộc Chương trình KH&CN cấp nhà nước KX.08) gồm 11 đề tài; "Phát triển gò đồi 6 tỉnh Bắc Trung Bộ".
Những đóng góp của Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN (từ 1996 đến nay)
Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách KH&CN (nay là Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN) ra đời vào thời điểm cả nước bắt đầu triển khai Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII) về "Định hướng chiến lược phát triển KH&CN thời kỳ CNH, HĐH và nhiệm vụ đến năm 2000". Quan điểm mới của Đảng thể hiện trong Nghị quyết này đã mở ra những cơ hội mới cho phát triển KH&CN, đồng thời cũng đặt ra cho đội ngũ cán bộ khoa học của Viện nhiều vấn đề phải nỗ lực nghiên cứu giải quyết. Trên thực tế, Viện đã tập trung lực lượng, trí tuệ vào triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình hành động nhằm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Thực hiện Quyết định số 343/TTg ngày 23.5.1997 của Thủ tướng Chính phủ, Viện được giao đảm nhiệm vai trò là cơ quan thường trực xây dựng "Chiến lược phát triển KH&CN của Việt Nam đến năm 2010". Đây là Đề án rất quan trọng, xác định những định hướng và giải pháp lớn để tập trung xây dựng nền KH&CN nước ta theo hướng hiện đại và hội nhập, phấn đấu đạt trình độ trung bình tiên tiến trong khu vực vào năm 2010, đưa KH&CN thực sự trở thành nền tảng và động lực phát triển đất nước. Trong quá trình soạn thảo, Đề án đã có những đóng góp kịp thời vào xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX và Kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khoá IX). Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 272/2003/QĐ-TTg ngày 31.12.2003.
Thực hiện Quyết định 175/CP-KG ngày 22.2.1999, Viện được giao chủ trì Đề án "Tầm nhìn Việt Nam đến năm 2020". Đề án đã đưa ra những nhận định khoa học về bối cảnh quốc tế và trong nước với những thời cơ và thách thức trong quá trình phát triển đất nước, quan điểm phát triển đất nước, hình ảnh xã hội Việt Nam năm 2020, các giai đoạn CNH, HĐH và những định hướng, giải pháp chiến lược đến năm 2020. Đề án được hoàn thành, trình Chính phủ vào tháng 12.2000 và đã kịp thời cung cấp những tư liệu quan trọng để xây dựng Văn kiện Đại hội IX của Đảng.
Xây dựng Luật KH&CN là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII). Viện được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực tổ chức soạn thảo Luật KH&CN đầu tiên của nước ta. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tổ chức, quản lý KH&CN, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển KH&CN. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Bộ KH,CN&MT và sự phối hợp chặt chẽ của Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Viện đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và Luật KH&CN đã được Quốc hội thông qua ngày 9.6.2000 tại Kỳ họp thứ 7 (khoá X), Chủ tịch nước ký ban hành ngày 22.6.2000 và có hiệu lực từ 1.1.2001.
Tiếp sau đó, Viện được giao tổ chức soạn thảo nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật KH&CN: Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật KH&CN (số 81/2002/NĐ-CP, đã được Chính phủ ban hành ngày 17.10.2002), Nghị định thành lập Quỹ phát triển KH&CN quốc gia (số 22/2003/NĐ-CP, đã được Chính phủ ban hành ngày 22.10.2003) và nhiều văn bản hướng dẫn khác nhằm đưa Luật KH&CN vào cuộc sống.
Nhằm sớm khắc phục những bất cập của cơ chế quản lý KH&CN hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi để KH&CN thực sự trở thành nền tảng và động lực cho phát triển KT-XH trong giai đoạn tới, thực hiện Quyết định số 199/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH,CN&MT đã giao cho Viện chủ trì, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước (Bộ Nội vụ) tiến hành xây dựng Đề án "Đổi mới cơ chế quản lý KH&CN". Dự thảo Đề án đã hoàn thành và được trình lên Chính phủ phê duyệt vào tháng 3.2004.
Ngoài các hoạt động chính nêu trên, Viện đã hoàn thành tốt nhiều công việc khác như:
Chủ trì soạn thảo nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được Chính phủ phê duyệt: Quyết định số 68/1998/QĐ-TTg ngày 27.3.1998 về việc "Cho phép thí điểm thành lập doanh nghiệp Nhà nước trong các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu"; Nghị định số 119/1999/NĐ-CP ngày 18.9.1999 về "Một số chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động KH&CN"; Nghị định số 99/2003/NĐ-CP ngày 28.8.2003 về "Quy chế khu công nghệ cao".
Triển khai Đề án "Điều tra cơ bản về năng lực công nghệ trong một số ngành kinh tế của Việt Nam".
Tham gia đề tài cấp nhà nước "Nghiên cứu cơ sở lý luận và tổng kết thực tiễn xây dựng mô hình ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển KT-XH nông thôn và miền núi giai đoạn 1990-2002".
Trong 2 năm 2003, 2004, Viện được giao thực hiện 10 đề án thuộc Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khoá IX) về KH&CN, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật KH&CN; các đề án về phát triển các hướng công nghệ cao và khu công nghệ cao.
Trong hơn 7 năm qua, kể từ khi thành lập (1996), Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN đã thực hiện gần 100 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có hơn 40 đề tài cấp bộ và trên 50 đề tài cấp cơ sở. Ngoài ra, Viện còn hợp tác với các tổ chức nghiên cứu và phát triển của nhiều nước trên thế giới thực hiện nhiều đề án, dự án nghiên cứu.
Để nâng cao trình độ quản lý KH&CN cho cán bộ quản lý nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, công tác đào tạo sau đại học về khoa học quản lý KH&CN đã được Viện chú trọng từ năm 1989. Viện đã được Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho phép mở lớp bồi dưỡng sau đại học dài hạn Ngành khoa học luận (Quyết định số 1539/QĐ-SĐH ngày 8.9.1989) và đào tạo thạc sỹ chuyên ngành chính sách KH&CN (Quyết định số 2823/QĐ-SĐH ngày 4.11.1991). Viện đã tích cực xây dựng và liên tục cải tiến chương trình đào tạo, đồng thời chú trọng huy động đông đảo tổ chức đội ngũ cộng tác viên là các nhà khoa học đầu ngành ở các cơ quan trong và ngoài nước tham gia vào giảng dạy cho các khoá cao học. Đến nay, Viện đã mở 8 khoá đào tạo với hơn 100 học viên, trong đó có hơn 50 người đã tốt nghiệp và nhận bằng thạc sỹ. Những học viên được đào tạo đã phát huy tốt trong môi trường công tác của mình.
Công tác hợp tác quốc tế ngày càng được Viện quan tâm phát triển. Viện đã thiết lập quan hệ với nhiều tổ chức khoa học quốc tế như Viện Nghiên cứu Chính sách (RPI) - Viện Đại học Lund (Thụy Điển), Viện Kinh tế và Kế hoạch hoá - Viện Đại học Rockilde (Đan Mạch), Cơ quan Phát triển KH&CN Quốc gia Thái Lan (NSTDA), Viện Nghiên cứu KH&CN và Phát triển Quốc gia Ấn Độ (NITTADS), Viện Quốc tế và Phân tích Hệ thống Ứng dụng (IIASA), Đại học Toronto (Canada), Viện Nghiên cứu Xã hội Hà Lan (ISS), Viện Nghiên cứu Chính sách KH&CN Quốc gia Nhật Bản (NISTEP), Viện Nghiên cứu Chính sách KH&CN Hàn Quốc (STEPI), Trung tâm Nghiên cứu Phát triển KH&CN Quốc gia Trung Quốc (NRCSTD), Viện Các hệ thống Sản xuất và Công nghệ Thiết kế (IPK) Fraunhofer (Cộng hoà liên bang Đức), Mạng lưới Chính sách KH&CN châu Á (STEPAN), Phân ban Phát triển Nguồn lực KH&CN của Hội đồng KH&CN ASEAN, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam (World Bank, UNDP, UNESCO).
Mối quan hệ của Viện với các tổ chức quốc tế không chỉ dừng lại ở các hình thức trao đổi thông tin, tổ chức hội thảo khoa học mà đã có những công trình nghiên cứu hợp tác mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Viện đã giới thiệu những thành tựu đổi mới của Việt Nam ra bên ngoài và đặc biệt là tạo cầu nối để các nhà quản lý, giới khoa học và giới doanh nghiệp trong nước tiếp xúc trực tiếp với các tổ chức và các nhà khoa học trên thế giới. Trong 2 năm vừa qua, thông qua các dự án hợp tác quốc tế, Viện đã gửi 8 cán bộ nghiên cứu trẻ đi đào tạo thạc sỹ ở nước ngoài.
Quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao cũng là quá trình xây dựng và trưởng thành của Viện. Được sự chỉ đạo thường xuyên của Bộ KH&CN; sự hợp tác, giúp đỡ của các cơ quan liên quan, Viện đã và đang phấn đấu trở thành trung tâm khoa học đầu ngành về nghiên cứu chiến lược và chính sách KH&CN trong nước, có trình độ ngang tầm các Viện nghiên cứu về chính sách KH&CN trung bình tiên tiến trong khu vực vào năm 2010, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển KH&CN của đất nước.